Ngoài ra, WHO nhấn mạnh các biện pháp ngăn chặn biến thể Delta cũng có thể sử dụng để đối phó Omicron. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus thúc giục các quốc gia bảo đảm sự tiếp cận công bằng đối với vắc-xin, xét nghiệm và phương pháp điều trị trên toàn thế giới.
Dù vậy, Trưởng nhóm khoa học của WHO Soumya Swaminathan nói thêm WHO vẫn cần tìm hiểu xem liệu những vắc-xin này có suy giảm hiệu quả phòng ngừa trước biến thể mới nói trên hay không.
Theo hãng tin Reuters, WHO dự báo có thể mất vài tuần để hoàn thành các nghiên cứu về Omicron để xem liệu có bất kỳ thay đổi nào về khả năng lây nhiễm, mức độ nghiêm trọng hoặc tác động đến vắc-xin, xét nghiệm và phương pháp điều trị Covid-19 hay không.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm một hành khách tại sân bay ở TP Johannesburg- Nam Phi hôm 28-11 Ảnh: REUTERS
Trước mắt, WHO cho biết những dữ liệu ban đầu cho thấy phần lớn ca nhiễm liên quan đến Omicron là các ca nhẹ hoặc không biểu hiện triệu chứng. Bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của WHO, khẳng định cơ quan này hiện chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp tử vong nào liên quan đến biến thể Omicron.
Omicron được cho là đã xuất hiện ở ít nhất 24 quốc gia, vùng lãnh thổ và con số này còn tăng. Ông Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, hôm 1-12 thông báo nước này đã ghi nhận trường hợp mắc Omicron đầu tiên. Bệnh nhân đã được tiêm phòng đầy đủ, vừa trở về từ Nam Phi hôm 22-11 và có các triệu chứng nhẹ.
Cùng ngày, nhà chức trách Nam Phi tiết lộ Omicron nhanh chóng trở thành chủng trội ở nước này sau chưa đầy 4 tuần họ ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể này.
Bình luận (0)