Nước Anh ngày 12-12 bước vào cuộc tổng tuyển cử mới với tâm điểm là sự hỗn loạn do tiến trình rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - gọi tắt là Brexit - gây ra và tranh cãi về hệ thống y tế công.
Trước thềm cuộc bầu cử, lãnh đạo các đảng phái đã có ngày vận động tranh cử cuối cùng hôm 11-12, đưa ra một loạt thông điệp khác nhau để thu hút lá phiếu của cử tri. Đương kim Thủ tướng Boris Johnson nhấn mạnh chỉ có Đảng Bảo thủ của ông mới có thể phá vỡ được thế bế tắc kéo dài 3 năm qua liên quan đến Brexit.
Ở chiều ngược lại, theo đài BBC, thủ lĩnh Đảng Dân chủ Tự do Jo Swinson kêu gọi người dân bỏ phiếu cho các ứng viên của đảng này để ngăn Anh rời EU. Riêng ông Jeremy Corbyn, thủ lĩnh Công đảng, tìm cách chuyển hướng sự chú ý của cử tri ra khỏi những thông điệp trái ngược về Brexit bằng cách tập trung khai thác những vấn đề của Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS).
Thủ tướng Anh Boris Johnson (phải) và ông Jeremy Corbyn, thủ lĩnh Công đảng, tại một cuộc tranh luận hôm 6-12 Ảnh: REUTERS
Công đảng cho rằng gần 4.700 trường hợp tử vong trong giai đoạn từ tháng 10-2018 đến tháng 11-2019 có thể liên quan đến những sự cố an toàn bệnh nhân do tình trạng thiếu hụt nhân sự của NHS. "Chính phủ đã không cung cấp đủ ngân sách cho NHS" - ông Corbyn nói với người ủng hộ tại một cuộc tuần hành gần đây, trong lúc hứa hẹn đầu tư vào dịch vụ y tế công. Công đảng cũng cáo buộc Thủ tướng Boris Johnson tìm cách cho phép các đại gia dược phẩm Mỹ tiếp cận NHS khi tiến hành thương thảo với Tổng thống Donald Trump về một thỏa thuận thương mại mới. Cả hai nhà lãnh đạo Anh và Mỹ đã bác bỏ cáo buộc này.
Các cuộc khảo sát cho thấy cử tri xem vấn đề NHS cũng quan trọng gần như không kém Brexit. Công đảng đưa ra kế hoạch giải quyết vấn đề Brexit bị đánh giá là không khả thi về thời gian biểu và chính trị. Đảng này hứa hẹn soạn thảo một thỏa thuận Brexit mới trong vòng 3 tháng và tiến hành cuộc trưng cầu ý dân 3 tháng sau đó. Vì thế, giới phân tích cho rằng khả năng đánh bại Đảng Bảo thủ dựa nhiều vào chuyện Công đảng thuyết phục được cử tri đến đâu về NHS và các vấn đề xã hội quan trọng khác.
Cơ hội bất ngờ đến với Công đảng vào đầu tuần này sau khi xuất hiện hình ảnh một bệnh nhân 4 tuổi buộc phải nằm dưới sàn hành lang với chiếc áo đắp bên trong phòng cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa TP Leeds do không có giường trống. Bé trai này còn phải chờ đến 5 giờ mới được bác sĩ thăm khám. Điều đáng nói là khi một phóng viên đài truyền hình ITV đưa cho ông Boris Johnson xem ảnh của đứa bé trên chiếc điện thoại di động của mình, nhà lãnh đạo này lại cầm điện thoại bỏ vào túi và một lúc sau mới lấy điện thoại ra xem. Đảng Bảo thủ sau đó buộc phải lên tiếng xin lỗi và tìm cách biện hộ trước chỉ trích vụ việc là bằng chứng rõ ràng cho thấy hệ thống y tế không được đầu tư đầy đủ.
Kết quả một cuộc thăm dò dư luận được Công ty YouGov công bố hôm 10-12 cho thấy Đảng Bảo thủ trên đường giành 339/650 ghế tại Hạ viện (tăng 22 ghế so với cuộc tổng tuyển cử năm 2017). Công đảng về nhì với 231 ghế (giảm 31 ghế), trong lúc Đảng Quốc gia Scotland (SNP) nắm 41 ghế (tăng 6 ghế) và Đảng Dân chủ Tự do nắm 15 ghế (tăng 3 ghế).
Dù vậy, Công ty YouGov nhấn mạnh không loại trừ khả năng kết quả bầu cử dẫn đến kịch bản quốc hội "treo" (không đảng nào giành được đa số ghế cần thiết để lên nắm quyền) hoặc Đảng Bảo thủ giành được nhiều ghế hơn nữa. Theo Reuters, nhiều nhà phân tích xem quốc hội "treo" là kết quả tiêu cực nhất đối với nền kinh tế Anh, ít nhất trong ngắn hạn, bởi không đảng nào có thể giải quyết được vấn đề Brexit.
Bình luận (0)