Phó Thủ tướng Ukraine Mykhailo Federov đầu tháng này đã thúc giục một số công ty, bao gồm Netflix, chặn các dịch vụ của họ ở Nga. Hưởng ứng lời kêu gọi, ông Brian Chesky, giám đốc điều hành của Công ty Cung cấp dịch vụ đặt phòng trực tuyến Airbnb, cho biết họ tạm ngừng mọi hoạt động ở Nga và Belarus.
Nóng rực trên mạng
Ông Chesky cũng kêu gọi người dân ở các quốc gia lân cận, gồm Ba Lan, Đức, Hungary và Romania sử dụng dịch vụ này để hỗ trợ người Ukraine tị nạn. Một mặt thông báo dừng bán mọi sản phẩm cũng như giới hạn quyền truy cập các dịch vụ kỹ thuật số của hãng tại Nga, mặt khác Apple vô hiệu hóa tính năng cập nhật tình trạng giao thông trên ứng dụng Apple Maps tại Ukraine.
Cũng nhằm bảo vệ an toàn cho người dân Ukraine như Apple, tập đoàn Google hồi cuối tháng 2 vô hiệu hóa một số công cụ Google Maps cung cấp thông tin trực tiếp về tình trạng giao thông và mức độ đông đúc tại nhiều địa điểm khác nhau ở Ukraine. Gã công nghệ khổng lồ này cũng giúp hơn 100 trang web của Ukraine, bao gồm các cơ quan truyền thông, nâng cao khả năng chống lại các cuộc tấn công DDoS.
Trong khi Google chặn các kênh YouTube liên kết với đài RT và Sputnik của Nga trên khắp châu Âu thì các mạng xã hội Facebook và Instagram thông báo hạn chế trên toàn cầu nội dung của các phương tiện truyền thông do Nga kiểm soát. Ông lớn mạng xã hội Twitter cũng tích cực theo dõi các rủi ro liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, trong đó có việc xác định và làm gián đoạn các nỗ lực khuếch đại thông tin sai lệch và gây hiểu nhầm.
Không đứng ngoài cuộc, đại gia Microsoft cho biết đang theo sát diễn biến tại Ukraine và hỗ trợ các tổ chức nhân đạo, đồng thời giúp đỡ chính phủ Ukraine chống lại các cuộc tấn công mạng nhắm vào hạ tầng kỹ thuật số của nước này...
Hệ thống vệ tinh Starlink trên quỹ đạo có thể cung cấp mạng Internet cho những khu vực hẻo lánh trên trái đất. Ảnh: SPACEX
Đáng chú ý, thông qua Twitter, Phó Thủ tướng Ukraine Federov kêu gọi tỉ phú Mỹ Elon Musk trợ giúp thiết lập Internet vệ tinh Starlink của Công ty SpaceX trong trường hợp Internet bị ngắt kết nối trong vùng chiến sự ở Ukraine. Đáp lại, ông chủ SpaceX thông báo dịch vụ Starlink đã được kích hoạt ở Ukraine và gửi thêm các thiết bị đầu cuối đến quốc gia này.
SpaceX cũng nhanh chóng phản ứng sau khi Nga tuyên bố ngừng bán động cơ tên lửa cho Mỹ và ông Dmitry Rogozin, giám đốc cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos, nói rằng Mỹ có thể "bay trên cây chổi của họ", theo Daily Mail.
Trong buổi phát sóng trực tiếp sự kiện phóng tên lửa Falcon 9 đưa vệ tinh Starlink lên quỹ đạo, một giám đốc của SpaceX nhấn mạnh "đã đến lúc cây chổi của Mỹ bay", còn bản thân ông Musk ví von Falcon 9 là một "cây chổi đáng tin cậy của Mỹ" trên Twitter.
