Ông Marcos Espinal, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của WHO, ước tính khoảng 3-4 triệu người có thể bị nhiễm virus này.
Quyết định trên được đưa ra sau khi các nhà khoa học Mỹ thúc giục WHO khẩn cấp ngăn chặn sự lây lan của virus Zika, được xem là có nguy cơ gây ra đại dịch, trong bối cảnh virus này xuất hiện tại 20 nước thành viên Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribe (CELAC). Họ nhắc nhở WHO về bài học từ đợt bùng phát dịch Ebola (đã khiến hàng ngàn người tử vong) và lập một ủy ban khẩn cấp gồm các chuyên gia dịch bệnh để bàn cách đối phó Zika.
Viết trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ, 2 nhà khoa học Daniel R Lucey và Lawrence O.Gostin cho rằng trong vòng 2 năm tới có thể có vắc-xin thử nghiệm phòng chống Zika nhưng phải mất cả thập niên mới sử dụng đại trà được. Virus này rất nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai vì nó bị nghi là gây ra dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh và tiềm ẩn khả năng làm tổn thương não nghiêm trọng. Do chưa có phương thức đặc trị đối với Zika, cách duy nhất để ngăn ngừa là tránh bị muỗi đốt.
Cảnh báo trên càng có cơ sở khi theo kênh Sky News, các nhà khoa học Brazil tin rằng Zika có thể lây truyền từ muỗi thông thường, chứ không giới hạn ở muỗi Aedes aegypti tại vùng nhiệt đới, từ đó làm gia tăng đáng kể nguy cơ lây lan khắp thế giới. Zika hiện lan nhanh ở Nam Mỹ, Trung Mỹ, khu vực Caribe và có thể mau chóng xâm nhập Mỹ.
Riêng Brazil ghi nhận hơn nửa triệu ca nhiễm virus trong những tháng gần đây, trong đó có ít nhất 4.180 ca nghi là teo não với 270 ca được xác nhận. Tại Colombia, có trên 16.419 ca bị nghi hoặc xác nhận nhiễm Zika, trong đó có 1.090 phụ nữ mang thai. Một số bang của Mỹ như California, Minnesota, Virginia, Arkansas… đã phát hiện người nhiễm trong khi virus Zika xuất hiện ở các nước châu Âu gồm Ý, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Anh và Đan Mạch.
Bình luận (0)