Lực lượng Israel ngày 29-10 đã tiến hành cuộc tấn công trên bộ mở rộng tại Dải Gaza sau khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố nước này bước vào giai đoạn 2 của chiến dịch quân sự nhằm vào phong trào Hồi giáo Hamas.
Theo Reuters, ông Netanyahu khẳng định các mục tiêu rõ ràng của chiến dịch quân sự là tiêu diệt năng lực quản lý và quân sự của Hamas, cũng như đưa con tin về nhà. Nhà lãnh đạo này cũng cảnh báo về một chiến dịch "kéo dài và khó khăn". Kể từ khi xảy ra vụ tấn công của Hamas hôm 7-10, Israel đã siết chặt phong tỏa và không kích Dải Gaza để trả đũa.
Đêm 27-10 (giờ địa phương), quân đội Israel đã đưa quân và xe tăng vào Dải Gaza, tập trung tấn công hạ tầng, trong đó có mạng lưới đường hầm của Hamas. Quy mô lần triển khai này không được công bố. Đáp lại, Lữ đoàn Al-Qassam, cánh vũ trang của Hamas, cho biết các tay súng của họ đã đụng độ với lực lượng Israel ở khu vực gần biên giới Dải Gaza - Israel.
Hamas cũng tuyên bố sẵn sàng đáp trả toàn lực sau khi quân đội Israel mở rộng không kích và tấn công trên bộ vào vùng đất này.
Người dân nhận hàng cứu trợ tại TP Khan Younis, miền Nam Dải Gaza hôm 28-10 Ảnh: REUTERS
Các nước phương Tây nhìn chung ủng hộ điều mà họ gọi là quyền tự vệ của Israel. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế cũng bày tỏ nỗi lo ngại ngày một lớn về cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Dải Gaza, đồng thời kêu gọi ngừng bắn để cho phép hàng cứu trợ đến được người dân đang sống trong cảnh thiếu điện nước, nhiên liệu và thực phẩm ở đó.
Tình cảnh của họ càng thêm tồi tệ khi các dịch vụ internet và điện thoại bị gián đoạn từ đêm 27-10 theo sau các đợt không kích của Israel. Người phát ngôn quân đội Israel từ chối cho biết liệu họ có đứng sau diễn biến này hay không, mà chỉ nói sẽ làm những gì cần để bảo vệ lực lượng mình.
Đến ngày 29-10, theo trang Netblocks.org, dịch vụ internet và điện thoại ở Dải Gaza dần được khôi phục. Cùng ngày, quân đội Israel khuyến cáo người dân ở phía Bắc Dải Gaza và TP Gaza di chuyển về phía Nam vùng đất này để có thể nhận được nước, thực phẩm và thuốc men. Theo Reuters, tuyên bố cho biết thêm các nỗ lực nhân đạo tới Dải Gaza do Ai Cập và Mỹ dẫn đầu sẽ được mở rộng trong ngày 30-10.
Một vấn đề được quan tâm khác là số phận các con tin nằm trong tay Hamas. Thủ tướng Netanyahu cho biết các cuộc liên lạc nhằm giải cứu con tin vẫn diễn ra ngay cả khi Israel mở chiến dịch quân sự trên bộ. Nhà lãnh đạo này cũng tin rằng sức ép quân sự lên Hamas có thể giúp đưa họ về nhà dù ông không nói thêm chi tiết.
Trong khi đó, Reuters dẫn nguồn tin giấu tên cho biết cuộc đàm phán giữa Israel và Hamas nhằm xuống thang xung đột và do Qatar làm trung gian vẫn diễn ra hôm 28-10. Theo nguồn tin này, đàm phán không đổ vỡ nhưng diễn ra chậm hơn rất nhiều so với trước khi xung đột leo thang tối 27-10.
Qatar đã thực hiện một loạt nỗ lực ngoại giao trong suốt 3 tuần qua với cả giới chức Israel lẫn Hamas nhằm thúc đẩy hòa bình và bảo đảm việc thả các con tin. Đã có 4 con tin được phía Hamas trả tự do cho đến giờ.
Ông Abu Ubaida, người phát ngôn Lữ đoàn Al-Qassam, khẳng định Hamas sẽ thả mọi con tin nếu trả tự do cho tất cả tù nhân người Palestine. Phía Israel cho biết đã có 224 con tin bị bắt giữ trong cuộc tấn công của Hamas hôm 7-10.
Nỗ lực ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) có kế hoạch nhóm họp trong ngày 30-10 để thảo luận về xung đột Israel - Hamas, theo thông tin được một số nhà ngoại giao giấu tên tiết lộ cho Reuters. Trước đó, cơ quan này hôm 25-10 không thể thông qua 2 dự thảo nghị quyết của Mỹ và Nga về cuộc khủng hoảng.
Đến ngày 27-10, Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza, bảo vệ dân thường và các tổ chức quốc tế, đồng thời bảo đảm việc vận chuyển viện trợ nhân đạo vào vùng lãnh thổ này một cách an toàn.
Theo trang UN News, LHQ hôm 28-10 tăng cường kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ở Dải Gaza sau một đêm tấn công dữ dội của lực lượng Israel. Theo Tổng Thư ký LHQ António Guterres, việc tạm dừng như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thả con tin ở Dải Gaza, sơ tán công dân của các nước thứ ba và mở rộng quy mô phân phối viện trợ nhân đạo cho người dân ở đó.
Ông Guterres cũng điện đàm với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi về tình hình khu vực và nỗ lực cứu trợ nhân đạo tại Dải Gaza. Chỉ có một số xe tải đưa hàng cứu trợ vào Dải Gaza kể từ khi cửa khẩu Rafah tại biên giới với Ai Cập mở cửa lại hôm 21-10.
Cũng trong ngày 28-10, Cao ủy Nhân quyền LHQ Volker Turk cảnh báo về những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra do các hoạt động trên bộ quy mô lớn ở Dải Gaza. Quan chức này nhấn mạnh bạo lực không phải là câu trả lời, đồng thời kêu gọi các bên đang xung đột và những quốc gia có ảnh hưởng trong khu vực làm mọi điều có thể để xuống thang cuộc xung đột.
Anh Thư
Bình luận (0)