Đối đầu với băng đảng
Vương Lập Quân (bên phải) trong chiến dịch chống mafia Ảnh: CNS
Vương Lập Quân, năm nay 52 tuổi, sinh trưởng ở thị trấn Arxen, Nội Mông, có cha làm công nhân đường sắt và mẹ làm thợ dệt. Sau khi phục vụ quân đội 3 năm, họ Vương làm nhân viên kiểm lâm trước khi vào ngành công an năm 1984. Trong 28 năm mang cảnh phục, họ Vương để lại nhiều giai thoại cho thấy ông là một người có cá tính mạnh, khi ra tay là không khoan nhượng, thích chơi nổi.
Giai thoại sau đây do Hoàng Kế Nhân, Chủ tịch Hội Nhà văn Trùng Khánh, thuộc nhóm tác giả viết các tác phẩm chính thức về chiến dịch chống mafia Trung Quốc của bí thư Bạc Hy Lai và giám đốc công an Vương Lập Quân, kể lại:
"Trong một chuyến công tác ở Ý, ông Vương bị nhóm người của mafia bắt cóc vì tưởng nhầm là nhân viên FBI (Cảnh sát Liên bang Mỹ) trà trộn vào hàng ngũ để làm nội gián. Đối mặt với những tên mafia thứ thiệt, họ Vương dõng dạc tuyên bố: “Tôi là người Trung Quốc, đảng viên đảng cộng sản. Tôi đến đây để tìm hiểu làm thế nào một đảng viên cộng sản lại có thể trở thành mafia”.
Vẫn theo ông Hoàng, sau khi nghe thuyết trình của ông Vương, những tên bắt cóc ông bắt tay mời: “Nào ông ngồi xuống đây nói chúng tôi nghe chuyện của ông ở Trung Quốc”. Những người bắt cóc họ Vương, vốn có quan hệ mật thiết với các tổ chức cánh tả cực đoan và mafia địa phương, nghe rất chăm chú. Sau đó, họ thả ông Vương.
Còn câu chuyện sau đây cũng do một người trong giới văn nghệ thuật lại trên một tờ báo tỉnh Liêu Ninh. Đó là nhà biên kịch Chu Lập Quân, người từng “cùng ăn, cùng ở” 10 ngày với giám đốc Công an thành phố Thiết Lĩnh năm 1996 trong chiến dịch bài trừ tham nhũng và mafia ở Thiết Lĩnh. Ông Chu là tác giả kịch bản một bộ phim truyền hình nhiều tập mang tựa đề Tinh thần sắt máu của một chiến sĩ công an nói về chiến công hiển hách của ông Vương Lập Quân.
Câu chuyện kể rằng ông Vương sử dụng một chiếc xe hiệu Mitsubishi rất đặc biệt. Trên mui xe có hai dàn đèn pha “khủng”. Hễ có trọng án là “sếp Vương” – người dân địa phương thường gọi ông như vậy – lái xe tới hiện trường, nhảy ra khỏi xe, rút súng bắn mấy phát lên trời thị uy.
Trong một lần đột kích ban đêm vào một tiệm hớt tóc thanh nữ mà ông nghi là ổ mại dâm trá hình, ông Vương túm lấy đầu một gã thanh niên có mái tóc nhuộm vàng hoe đè xuống đất. Sau khi cảnh sát lục tìm khắp nơi mà không thấy chứng cứ, sếp Vương vẫn ra lệnh đưa gã tóc vàng về đồn: “Thanh niên mà để đầu tóc như thế không phải là người đàng hoàng”.
Nóng tính
Đối với nội bộ, “sếp Vương” cũng nghiêm khắc ra trò. Một doanh nhân quen biết lâu năm ông Vương kể lại ông thường “vi hành” các đồn công an lúc nửa đêm. Thấy cán bộ trực ban nào ngủ gà ngủ gật, ông dựng họ dậy rồi chửi tắt bếp.
Hãng tin Reuters dẫn lời một đồng nghiệp cũ của họ Vương ở Đông Bắc Trung Quốc, tiết lộ rằng thỉnh thoảng ông Vương đích thân mổ xẻ tử thi bọn tội phạm để xem “nó có trái tim màu đỏ hay màu đen”. Reuters dẫn một nguồn tin thân cận giới chức Trùng Khánh kể lại một câu chuyện sau đây cho thấy tính cách đời thường của giám đốc Công an Trùng Khánh:
"Một hôm tại nhà hàng khách sạn Nam Sơn Lệ Kinh - nơi tìm thấy thi thể doanh nhân người Anh Neil Heywood ngày 15-11-2011 – có một nhóm khách ăn nhậu rất ồn ào khiến 2 người phụ nữ ngồi bàn kế bên rất bực mình. Họ lên tiếng yêu cầu phía bên kia giảm bớt âm lượng. Lời yêu cầu được lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng bị phớt lờ.
Một trong 2 người phụ nữ lặng lẽ móc điện thoại gọi ai đó. Vài phút sau, một người đàn ông mặc thường phục xuất hiện, rút súng ngắn quăng lên bàn của nhóm ăn nhậu ồn ào kèm theo một câu: “Tụi bây có biết mấy bà kia là ai không?”. Người đàn ông đó là giám đốc Công an Trùng Khánh".
Hóa ra nhóm khách ăn nhậu mất lịch sự là sĩ quan công an quận Nam Ngạn của Trùng Khánh; còn 2 người phụ nữ ngồi gần họ là bà Cốc Khai Lai, phu nhân bí thư thành ủy Bạc Hy Lai và phu nhân của ông Vương. Hậu quả nhãn tiền, tất cả cán bộ công an vừa kể đều bị cách chức ngay sau đó.
Bình luận (0)