Sinh ra ở Chicago, bang Illinois, năm 1947, Hillary Diane Rodham (bà Hillary Clinton sau này) thu hút sự chú ý của công luận khi được mời phát biểu trong một buổi lễ tốt nghiệp của Trường Đại học Wellesley với tư cách là chủ tịch Hiệp hội Chính phủ Đại học Wellesley. Bà là sinh viên đầu tiên trong lịch sử nhà trường nhận được vinh dự này vốn chỉ dành cho chính khách và các nhân vật quan trọng.
Cơ duyên với ông Bill Clinton
Lúc mới vào năm thứ nhất, bà được bầu làm chủ tịch Hội Thanh niên Cộng hòa. Lúc đó, thần tượng của bà là Barry Goldwater, ứng cử viên Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1964. Tuy nhiên, bà đã thay đổi lập trường ủng hộ Đảng Dân chủ sau những biến cố chính trị lớn như phong trào phản đối chiến tranh ở Việt Nam và cái chết của mục sư Martin Luther King Jr.
Sau khi tốt nghiệp cử nhân chính trị, bà chuyển qua Khoa Luật Trường Đại học Yale và tốt nghiệp cử nhân luật năm 1973. Tại đây, bà gặp ông Bill Clinton, người sau đó trở thành thống đốc bang Arkansas và tổng thống Mỹ từ năm 1993 đến 2001. Hai người cưới nhau vào năm 1975 và có một cô con gái tên Chelsea, năm nay đã 32 tuổi.
Nỗi đau mang tên Lewinsky
Là người nổi tiếng hiện được coi là người phụ nữ thứ hai có ảnh hưởng lớn nhất thế giới (sau bà Thủ tướng Đức Angela Markel), bà Hillary Clinton từng bị thử thách khắc nghiệt khi làm đệ nhất phu nhân và bộ trưởng ngoại giao.
Trong thời gian ở Nhà Trắng, bà Hillary trải qua nhiều thách thức như bị điều tra trong nhiều vụ bê bối phần lớn mang tính chính trị như Whitewater, Travelgate… Nhưng vụ bê bối tình dục chính trị của ông Bill Clinton liên quan đến cô nhân viên tập sự ở Nhà Trắng Monica Lewinsky là thử thách lớn nhất bởi nguy cơ gây ra cảnh “nhà tan, cửa nát”.
Vụ việc xảy ra năm 1998. Ông Clinton quan hệ “trên mức tình cảm” với cô Lewinsky. Những lời tình tự yêu đương bị ghi âm lén và lọt vào tay một luật sư đang điều tra những vụ án khác liên quan đến hai ông bà Clinton. Báo chí làm rùm beng, tổng thống Clinton bị hạ viện đề nghị truất phế vì phạm tội khai man và cản trở công lý nhưng được thượng viện phán quyết trắng án sau 21 ngày xét xử.
Tình cảnh bà Hillary lúc đó thật bi đát. Trong cuốn tự truyện Living History xuất bản năm 2003 bán đắt như tôm tươi (hơn 1 triệu bản trong tháng đầu tiên), bà Hillary viết: “Tình cảm và niềm tin chính trị của tôi đã bị anh ấy làm tổn thương nghiêm trọng. Ở cương vị làm vợ, tôi chỉ muốn vặn cổ anh ấy. Nhưng anh ấy cũng là tổng thống của tôi”.
Bà cho biết mặc dù có lúc đã nghĩ tới chuyện “anh đi đường anh, tôi đi đường tôi” nhưng cuối cùng bà đã vượt qua thử thách lớn nhất trong đời sống vợ chồng. Bà giải thích: “Đó là một cuộc tình kéo dài nhiều thập niên. Không ai hiểu tôi và biết làm cho tôi cười như Bill”. Trước công luận, bà chia sẻ: “Tôi tin rằng những gì chồng tôi làm là trái với đạo đức. Nhưng tôi cũng tin rằng sai lầm của anh ấy không phải là phản quốc”.
Có hai luồng phản ứng chung quanh cách xử lý của bà Hillary. Nhiều phụ nữ ngưỡng mộ nghị lực của bà, nạn nhân của một người chồng không chung thủy. Những cuộc thăm dò dư luận cho thấy uy tín của bà lên đến 70%, một kỷ lục chưa từng có. Nhưng cũng có người chỉ trích bà cố bám vào một cuộc hôn nhân đã đổ vỡ trên thực tế vì tham vọng chính trị.
Cuộc nổi dậy ở Ai Cập
Cuộc cách mạng Ai Cập bắt đầu từ ngày 25-1-2011 là thử thách lớn nhất đối với bà Hillary với tư cách là ngoại trưởng Mỹ. Là người có quan hệ thân thiết với gia đình tổng thống Mubarak 20 năm, bà Hillary được ông Obama hoàn toàn tin tưởng giao nhiệm vụ đối phó với biến cố chính trị này.
Ai Cập là một đồng minh lâu năm của Mỹ. Vì vậy, bà Hillary dùng “quyền lực mềm” để thuyết phục vị tổng thống Ai Cập 82 tuổi tự nguyện rút lui. Bà tuyên bố chính phủ Mubarak “ổn định” có thể chuyển tiếp trong trật tự thành một chính phủ có các thành phần dân chủ. Mỹ chỉ “lên án chính quyền Ai Cập dùng bạo lực chống lại những người biểu tình” sau khi ông Mubarak từ chức giao quyền cho quân đội đàn áp đẫm máu những người biểu tình.
Trong khi đó, chính bà Clinton thúc đẩy các nước Ả Rập và NATO không kích Libya lật đổ chính quyền ông M. Gaddafi với kết quả ông này bị quân nổi dậy giết. Chính sách ngoại giao hai mặt này mà đại diện là bà Hillary đã bị chỉ trích kịch liệt.
Bình luận (0)