Cuộc xung đột tại Ukraine và các đòn trừng phạt tài chính của phương Tây lên Nga không chỉ gây ra thiệt hại về kinh tế đối với riêng Nga mà còn đặt ra rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu, làm rối loạn thị trường tài chính và khiến cuộc sống của người dân trên thế giới đối mặt nhiều rủi ro hơn.
Trước khi Nga tấn công Ukraine, nền kinh tế toàn cầu đang hứng chịu một loạt áp lực gồm lạm phát tăng, gián đoạn chuỗi cung ứng và thị trường chứng khoán ảm đạm. Ông Clay Lowery, Phó Chủ tịch điều hành Viện Tài chính quốc tế (Mỹ), cảnh báo thế giới có thể sẽ chứng kiến những hậu quả không thể đoán trước được.
Theo hãng tin AP, Nga hiện là nhà cung cấp dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, kim loại cực kỳ quan trọng và giá những mặt hàng này tăng cao hơn chắc chắn sẽ gây thiệt hại kinh tế trên toàn thế giới. Châu Âu phụ thuộc vào Nga gần 40% lượng khí đốt tự nhiên và 25% sản lượng dầu nhập khẩu. Đối với cựu lục địa, cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine có thể khiến tình trạng lạm phát diễn ra nhanh hơn và tồi tệ hơn.
Cú sốc giá khí đốt đang đẩy mạnh lạm phát và làm tăng chi phí hóa đơn sinh hoạt của các hộ gia đình châu Âu Ảnh: REUTERS
Phản ứng trước cuộc tấn công của Nga, Mỹ và các quốc gia phương Tây đã trừng phạt Moscow ở quy mô và mức độ nghiêm trọng chưa từng có đối với một nền kinh tế lớn.
Phương Tây đã loại các ngân hàng lớn của Nga ra khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT), hạn chế xuất khẩu công nghệ cao sang Nga và ngăn nước này sử dụng kho dự trữ ngoại tệ để giúp ổn định đồng rúp của Nga. Viện Tài chính quốc tế dự báo nền kinh tế Nga sẽ đối mặt sự suy giảm 2 con số trong năm nay, thậm chí còn tồi tệ hơn mức giảm 7,8% trong năm đại suy thoái 2009.
Với sự phụ thuộc vào năng lượng từ Nga, nền kinh tế châu Âu đang gặp rủi ro nghiêm trọng. Giá khí đốt đã tăng 20% sau khi xung đột nổ ra tại Ukraine và sau những lần tăng trước đó, hiện giá đã cao gần 6 lần so với mức đầu năm 2021.
Cú sốc giá khí đốt đang đẩy mạnh lạm phát và làm tăng chi phí hóa đơn sinh hoạt của các hộ gia đình châu Âu. Giá khí đốt leo thang cũng khiến các doanh nghiệp, như sản xuất phân bón vốn sử dụng nhiều khí đốt, cắt giảm sản lượng. Nông dân phải trả nhiều tiền hơn để duy trì hoạt động máy móc và mua phân bón. Nền kinh tế Đức, vốn đã giảm 0,7% trong quý IV/2021, sẽ đối mặt suy thoái nếu đà giảm kéo dài 3 tháng đầu năm 2022.
Xung đột và các lệnh trừng phạt cũng sẽ gây thiệt hại cho các nước láng giềng của Nga ở Trung Á. Khi lực lượng lao động dần lão hóa, Nga chuyển sang sử dụng lao động nhập cư trẻ từ các quốc gia như Uzbekistan và Tajikistan. Gia đình của những lao động nhập cư này sống phụ thuộc vào số tiền họ gửi về từ Nga.
Với việc Ukraine và Nga chiếm 30% sản lượng lúa mì xuất khẩu, 19% sản lượng ngô xuất khẩu và 80% sản lượng dầu hướng dương xuất khẩu của thế giới, bà Anna Nagurney tại Trường ĐH Massachusetts Amherst (Mỹ) cảnh báo hậu quả là "cực kỳ đáng lo ngại" khi những thực phẩm đó vô cùng quan trọng đối với an ninh lương thực, đặc biệt là ở những khu vực nghèo khó trên toàn cầu.
Nhằm ổn định thị trường năng lượng toàn cầu đang bị đe dọa và gián đoạn bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) thống nhất tung ra 60 triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ chiến lược của các nước. Bất chấp động thái trên, giá dầu hôm 2-3 vẫn tăng dựng đứng trước lo ngại nguồn cung bị thu hẹp. Trong phiên giao dịch hôm 2-3, giá dầu thô Brent có thời điểm cán mốc 111,38 USD/thùng, lần đầu vượt mức 110 USD kể từ năm 2014 trong khi giá dầu WTI cũng có lúc đạt 109,73 USD/thùng.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch đầu tháng 3 cũng giảm mạnh. Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng không nằm ngoài xu hướng suy giảm. Theo đài CNBC, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á cũng lao dốc trong phiên hôm 2-3 khi các nhà đầu tư lo ngại về tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine lên các nguồn cung năng lượng và đà phục hồi kinh tế toàn cầu.
Nga - Ukraine đàm phán trở lại
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 1-3 tuyên bố sẵn sàng đàm phán với người đồng cấp Nga Vladimir Putin về khủng hoảng Ukraine. Tổng thống Zelensky đồng thời nhấn mạnh rất khó để đạt được bước tiến trong đàm phán Moscow - Kiev nếu Nga không dừng các cuộc tấn công nhằm vào các thành phố của Ukraine. Moscow và Kiev kết thúc vòng đàm phán thứ nhất ở Belarus vào ngày 28-2 mà không đạt được bất cứ bước đột phá nào. Theo đài Sputnik, vòng đàm phán thứ 2 giữa Nga và Ukraine dự kiến diễn ra sớm nhất vào tối 2-3.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Liên Hiệp Quốc (LHQ), trong ngày 1-3 (ngày thứ hai của phiên họp đặc biệt do Đại hội đồng LHQ tổ chức về tình hình Ukraine), Đại sứ Đặng Hoàng Giang - Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ - khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Đại sứ kêu gọi các bên kiềm chế, nối lại đối thoại và tìm kiếm giải pháp lâu dài cho các bất đồng.
Bên cạnh đó, Đại sứ nhấn mạnh cần bảo đảm an ninh, an toàn của người dân, bảo vệ các cơ sở hạ tầng thiết yếu theo luật nhân đạo quốc tế và đề nghị cộng đồng quốc tế thúc đẩy viện trợ nhân đạo cho dân thường. Đại sứ đề nghị các bên liên quan bảo đảm an ninh, an toàn cho các cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống ở Ukraine, trong đó có cộng đồng người Việt Nam và tạo điều kiện thuận lợi cho việc sơ tán các công dân Việt Nam đến nơi an toàn.
Lộc Minh
Bình luận (0)