Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21-2 ký sắc lệnh công nhận độc lập của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng, 2 khu vực ly khai gọi chung là Donbass ở miền Đông Ukraine.
Theo Reuters, với sắc lệnh trên, đây là lần đầu tiên Nga tuyên bố rằng họ không xem Donbass là một phần lãnh thổ của Ukraine. Điều đó có thể mở đường cho Moscow công khai gửi quân đội vào Donbass với lập luận là đồng minh giúp bảo vệ Donbass trước Ukraine.
Đồng thời, Nga có quyền xây dựng các căn cứ quân sự ở Donbass. Các bên cũng cam kết bảo vệ lẫn nhau và ký các thỏa thuận riêng biệt về hợp tác quân sự, công nhận biên giới của nhau.
Một chiếc xe cắm cờ Nga ở Donetsk ngày 21-2. Ảnh: Reuters
Thành viên Quốc hội Nga kiêm cựu lãnh đạo chính trị Donetsk Alexander Borodai nói với Reuters hồi tháng trước rằng phe ly khai sau đó sẽ tìm đến Nga để giúp họ kiểm soát các khu vực thuộc Donetsk và Luhansk vốn đang nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng Ukraine. Nếu vậy, xung đột quân sự có thể bùng nổ giữa Nga và Ukraine.
Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ngày 21-2 tiết lộ Moscow đã cấp 800.000 hộ chiếu Nga cho cư dân Donbass kể từ khi Tổng thống Putin ký sắc lệnh cho phép họ nộp đơn xin quốc tịch cấp tốc vào tháng 4-2019.
Một cựu quan chức cấp cao Donetsk nói với Reuters năm 2016 rằng Nga trực tiếp tài trợ lương hưu và lương bổng cho khu vực công tại Donetsk và Luhansk. Sau khi xung đột bùng nổ, Kiev đã ngừng trả lương bổng cho khu vực công tại các khu vực mà phe ly khai kiểm soát.
Cả Donetsk lẫn Luhansk đều đã từ bỏ đồng tiền hryvnia của Ukraine và sử dụng đồng tiền rúp của Nga. Các trường học địa phương cũng theo chương trình giảng dạy quốc gia Nga thay vì Ukraine. Năm 2021, Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng kỷ niệm ngày 12-6 vốn là một ngày lễ quốc gia ở Nga.
Thành viên lực lượng Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng. Ảnh: Reuters
Cuối năm 2021, Tổng thống Putin ra lệnh dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa giữa Nga và Donetsk, Luhansk. Moscow giải thích động thái này nhằm bù đắp cho sự tắc nghẽn kinh tế giữa các khu vực đó và phần còn lại của Ukraine. Bộ Ngoại giao Ukraine phản ứng việc Nga "can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Ukraine" và gửi phản đối tới Bộ Ngoại giao Nga.
Tháng 1-2021, Nga bắt đầu cung cấp vắc-xin Sputnik V phòng Covid-19 cho Donetsk bất chấp lệnh cấm sử dụng vắc-xin Nga của Ukraine.
Theo Reuters, sắc lệnh công nhận độc lập Donbass của Tổng thống Putin đã "giết chết thỏa thuận ngừng bắn Minsk 2014-2015". Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết sự công nhận "sẽ làm suy yếu chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine một cách toàn diện, cấu thành vi phạm luật pháp quốc tế và đặt thêm câu hỏi về cam kết của Nga trong việc sử dụng ngoại giao để đạt được giải pháp hòa bình".
Trước đây, Nga cũng từng công nhận độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia, 2 khu vực ly khai của Georgia. Moscow đã hỗ trợ ngân sách, mở rộng việc cấp quốc tịch và triển khai hàng ngàn binh sĩ tại các khu vực đó.
Trung Quốc cảnh báo công dân ở Ukraine
Đại sứ quán Trung Quốc ở Ukraine đã cảnh báo công dân mình tránh xa các khu vực "bất ổn". "Hiện tại, tình hình ở miền Đông Ukraine đã trải qua những thay đổi lớn. Đại sứ quán Trung Quốc ở Ukraine nhắc nhở công dân Trung Quốc và các doanh nghiệp được tài trợ của Trung Quốc ở Ukraine rằng hãy chú ý đến các thông báo an toàn do địa phương ban hành và không đi đến các khu vực bất ổn" - cơ quan này tuyên bố trên trang web.
Bình luận (0)