Trang tin địa phương Havereru Online cho biết thủ đô Malé của Maldives hôm 24-10 bị đóng cửa để nhà chức trách điều tra nguyên nhân vụ nổ. Từ sáng sớm, xe chở binh sĩ và cảnh sát tràn ngập các con phố. Bên cạnh đó, cảnh sát cũng bắt giữ Phó Tổng thống Ahmed Adeeb để phục vụ công tác điều tra.
Người thông báo vụ bắt giữ ông Adheeb trên mạng xã hội Twitter là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Umar Naseer. Vị này cho biết ông Adeeb hiện bị giam ở nhà tù Dhoonidhoo về tội “phản quốc”. Havereru Online sau đó thông tin thêm ông Adheeb bị bắt khi vừa hạ cánh tại sân bay quốc tế Ibrahim Nasir (INIA) trên một chuyến bay của hãng hàng không Singapore Airline.
Theo phát ngôn viên cảnh sát Maldives Ismail Ali, ông Adeeb vừa trở về sau chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc.
Ông Adeeb (33 tuổi), được Tổng thống Yameen bổ nhiệm làm cấp phó cách đây 3 tháng sau khi quốc hội nước này miễn nhiệm Phó TT Mohamed Jameel cũng về tội “phản quốc”.
Trước đó, ngày 28-9, một vụ nổ lớn xảy ra trên tàu cao tốc chở Tổng thống Maldives Yameen Abdul Gayoom cùng phu nhân và phái đoàn chính phủ, lúc đó đang trở về Malé từ sân bay sau khi tham dự lễ hành hương Hajj ở Ả Rập Saudi.
Ông Gayooom may mắn không hề hấn gì nhưng vợ ông và 1 phụ tá cùng 1 vệ sĩ bị thương. Vụ nổ được xác định là một vụ đánh bom có thể nhằm ám sát nhà lãnh đạo Maldives.
Hai nhân viên an ninh đã bị bắt giữ và thừa nhận lên tàu trước khi xảy ra vụ nổ nhưng chưa rõ vai trò của họ. Sau vụ bắt giữ này là hàng loạt diễn biến khíến chính trường Maldives xôn xao.
10 ngày trước, Bộ trưởng Quốc phòng Moosa Ali Jaleel bị sa thải. Đến ngày 22-10, người phát ngôn chính của chính phủ, ông Mohamed Shareef. cũng mất chức. Chỉ vài giờ trước vụ bắt Phó Tổng thống Adeeb, cảnh sát trưởng quốc gia Hussain Waheed bị tổng thống sa thải.
Một số nhà phân tích cho rằng đây là cuộc thanh trừng nhằm vào những người bị ngờ là thiếu trung thành.
Vốn là thiên đường du lịch an bình, Maldives rung chuyển vì các cuộc đấu đá chính trị kể từ khi Tổng thống dân cử đầu tiên Mohamed Nasheed bị lật đổ vào tháng 2-2012.
Cuộc bầu cử của ông Yameen gần đây cũng gây nhiều tranh cãi. Sau khi nắm quyền, ông này bỏ tù ông Nasheed với mức án 13 năm vào tháng 3 qua. Những cuộc trấn áp phe chống đối của ông Yameen bị cộng đồng quốc tế phản đối. Tháng trước, một ủy ban của Liên Hiệp Quốc đề nghị ông Yameen thả và bồi thường cho ông Nasheed nhưng bị bác bỏ.
Bình luận (0)