Cụ thể, Nga cam kết ngừng bắn và mở hành lang nhân đạo từ các khu vực giao tranh - gồm Kiev, Chernihiv, Sumy và Mariupol - từ 10 giờ (giờ Moscow) ngày 8-3. "Đề xuất này không có bất kỳ yêu cầu nào về việc người dân phải đến Nga, vào lãnh thổ Nga" - Đại sứ Nebenzia khẳng định, đồng thời nhấn mạnh điểm đến sẽ phụ thuộc vào lựa chọn của người được sơ tán.
Cũng theo Đại sứ Nebenzia, chính Ukraine mới đang cản trở hoạt động sơ tán dân thường, từ chối đề xuất ngừng bắn của Nga và không cho phép người dân thoát khỏi vùng giao tranh thông qua hành lang nhân đạo.
Trước đó, Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk bác bỏ đề xuất của Moscow về việc thiết lập hành lang nhân đạo đến Nga và Belarus. Bà Vereshchuk còn cáo buộc Nga vi phạm các thỏa thuận ngừng bắn đạt được trước đó để sơ tán dân thường khỏi các thành phố Kiev, Kharkiv, Donetsk và Kherson. Bộ Ngoại giao Ukraine khẳng định họ lo ngại rằng dân thường ở lãnh thổ do Nga kiểm soát có thể bị bắt làm con tin hoặc sử dụng làm "lá chắn sống".
Người tị nạn chờ lên tàu để sang Ba Lan tại một nhà ga ở TP Lviv - Ukraine hôm 8-3 Ảnh: REUTERS
Những tranh cãi trên được đưa ra không lâu sau khi phái đoàn Nga và Ukraine kết thúc vòng đàm phán thứ ba tại biên giới Ba Lan - Belarus mà không đạt được bất kỳ kết quả đột phá nào. Dù vậy, trưởng đoàn đàm phán Ukraine Mykhailo Podolyak cho biết vòng đàm phán này xuất hiện chuyển biến tích cực, dù nhỏ, liên quan đến vấn đề logistics của hành lang nhân đạo.
Trong khi đó, khi được hỏi về triển vọng ngừng bắn thông qua một thỏa thuận chính trị, trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky cho biết kỳ vọng của Moscow tại vòng đàm phán này đã không được đáp ứng. Tuy nhiên, quan chức này vẫn bày tỏ hy vọng hai bên có thể đạt được bước tiến quan trọng hơn trong lần đàm phán tiếp theo.
LHQ ước tính chiến dịch quân sự của Nga có thể buộc tổng cộng 4 triệu người chạy khỏi Ukraine. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo dòng người tị nạn rời khỏi Ukraine có thể gây ra một cuộc khủng hoảng y tế cấp độ khu vực hoặc thậm chí là thế giới.
Theo Reuters, khủng hoảng y tế thời chiến thường khiến nhiều người thiệt mạng hơn so với bom đạn. Trước mắt, các cơ quan nhân đạo quốc tế, chính phủ các nước và lực lượng tình nguyện viên đang ráo riết đưa bộ dụng cụ sơ cứu, thuốc men và xe cấp cứu đến Ukraine. Những người tham gia nỗ lực cứu trợ khẳng định thách thức lớn nhất có thể đến từ việc đáp ứng nhu cầu dài hạn cho bệnh nhân không có giấy tờ tùy thân hoặc vấn đề bất đồng ngôn ngữ.
Bình luận (0)