Đài BBC cho biết các nạn nhân là những người ủng hộ ông Singh. Sau khi tòa án đặc biệt ở thị trấn Panchkula, bang Haryana - Ấn Độ kết án nhà lãnh đạo tôn giáo nổi tiếng này, một số kẻ quá khích ném đá, phá vỡ hàng rào của cảnh sát và xe cộ, đồng thời phóng hỏa ít nhất 2 ga đường sắt trong khu vực.
Lực lượng an ninh phải dùng hơi cay, vòi rồng và dùi cui để trấn áp đám đông. Khoảng 2.500 tín đồ của ông Singh bị bắt.
Nhà chức trách ước tính có khoảng 200.000 tín đồ ủng hộ ông Singh đã tới TP Panchkula trước khi tòa án ra phán quyết. Hàng ngàn binh sĩ, cảnh sát và lực lượng bán quân sự được New Delhi triển khai nhằm giữ gìn trật tự.
Nhà lãnh đạo tôn giáo Ram Rahim Singh. Ảnh: NDTV
Sau cuộc đụng độ, lệnh giới nghiêm được ban hành tại một số khu vực trong thành phố cũng như trên toàn bang Punjab. Chandigarh là thủ phủ của cả hai bang Haryana và Punjab. Bộ trưởng bang Punjab Amarinder Singh đã chỉ trích người đồng nhiệm của ông ở bang Haryana vì để cho rất nhiều người ủng hộ ông Singh tới TP Chandigarh gây rối.
Vùng giáp ranh giữa hai bang hiện bị phong tỏa, trong khi thủ đô New Delhi được đặt trong tình trạng báo động cao.
Hôm 25-8, ông Singh đến tòa án ở thị trấn Panchkula, ngoại ô TP Chandigarh từ bang Haryana trong một đoàn xe gồm hơn 100 chiếc.
Các quan chức địa phương cho hay trường học, văn phòng trong khu vực đã bị đóng cửa, các tuyến xe lửa tạm ngưng hoạt động, đường sá bị chặn và 3 sân vận động được trưng dụng để làm nhà tù tạm thời lúc phiên xử ông Singh diễn ra.
Người ủng hộ ông Singh tràn tới TP Panchkula. Ảnh: BBC
Cáo buộc chống lại ông Singh bắt đầu từ năm 2002 sau khi một thánh nữ viết thư nặc danh cho Thủ tướng Ấn Độ khi đó là Atal Bihari Vajpayee, nói rằng cô bị nhà lãnh đạo tôn giáo này cưỡng hiếp. Ông Singh còn bị tố cưỡng hiếp một số nữ tín đồ khác tại bang Haryana.
Phiên tòa xét xử ông Singh được mở vào năm 2008. Đến ngày 6-9-2008, ông bị buộc tội theo Mục 376 (cưỡng hiếp) và Mục 506 (đe dọa) của Bộ luật Hình sự Ấn Độ.
Dự kiến tòa án sẽ tuyên án trường hợp của ông Singh vào ngày 28-8 sắp tới.
Người biểu tình ủng hộ giáo sĩ Singh đốt phá. Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters
Bình luận (0)