Dù vậy, trong cùng giai đoạn, số ca nhiễm toàn cầu đã tăng 18%, với hơn 4,1 triệu ca mới được ghi nhận. Báo cáo cho biết nếu xét theo khu vực, Trung Đông là nơi chứng kiến mức tăng số ca nhiễm theo tuần cao nhất (47%), tiếp đến là châu Âu và Đông Nam Á (32%) và châu Mỹ (14%).
Theo hãng tin AP, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo số ca nhiễm Covid-19 đang gia tăng ở 110 quốc gia, chủ yếu do biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron. "Đại dịch đang thay đổi nhưng chưa kết thúc" - ông Tedros khẳng định, đồng thời cho biết khả năng theo dõi quá trình tiến hóa di truyền của Covid-19 "đang bị đe dọa" khi các nước nới lỏng nỗ lực giám sát và giải trình tự gien.
Theo tổng giám đốc WHO, điều này có thể khiến giới chuyên gia gặp khó khăn hơn trong việc "săn bắt" những biến thể mới, kể cả những biến thể nguy hiểm.
Tổng giám đốc WHO đồng thời kêu gọi các nước ưu tiên tiêm phòng Covid-19 cho những nhóm rủi ro cao, trong đó có nhân viên y tế và người trên 60 tuổi. Theo ông, hàng trăm triệu người vẫn chưa được tiêm chủng và có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong. Dù hơn 1,2 tỉ liều vắc-xin Covid-19 đã được triển khai trên toàn thế giới, tỉ lệ tiêm chủng trung bình ở các nước kém phát triển hiện chỉ đạt khoảng 13%.
Nhân viên y tế phun thuốc khử khuẩn tại TP Thượng Hải - Trung Quốc hôm 1-7Ảnh: REUTERS
Theo dữ liệu của Tổ chức Oxfam và Liên minh Vắc-xin cho tất cả mọi người, G7 (nhóm 7 nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới) cam kết viện trợ 2,1 tỉ liều vắc-xin cho các nước thu nhập thấp nhưng chưa đến 50% trong số này được bàn giao.
Trong một tuyên bố ngày 30-6, Ban Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết họ đã thông qua quyết định thành lập quỹ tài chính trung gian (FIF) nhằm củng cố năng lực phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó (PPR) đại dịch ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế. Tuyên bố nhấn mạnh những thiệt hại về người, kinh tế và xã hội do Covid-19 gây ra đã cho thấy nhu cầu cấp bách của việc phối hợp hành động để huy động thêm các nguồn lực và xây dựng những hệ thống y tế vững mạnh hơn.
Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Indonesia, Đức, Anh, Singapore và một số quỹ từ thiện đã cam kết đóng góp tổng cộng hơn 1 tỉ USD cho FIF, theo WHO. Trong những tuần tới, WB và WHO sẽ hợp tác chặt chẽ với các nhà tài trợ và đối tác để phát triển FIF với mục tiêu khởi động quỹ này ngay trong mùa thu năm nay.
"FIF sẽ cung cấp nguồn tài chính bổ sung, dài hạn để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức hiện hành trong việc hỗ trợ các quốc gia, khu vực có thu nhập thấp và trung bình chuẩn bị ứng phó đại dịch tiếp theo" - Chủ tịch WB David Malpass khẳng định.
Bình luận (0)