Hòn đảo Maui đang trải qua chuỗi ngày tồi tệ mà các nhà khoa học cũng như giới chức Mỹ xác định do cháy rừng gây nên.
Tuy nhiên, hình ảnh thảm họa cho thấy ô tô và các tòa nhà bị hư hại nặng nề trong khi cây cối và cột điện gần đó vẫn đứng vững không hề hấn gì.
Từ đó, trên mạng xã hội nước Mỹ xuất hiện "thuyết âm mưu" cho rằng thảm họa không phải do cháy rừng mà bởi một "lực lượng siêu nhiên" nào đó gây nên.
Đống đổ nát do thảm họa cháy rừng ở thị trấn nghỉ dưỡng Lahaina thuộc bang Hawaii – Mỹ. Ảnh: AP
"Các quyền năng bí ẩn đang trở lại. Đây không phải là cháy rừng" - giọng thuyết minh vang lên trong một video trên Facebook kèm hình ảnh về đống đổ nát của Maui.
"Hoả hoạn thiêu rụi các tòa nhà, xe hơi và thậm chí sức mạnh của nó còn phá hủy cả con thuyền giữa đại dương .. nhưng cây cối và cột điện gần đó vẫn đứng vững. Đây chắc chắc không phải do cháy rừng gây nên" – đoạn thoại trong video tiếp tục khẳng định.
Theo AP, nhiều bình luận dưới bài đăng sau đó cũng đồng tình với "thuyết âm mưu" này.
Cháy rừng còn thiêu rụi một chiếc thuyền trên biển ở Lahaina. Ảnh: AP
Hãng tin AP đã đi tìm hiểu vấn đề này. Các chuyên gia mà AP tham khảo ý kiến đều cho rằng việc cây cối và cột điện vẫn trụ vững trong thảm họa trên quần đảo Hawaii không phải bất thường.
Theo họ, cháy rừng thường phun ra than hồng rực lửa càn quét nhà cửa, ô tô… còn cây cối thường không bị thiêu rụi hoàn toàn và đổ sập nhờ lượng nước trữ bên trong chúng.
Để minh chứng, phó giáo sư kỹ thuật cơ khí Michael Gollner tại ĐH California – Mỹ dẫn báo báo cáo liên bang năm 2008 về thảm họa cháy rừng ở Lake Arrowhead bang California, kèm hình ảnh cho thấy các ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn trong khi cây cối xung quanh vẫn đứng vững.
Nhiều ô tô bị thiêu rụi do thảm họa cháy rừng ở quần đảo Hawaii – Mỹ nhưng gần đó cây cối vẫn đứng vững. Ảnh: AP
Tương tự, ông Christopher Dunn, trợ lý giáo sư về khoa học rủi ro cháy rừng của ĐH bang Oregon (Mỹ), quả quyết hình ảnh Maui cho thấy cây cối và cột điện vẫn đứng vững giữa khung cảnh bị lửa tàn phá "hoàn toàn không có gì lạ".
Ông Dunn đã cung cấp những bức ảnh về trận hỏa hoạn năm 2020 ở bang Oregon, trong đó nhà cửa bị phá hủy, còn cây cối vẫn thẳng đứng, mặc dù một số cây bị cháy thành than.
Xuất hiện “thuyết âm mưu” về bão lửa Hawaii
"Vỏ cây và nước bên trong đã giúp chúng không đổ rạp sau thảm họa cháy rừng" – ông Christopher Dunn nói – "Điều này giải thích thực tế rằng người ta vẫn có thể xẻ cây lấy gỗ sau đám cháy rừng".
Giáo sư kỹ thuật phòng cháy chữa cháy tại ĐH Maryland, ông Arnaud Trouvé, cũng đồng quan điểm với 2 nhận xét trên.
Ngoài ra, vị giáo sư này còn cho rằng việc những con thuyền ngoài khơi bị thiêu rụi trong thảm họa cháy rừng Maui là do "gió thổi những cục than hồng bay tới".
Mạng xã hội xuất hiện "thuyết âm mưu" khi hình ảnh cháy rừng tại Lahaina, Hawaii thiêu rụi ô tô nhưng cây cối, cột điện vẫn trụ vững. Ảnh: AP
Các đám cháy rừng đầu tiên bắt đầu xuất hiện ở Hawaii từ đêm 8-8 (giờ Mỹ). Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS) trước đó phát cảnh báo với Hawaii do khu vực khô nóng và có gió mạnh là điều kiện lý tưởng cho cháy rừng.
AP mô tả đây là vụ cháy rừng nguy hiểm nhất ở Mỹ trong hơn một thế kỷ qua khiến ít nhất 96 người thiệt mạng và nguyên nhân hiện vẫn chưa được xác định.
Bình luận (0)