Ngoài ra, C67 đã thành lập các tổ công tác vừa công khai, vừa bí mật đi giám sát, kiểm tra việc CSGT địa phương thực hiện. Ngoài giám sát trên đường, các tổ công tác còn căn cứ vào sổ nhật ký, biên bản làm việc để xác định các tổ làm nhiệm vụ có thực hiện đúng quy định của Bộ Công an không.
Với người dân và tài xế, có thể báo cho C67 qua “đường dây nóng” 24/24h: 069 42608 nếu phát hiện CSGT làm sai quy trình, điều lệnh. Khi báo cần nêu rõ vị trí xảy ra vi phạm, số hiệu xe hoặc số hiệu ngành CSGT đeo trên người.
Trường hợp vi phạm, C67 xử lý theo các mức: Phê bình, khiển trách, cảnh cáo, tước quân tịch đuổi khỏi ngành. Đặc biệt, với trường hợp CSGT vẫy xe kiểm tra qua loa thì khiển trách, nhưng vẫy xe kiểm tra qua loa rồi nhận tiền cho đi thì sẽ đuổi khỏi ngành.
Theo quy trình, sau khi tiếp nhận thông tin, trực ban sