Các cuộc nổi dậy lật đổ các nhà lãnh đạo như ở Tunisia và Ai Cập tiếp tục lan rộng khắp Trung Đông và Bắc Phi cho dù các chính phủ đã có những nhượng bộ về kinh tế và chính trị.
Ở thủ đô Manama của Bahrain ngày 17-2, lần đầu tiên xe tăng xuất hiện trên đường phố, dấu hiệu cho thấy quân đội vào cuộc. Trước đó, cảnh sát chống bạo động đã dùng hơi cay và dùi cui để đẩy người biểu tình ra khỏi quảng trường Pearl.
Xô xát giữa cảnh sát và người chống đối vẫn lác đác xảy ra vào buổi sáng cùng ngày. Các giới chức y tế cho biết có 4 người tử vong. Hàng chục người bị thương được đưa đến các cơ sở y tế ở Manama.
Họ bị thương nghiêm trọng và có những bất ổn về hô hấp do hơi cay. Miguel Marquez, phóng viên của hãng ABC News, cũng đã bị bắt cùng với đám đông và bị đánh đập bằng dùi cui.
Theo hãng tin AP, nhiều hoạt động ở quốc đảo này bị ngừng trệ. Các ngân hàng và các cơ quan chủ chốt không mở cửa. Nhà chức trách tuyên bố: “Bộ Nội vụ cảnh báo người dân không được ra khỏi nhà do xung đột có thể xảy ra khắp các khu vực ở Bahrain”.
Yêu sách của người chống đối gồm 2 điểm chính: Buộc nhà cầm quyền thuộc phái Hồi giáo Sunni từ bỏ các chức vụ hàng đầu trong chính phủ và từ bỏ quyền đưa ra những quyết định quan trọng; thay đổi thái độ đối với người Shiite vốn bị phân biệt đối xử và bị ngăn cản nắm giữ các vai trò then chốt trong dịch vụ công và quân đội.
Người biểu tình ở Manama hô vang khẩu hiệu chống chính phủ sáng 17-2. Ảnh: AP
Người biểu tình kêu gọi chính phủ cung cấp thêm nhiều việc làm và nhà ở tốt hơn cho người dân, trả tự do cho tất cả những tù nhân chính trị, bãi bỏ hệ thống luật pháp công nhận quốc tịch Bahrain cho mọi người Sunni ở khắp Trung Đông.
Cảnh sát đã dọn sạch lều trại và biểu ngữ của những người chống đối ở quảng trường Pearl. Bộ Nội vụ tuyên bố những lều trại đó là bất hợp pháp và yêu cầu người dân Bahrain rời khỏi đường phố. Dây thép gai đã được dựng lên trên các đường phố dẫn đến quảng trường.
Nhiều gia đình ly tán trong tình trạng hỗn loạn này. Cảnh sát đã tìm kiếm những đứa trẻ bị lạc và đưa chúng lên xe.
Bác sĩ Sadek Akikri, 44 tuổi, đến quảng trường để chăm sóc những người bệnh thì cảnh sát tràn vào, bắt trói và đánh đập, sau đó ném lên xe cùng với nhiều người khác.
Ở trên xe, họ vẫn tiếp tục bị đánh. Bác sĩ Akikri cho biết những cảnh sát đánh ông nói tiếng Urdu, ngôn ngữ chính ở Pakistan.
Trong khi đó, ở Libya, một website chống đối nhà lãnh đạo Mommar Gaddafi cho biết có 4 người biểu tình ở thành phố Beyida bị các lực lượng của chính phủ giết chết.
Bên cạnh đó, các nhà hoạt động xã hội sử dụng các mạng xã hội Facebook và Twitter kêu gọi các cuộc biểu tình chống chính phủ trên cả nước vào ngày 17-2 và lôi kéo người phản đối ủng hộ điều mà họ họi là “Ngày Thịnh nộ”.
Có những báo cáo về tình trạng xung đột ở 2 thành phố vào cuối ngày 16-2. Ngoài 4 người thiệt mạng, hàng chục người đã bị thương trong những cuộc biểu tình lớn vào tối 15-2 ở thành phố Benghazi.
Sự bất ổn ở đó xảy ra theo sau việc bắt giữ một nhân vật chỉ trích chính phủ. Những cuộc nổi dậy vì dân chủ mới đây đã lan sang các quốc gia Ả Rập, với việc các tổng thống Tunisia và Ai Cập bị áp lực phải từ chức giữa lúc tình trạng bất ổn gia tăng.
Nhưng những cuộc biểu tình trong tuần này là sự công khai thách thức đầu tiên ở Libya, nơi sự bất đồng chính kiến khó có thể được tha thứ.
Không rõ có sự phản ứng nào đối với lời kêu gọi chống đối mạnh mẽ hơn trong ngày 17-2 hay không. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) nói 14 người đã bị bắt liên quan đến các cuộc xuống đường.
Nhưng cũng đang có một cuộc tập hợp ủng hộ chính phủ tại Công viên Xanh ở trung tâm thủ đô Tripoli, trong đó có những sinh viên từ ngoài thành phố đổ về.
Những người biểu tình hét lớn: “Chúng tôi đang bảo vệ Gaddafi và cuộc cách mạng”. Ngoài khu vực công viên, thành phố được coi là yên tĩnh khi các ngân hàng và cửa hiệu mở cửa như bình thường.
Trong bài phát biểu trên đài phát thanh quốc gia tối 16-2, đại tá Gaddafi, người nắm quyền lãnh đạo từ năm 1969, không bình luận gì về tình hình hỗn loạn nhưng nói “cuộc cách mạng” sẽ thắng thế.
Bình luận (0)