xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

WikiLeaks lại tung tài liệu mật

Hoàng Phương

Ông Julian Assange sẽ lại ra tòa vào ngày 11-1-2011 để tranh đấu việc dẫn độ ông về Thụy Điển

Thẩm phán một tòa án ở London (Anh) hôm 14-12 đã cho phép ông Julian Assange, nhà sáng lập kiêm tổng biên tập website WikiLeaks, được bảo lãnh tại ngoại một tuần sau khi ông bị bắt giam vì những cáo buộc tình dục ở Thụy Điển.

 
Người Anh hoài nghi
 
Ông Assange được phép tại ngoại với điều kiện phải đóng 240.000 bảng Anh tiền bảo lãnh và giao nộp lại hộ chiếu. Ngoài ra, theo đài BBC (Anh), ông Assange phải tuân thủ lệnh giới nghiêm được áp đặt tại một địa chỉ ở hạt Suffolk, đeo vòng kiểm soát điện tử và ra trình diện tại đồn cảnh sát địa phương vào mỗi buổi tối.
 
Dù vậy, ông Assange vẫn chưa được phóng thích ngay do các luật sư đại diện cho nhà chức trách Thụy Điển đang cân nhắc có kháng cáo phán quyết nói trên hay không vào cuối ngày 14-12 (giờ địa phương).  Ông Assange dự kiến sẽ tiếp tục ra tòa vào ngày 11-1-2011 để chống lại việc dẫn độ ông về Thụy Điển.
 
Trước khi ra tòa, ông Assange đã lên tiếng chỉ trích các công ty Visa, MasterCard và PayPal vì ngăn cản việc quyên tiền cho WikiLeaks. Nội dung một tuyên bố của ông Assange được đọc trên kênh truyền hình Channel 4 (Anh) hôm 14-12, cho biết: “Chúng ta giờ đây biết rõ rằng Visa, MasterCard và PayPal là những công cụ của chính sách đối ngoại của Mỹ. Đây là điều chúng ta chưa từng biết trước đó”.
 
Ngoài ra, ông Assange kêu gọi thế giới bảo vệ công việc và người của ông khỏi “những hành động trái phép và phi đạo đức này”. Ông cũng bác bỏ những cáo buộc nhằm vào mình ở Thụy Điển, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục công việc công bố tài liệu mật.
 

img
Julian Assange bên trong chiếc xe cảnh sát chở ông ra tòa ở London (Anh) hôm 14-12. Ảnh: Getty Images


Đáp lại lời kêu gọi trên, những người ủng hộ ông Assange đã tập trung bên ngoài tòa án hôm 14-12 để phản đối việc giam giữ ông Assange. Trước đó một ngày, một cuộc tuần hành nhỏ cũng diễn ra bên ngoài Đại sứ quán Thụy Điển ở London.
 
Những người này nghi ngờ động cơ của yêu cầu dẫn độ ông Assange sang Thụy Điển xuất phát từ việc WikiLeaks bắt đầu công bố tài liệu ngoại giao mật của Mỹ hồi tháng 11-2010. Dù vậy, các quan chức Thụy Điển đã bác bỏ cáo buộc này.
 
Một cuộc thăm dò mới của đài CNN (Mỹ) cho thấy 46% trong số 2.000 người Anh được hỏi tin rằng các cáo buộc tình dục chỉ là “cái cớ” nhằm giam giữ ông Assange để Chính phủ Mỹ có thể truy tố ông vì tội công bố tài liệu mật. 
 
41% người cho rằng ông Assange không phải bị truy tố vì đã công bố tài liệu mật, trong khi 30% nói ngược lại. Trong khi đó, 42% người đồng ý rằng WikiLeaks đã đúng khi công bố tài liệu mật, trong khi 33% người không tán thành hành động này.
 
 
img

Các nhà hoạt động xã hội ở thành phố Bhubaneswar, Ấn Độ tuần hành phản đối việc giam giữ ông Julian Assange hôm 13-12. Ảnh: AP


 

Sự hoài nghi của người Anh đối với vụ bắt giữ ông Assange càng thêm có cơ sở sau khi ông Mark Stephens, một luật sư của ông, cho biết  một ban bồi thẩm có quy mô lớn đã được bí mật thành lập tại bang Virginia (Mỹ) để xác định những cáo buộc chống lại ông Assange.
 
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Al Jazeera hôm 13-12, ông Stephens cho biết ông có được thông tin trên từ những nguồn tin giấu tên của nhà chức trách Thụy Điển. Nếu chính xác, thông tin này có nghĩa là việc buộc tội ông Assange sẽ sớm diễn ra.
 
Mặt khác, luật sư Stephens cũng nhắc lại rằng những cáo buộc nhằm vào ông Assange mang động cơ chính trị. Ông nói: “Người Mỹ không thật sự  quan tâm việc ông Assange có bị giam ở Thụy Điển hoặc ở đây, miễn là ông bị giam để họ có thể tóm được ông ta”.
 
Mỹ chọc giận tướng Peru
 
Trong khi đó, hoạt động ngoại giao của Mỹ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi những tài liệu ngoại giao mật mà WikiLeaks công bố. Tại Peru, tướng Paul da Silva, tư lệnh quân đội, đã có phản ứng mạnh mẽ sau khi một bức điện tín ngoại giao mật của Mỹ đề cập những phỏng đoán rằng ông ta đang hợp tác với bọn buôn lậu ma túy.
 
Tại một cuộc họp báo hôm 13-12, ông Silva đã bác bỏ những cáo buộc trên đồng thời dọa  sẽ có hành động pháp lý chống lại cựu đại sứ Mỹ ở nước này- ông Michael McKinley, cũng là tác giả bức điện tín nói trên.
 
Trong khi đó, theo một số tài liệu mật mới được WikiLeaks công bố, các quan chức Mỹ đã bày tỏ lo ngại khi thấy Chính phủ Anh gặp khó khăn trong việc đương đầu với chủ nghĩa cực đoan nội địa đang phát triển.
 
Một bức điện tín ngoại giao cho rằng Anh không đạt nhiều tiến triển trong việc gắn kết với cộng đồng Hồi giáo theo sau các vụ tấn công khủng bố ở  London vào ngày 7-7-2005. Nội dung bức điện tín này nói thêm một số người Hồi giáo ở Anh cho rằng chính sách đối ngoại của nước này là nguyên nhân kích động sự cực đoan.
 
Tajikistan cũng được nhắc đến trong nội dung số tài liệu ngoại giao mật của Mỹ được công bố hôm 14-12. Theo hãng tin Reuters, một bức điện tín ngoại giao đề ngày 16-2-2010 cho biết Tajikistan hoan nghênh việc Mỹ đóng căn cứ không quân trên lãnh thổ nước này để đổi lấy những hỗ trợ về mặt kinh tế. Ngoài ra, bức điện tín cũng đề cập sự tràn lan của “nạn tham nhũng” trong mọi cấp của chính phủ nước này.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo