Năm 1937, “xưởng đẻ" đầu tiên được thành lập tại Bavaria, ở ngoại ô thành phố Munich. Đây là một địa chỉ hấp dẫn đối với nhiều phụ nữ, nhất là những phụ nữ mang thai khi đang còn trong tình trạng độc thân. Vào thời điểm này, sinh con ngoài giá thú là một sự nhục nhã trong con mắt của mọi người, nữ công nhân lâm vào tình trạng này sẽ bị sa thải và chính Chương trình Lebensborn của Himmler và cái phao của những con người bất hạnh đó. Họ được những cơ sở này tiếp đón, giúp sinh con một cách bí mật và tạo điều kiện trở lại cuộc sống bình thường một cách thuận lợi nhất. Với chương trình Lebensborn và phương tiện thực hiện là các “xưởng đẻ", trùm mật vụ Himmler nhắm đến hai mục tiêu quan trọng của Đức Quốc xã lúc bấy giờ, đó là giảm thiểu tình trạng phá thai, nâng cao tỉ lệ gia tăng dân số đang sút giảm một cách đáng báo động từ đầu thế kỷ 20; và tạo một đất nước duy nhất trên thế giới có một sắc dân Aryan “thuần chủng”. Hẳn nhiên là để hoàn tất mục tiêu thứ hai, tiêu chuẩn về di truyền phải được đặt lên hàng đầu và chỉ những phụ nữ có mang đạt những tiêu chuẩn đó mới được chấp nhận làm “thượng đế" tại các "xưởng đẻ". Khi đến sinh, nếu không có chứng thư hôn thú, họ và các ông bố phải cung cấp những tài liệu chứng minh họ thuộc tộc người Aryan và có đầy đủ sức khỏe. Do các bà mẹ muốn chôn giấu lỗi lầm và sợ bị xã hội lên án, phần lớn những đứa con ngoài giá thú đó trở thành sở hữu riêng của chương trình Lebensborn.
Từ thập niên 1940, với sự phát triển của các “xưởng đẻ” trong phạm vi nước Đức và tại những quốc gia châu Âu bị chiếm đóng, một thế hệ con không cha đông đảo xuất hiện và trở thành một gánh nặng tâm lý xã hội cho giới cầm quyền sau này. Na Uy là nước châu Âu có nhiều "xưởng đẻ" nhất. Himmler đã cho thiết lập tại đây 10 “xưởng đẻ" tất cả. Theo các nhà sinh học Đức, người Na Uy rất gần với người Aryan về mặt di truyền, cũng có tóc hung và mắt xanh như người Aryan. Nhận định khoa học này đã khiến Himmler không ngần ngại khuyến khích triệt để việc cho ra đời những đứa trẻ mang hai dòng máu Đức và Na Uy. Vào thời điểm đó, tổng dân số đất nước Bắc Âu này chỉ có 3 triệu người mà lực lượng chiếm đóng có đến 400.000 lính Đức. Sự “pha trộn" diễn ra ồ ạt và chương trình Lebensborn sẵn sàng hứng lấy những "hậu quả” mà quân viễn chinh bỏ lại sau những cuộc tình thoảng qua với các cô gái bản xứ. Cũng nhờ chương trình này mà Na Uy là nước bị chiếm đóng được áp dụng một chính sách cai trị ít hà khắc nhất. Bù lại, thời kỳ hậu chiến trở thành cơn ác mộng của những bà mẹ Na Uy với những đứa con hai dòng máu không nhìn thấy mặt cha ngay khi còn đỏ hỏn.
Thế chiến II kết thúc, những "xưởng đẻ" của Đức Quốc xã trở thành chuyện của quá khứ, nhưng thế hệ mang hai dòng máu Đức - Na Uy gánh chịu hậu quả nặng nề của sự kỳ thị khiến cho nhiều người Na Uy phải đứng lên thành lập "Liên đoàn trẻ em Lebensborn thời chiến ở Na Uy", nhằm hỗ trợ chúng trong cuộc sống hằng ngày và tranh thủ sự bù đắp của chính phủ cho những thua thiệt của chúng. Tuy nhiên, ở Đức lại không có một tổ chức nào đứng ra lo cho thế hệ nguyên là "sản phẩm" của Chương trình Lebensborn. Họ có bảy, tám ngàn với chừng ấy số phận khác nhau. Ngày nay, những đứa trẻ thời Lebensborn đã trên 60 tuổi cả rồi, nhưng di chứng của quá khứ còn có thể tác động lên những thế hệ về sau và vẫn còn là cơn ác mộng đeo đẳng nhiều người.
Bình luận (0)