Một nguồn tin cho hãng tin Reuters biết Washington đã chờ đợi hơn 2 tuần để không gây hại đến việc phóng thích các tù nhân Mỹ đang bị Iran cầm giữ mới áp đặt biện pháp trừng phạt mới.
Trong danh sách đen của Bộ Tài chính Mỹ có Công ty Mabrooka Trading, trụ sở ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), và giám đốc điều hành công ty này, Hossein Pournaghshband – bị cáo buộc giúp sản xuất sợi carbon cho chương trình tên lửa đạn đạo của Iran.
Tất cả cá nhân, công ty nằm trong danh sách trừng phạt sẽ bị cấm giao dịch với các công ty, tổ chức tài chính của Mỹ.
Tổng thống Barack Obama hôm 17-1 xác nhận lệnh trừng phạt mới đối với Iran trong một tuyên bố phát trên truyền hình từ Nhà Trắng. Ông khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục cảnh giác chương trình tên lửa của nước Cộng hòa Hồi giáo này và “không do dự trong việc bảo vệ an ninh của chúng tôi cũng như các đối tác và đồng minh”.
Cũng trong bài phát biểu này, ông Obama nhấn mạnh với việc triển khai thỏa thuận hạt nhân với Iran, các cường quốc thế giới đã chặn mọi ngả đường để Tehran có thể sở hữu một quả bom hạt nhân, đồng thời khẳng định việc trao đổi tù nhân giữa Mỹ và Iran cho thấy tính khả thi của phương án ngoại giao.
Các biện pháp trừng phạt lẽ ra được công bố hôm 30-12-2015 nhưng lúc đó Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang đàm phán để Iran thả 5 tù nhân Mỹ vào cuối tuần qua. Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cảnh báo nếu Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt, thỏa thuận tù nhân có thể bị đe dọa nên các quan chức chính quyền Tổng thống Obama đã hoãn trừng phạt để chờ sau khi thỏa thuận hoàn thành.
Hồi tháng 10 năm ngoái, Iran tiến hành một vụ thử tên lửa đạn đạo dẫn đường chính xác có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, được cho là vi phạm lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc .
Quyết định nói trên được công bố vài giờ sau khi 3 tù nhân Mỹ - gồm phóng viên Jason Rezaian của báo The Washington Post, mục sư Saeed Abedini, cựu lính thủy quân lục chiến Amir Hekmati - lên một máy bay của Thụy Sĩ rời khỏi Tehran tới Đức hôm 17-1.
Ngoài ra, tù nhân Mỹ gốc Iran Nosratollah Khosravi-Roodsari cũng được thả nhưng không lên máy bay và tù nhân thứ 5, sinh viên người Mỹ Matthew Trevithick, ra khỏi trại giam từ ngày 16-1.
Bên phía Washington, một số người Mỹ gốc Iran đang bị giam tại nhà tù của Mỹ được phóng thích dựa trên thỏa thuận mới đạt được.
Đồng thời, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố họ đồng ý trả 400 triệu USD và 1,3 tỉ USD tiền lãi cho Iran theo phán quyết của Tòa án Quốc tế (The Hague – Hà Lan). Đây là số tiền Tehran dùng để mua thiết bị quân sự của Washington trước khi diễn ra cuộc cách mạng năm 1979 và quan hệ ngoại giao giữa 2 nước bị đổ vỡ.
Cùng ngày 17-1,Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đưa ngân hàng Sepah của Iran và các chi nhánh quốc tế của ngân hàng này ra khỏi danh sách trừng phạt. Sepah là ngân hàng lâu đời nhất của Iran, bị trừng phạt năm 2007 vì hỗ trợ các công ty Iran liên quan tới việc phát triển công nghệ tên lửa của Tehran.
Bình luận (0)