Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 12-1 đã công bố số liệu đáng lo về mức độ lây nhiễm của biến thể Omicron trên toàn cầu: 15 triệu ca mới được ghi nhận trong tuần lễ khép lại hôm 9-1, tăng 55% so với tuần trước.
Bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm chuyên gia kỹ thuật về Covid-19 của WHO, nhận định số ca nhiễm cao này đang đè nặng lên hệ thống chăm sóc sức khỏe. "Ngay cả khi không nghiêm trọng bằng Delta, Omicron vẫn đang khiến nhiều người nhập viện, được chăm sóc đặc biệt hoặc tử vong" - bà Van Kerkhove cảnh báo.
Một thông tin đáng chú ý khác là Omicron đang nhanh chóng thay thế biến thể Delta để trở thành chủng trội khắp thế giới dù chỉ mới phát hiện lần đầu tiên ở châu Phi cách đây 1 tháng rưỡi. Trong số hơn 357.000 ca được giải trình tự gien trong 30 ngày qua, gần 59% ca do Omicron gây ra - theo báo cáo mới của WHO.
Dù vậy, WHO cho rằng dữ liệu trên có thể không cho thấy đầy đủ bức tranh về sức lây lan nhanh chóng của Omicron do tình trạng thiếu dữ liệu và năng lực giải trình tự gien hạn chế tại một số nước. Bà Van Kerkhove nhấn mạnh thế giới có thể có những động thái để tác động đến hướng đi sắp tới của Omicron và giảm thiểu tốc độ lây lan của nó, trong đó có tiêm chủng.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 hôm 13-1 ở thủ đô Jakarta - Indonesia, nơi có số ca mắc Omicron đang tăng. Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus lưu ý rằng số ca nhập viện hiện không cao như những đợt dịch Covid-19 bùng phát trước đó. Những lý do khả dĩ được ông Tedros nói đến là Omicron không độc hại như Delta, miễn dịch rộng rãi từ tiêm chủng và các ca mắc trước đó. Dù vậy, Tổng Giám đốc WHO cho biết số người tử vong vẫn còn ở mức cao, trung bình 48.000 trường hợp/tuần.
Ông Tedros đặc biệt cảnh báo Omicron vẫn nguy hiểm, nhất là đối với người chưa tiêm chủng. Theo quan chức này, phần lớn bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện trên thế giới đều chưa được tiêm vắc-xin và việc không kiểm soát được dịch bệnh sẽ làm gia tăng nguy cơ xuất hiện một biến chủng khác có khả năng lây lan và gây chết người cao hơn cả Omicron.
Theo thống kê, hơn 90 quốc gia hiện chưa đạt được mục tiêu tiêm vắc-xin cho 40% dân số. Riêng tại châu Phi, hơn 85% người dân vẫn chưa được tiêm mũi vắc-xin ngừa Covid-19 nào. Trong nỗ lực chinh phục mục tiêu tiêm chủng 70% dân số toàn cầu vào giữa năm 2022, ông Tedros thúc giục thế giới đẩy nhanh mở rộng sản xuất vắc-xin, dỡ bỏ rào cản thương mại và chia sẻ vắc-xin.
Số liệu của WHO cho thấy Mỹ là nước chứng kiến số ca mắc mới tăng cao nhất trong tuần lễ khép lại hôm 9-1 với 4,6 triệu ca, tăng 73% so với tuần trước đó. Theo Reuters, Mỹ hiện đứng đầu danh sách 126 quốc gia đang ghi nhận số ca Covid-19 tăng mỗi ngày. Cho dù có tỉ lệ tiêm chủng đáng kể, Mỹ vẫn chứng kiến số ca tăng mạnh do sự hoành hành của Omicron.
AP dẫn lời một số nhà khoa học dự báo làn sóng Covid-19 do Omicron có thể gần đạt đỉnh ở Mỹ. Lý do là biến thể này có sức lây lan mạnh mẽ đến mức có thể đang hết người để nó lây nhiễm. "Số ca mắc sẽ giảm nhanh như khi nó tăng lên" - ông Ali Mokdad, chuyên gia tại Trường ĐH Washington (Mỹ), nhận định. Theo ông Mokdad, một mô hình dự báo của trường này cho thấy số ca mắc Covid-19 hằng ngày ở Mỹ sẽ đạt đỉnh 1,2 triệu vào ngày 19-1 rồi sau đó sẽ giảm mạnh.
Mặt khác, nhiều chuyên gia cho biết họ không chắc giai đoạn tiếp theo của đại dịch sẽ diễn biến ra sao. Riêng bà Van Kerkhove nhận định Covid-19 đang trên đường trở thành bệnh đặc hữu, "chỉ là chúng ta vẫn chưa đến được giai đoạn đó".
Một số nghiên cứu được đăng tải trong tuần này đã cung cấp thêm hiểu biết về virus SARS-CoV-2 và các biến thể của nó. Đáng chú ý, một nghiên cứu tại bang California - Mỹ cho thấy người mắc Omicron thì nguy cơ nhập viện thấp, ít chuyển nặng hoặc tử vong hơn người mắc Delta. Cụ thể, nhóm nghiên cứu nhận thấy bệnh nhân mắc Omicron tại Bệnh viện Kaiser Permanente ở Nam California có nguy cơ cần chăm sóc đặc biệt và tử vong lần lượt thấp hơn 74% và 91% so với người mắc Delta.
Theo đài CNBC, các tác giả cuộc nghiên cứu (gồm chuyên gia của Trường ĐH California ở Berkeley, Bệnh viện Kaiser Permanente, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ) công bố kết quả trên sau khi phân tích hơn 52.000 trường hợp nhiễm Omicron và gần 17.000 ca nhiễm Delta. Trước đó, dữ liệu từ Anh và Nam Phi cũng cho thấy Omicron không khiến người nhiễm bị bệnh nặng như Delta.
Một nghiên cứu khác phát hiện virus SARS-CoV-2 mất đến 90% khả năng lây nhiễm trong vòng 20 phút phát tán trong không khí. Phần lớn sự giảm sút này xảy ra trong 5 phút đầu tiên. Ông Jonathan Reid, chuyên gia của Trường ĐH Bristol (Anh) và là tác giả chính của nghiên cứu, nhận định kết quả trên cho thấy nguy cơ nhiễm virus lớn nhất là khi chúng ta ở gần ai đó. Theo trang Guardian (Anh), kết quả cuộc nghiên cứu một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp ngăn lây nhiễm ở khoảng cách gần, như đeo khẩu trang.
Bình luận (0)