Các bên chừa đường lùi
Khi giao tranh Nga - Ukraine diễn biến phức tạp, các chuyên gia lo ngại sẽ xảy ra một cuộc chiến tranh mạng quy mô lớn và kéo dài hơn cả cuộc xung đột vũ trang. Moscow từng đứng sau một cuộc tấn công mạng quy mô lớn nhằm vào hệ thống điện của Ukraine vào năm 2015, không lâu sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Hồi năm 2017, Nga phát tán mã độc NotPetya sang Ukraine và sau đó lan rộng trên toàn cầu.
Theo tờ Guardian, song song với cuộc tấn công Ukraine từ tháng 2, Nga bị cáo buộc triển khai hàng loạt cuộc tấn công mạng quy mô nhỏ bắt đầu từ tháng 1 năm nay, khiến hơn 70 trang web của Ukraine bị đánh sập, kể cả nhiều trang web của chính phủ như của Bộ Ngoại giao và Bộ Giáo dục.
Nhóm phân tích của Google tiết lộ nhóm tin tặc Ghostwriter của Belarus cũng nhắm vào các tổ chức chính phủ và quân đội Ba Lan và Ukraine trong thời gian qua. Phó Thủ tướng Ukraine cho hay Kiev đang tạo ra "đội quân IT" để chiến đấu trên không gian mạng và kêu gọi chuyên gia công nghệ thông tin từ nhiều quốc gia tham gia nỗ lực này.
Ông Matthew Olney, giám đốc tại Tập đoàn Hệ thống Cisco, nhận định việc các nhóm tin tặc như Anonymous gần đây tuyên bố tấn công mạng hàng loạt nhằm vào lợi ích của Nga càng làm tăng thêm nguy cơ chiến tranh mạng.
Nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh tại Viện ETH Zurich (Thụy Sĩ), ông Lennart Maschmeyer, nói Nga có thể xem các vụ tấn công mạng nêu trên là cái cớ để phản đòn Mỹ hoặc các nước châu Âu.
Trước nguy cơ này, ông Glenn S Gerstell, cựu Cố vấn trưởng của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ, bình luận trên tờ The New York Times rằng các doanh nghiệp Mỹ vẫn chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến trên không gian mạng.
Dù vậy, những hậu quả khôn lường cùng sự tốn kém kinh khủng có thể khiến các cường quốc chùn tay và không bên nào muốn khơi mào "chiến tranh thế giới thứ 3 trên mạng". Hơn nữa, theo giới chuyên gia, với trình độ ngày càng cao của các nước, một số vụ tấn công mạng lớn có thể đã được ngăn chặn trong âm thầm, phần nào giúp tháo bớt ngòi căng thẳng.
Nga chuẩn bị cho kịch bản xấu
Sau khi giới công nghệ quay lưng với Nga, hãng truyền thông Nexta (Belarus) đưa tin Nga đang chuẩn bị ngắt kết nối với mạng Internet toàn cầu, có thể vào ngày 11-3. Phản hồi thông tin trên, báo Kommersant (Nga) đưa tin Bộ Phát triển Kỹ thuật số của Nga phủ nhận việc chính phủ nước này sẽ chặn quyền truy cập Internet toàn cầu của người dân Nga.
Theo Kommersant, chính sách sử dụng tên miền và máy chủ trong nước chỉ áp dụng đối với các trang web của chính phủ. Kế hoạch này vốn được chuẩn bị từ trước nhằm tránh bị đe dọa ngắt kết nối từ bên ngoài, qua đó luôn bảo đảm nguồn lực để phục vụ người dân - Bộ Phát triển Kỹ thuật số Nga nhấn mạnh.
Bất chấp thông tin Nga ngắt kết nối Internet có thật hay không thì nước này cũng đã chuẩn bị mạng Internet nội bộ trong những năm qua. Hồi năm 2018, Nga triển khai Chương trình Quốc gia về Kinh tế kỹ thuật số nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng trực tuyến của cả nước trong trường hợp bị các nước khác cô lập. Một năm sau, Bộ Truyền thông Nga tuyên bố thử nghiệm thành công giải pháp thay thế Internet trên toàn quốc.
Bình luận (0)