Hồi tháng 12-2016, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói rằng 3 trạm radar Voronezh đã được thử nghiệm thành công ở Orsk, Barnaul và Yeniseisk. Cả ba sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2017.
Sputnik khẳng định những nhân tố mới của hệ thống cảnh báo tên lửa nước này sẽ cho phép Nga lần đầu tiên phủ trọn hệ thống radar dọc chiều dài toàn bộ biên giới. Nga đã mất hệ thống cảnh báo tên lửa hợp nhất sau sự tan rã của Liên Xô năm 1991 với phần lớn các thiết bị radar bị vứt bỏ hoặc bị phá hủy.
Những radar Voronezh mới có thể phát hiện các mục tiêu cách xa 6.000km và ở độ cao tới 8.000km.
Hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa sẽ được trang bị trên toàn lãnh thổ của Nga vào năm 2017 với radar Voronezh tiên tiến. Ảnh: Sputnik
Hiện radar Voronezh được xây dựng ở Armavir, miền Nam nước Nga và ở Kaliningrad, vùng Leningrad, Siberia và vùng Cực Bắc có thể hợp sức theo dấu 500 mục tiêu. Hệ thống ở Orsk có thể phát hiện tên lửa phóng ở Trung Đông, Nam Âu, Bán đảo Ả Rập và Bắc Phi.
Trong một diễn biến khác, trang Sputnik cùng ngày tiết lộ quân đội Nga mới triển khai 2 trung đoàn tên lửa phòng không S-400 và Pantsir-S tới Crimea.
"Một trung đoàn tên lửa S-400 đã được đưa vào thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ở bán đảo Crimea từ cuối năm 2016, còn một số lượng lớn các hệ thống phòng pháo binh phòng không và tên lửa Pantsir-S đã được đưa vào trực chiến vào ngày 01-01-2017"- trích tuyên bố từ văn phòng báo chí Quân khu phương Nam của Nga.
Trong khi đó, quân đội Mỹ ngày 8-1 tuyên bố sẽ tăng cường quy mô và mức độ phức tạp của các cuộc tập trận huấn luyện ở châu Âu để đối phó với Nga trong thời gian tới.
“Đây làm một phần nỗ lực của chúng tôi nhằm đối phó với Nga, đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ của các đồng minh của chúng tôi và duy trì một châu Âu trọn vẹn, tự do, thịnh vượng và hòa bình” – Trung tướng Không quân Mỹ Tim Ray, Phó chỉ huy trưởng Bộ tư lệnh châu Âu của Mỹ cho biết.
Tướng Ray cũng “cam kết vững chắc của Mỹ với châu Âu” tại khu vực cảng Bremerhaven phía bắc nước Đức, nơi Mỹ vừa chuyển khoảng 2.800 thiết bị quân sự để gần 4.000 binh lính Mỹ có thể sử dụng trong các cuộc tập trận tại các nước thuộc Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) giáp với Nga.
Cũng theo Tướng Ray, gần 70.000 quân nhân Mỹ ở châu Âu đang thích nghi với các thách thức chiến lược thay đổi nhanh chóng như các chiến dịch của Nga ở Ukraine, dòng người di cư từ Syria và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan như vụ tấn công bằng xe tải tại Berlin khiến 12 người thiệt mạng hồi tháng trước.
Xe tăng và binh sĩ Mỹ được tăng cường tới Đông Âu. Ảnh: Reuters
Động thái tăng cường lực lượng của Mỹ và NATO ở Đông Âu diễn ra chỉ vài ngày sau khi các cơ quan tình báo Mỹ cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh tấn công mạng cuộc bầu cử Mỹ nhằm gia tăng cơ hội chiến thắng cho tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và gây bất lợi cho bà Hillary Clinton.
Bình luận (0)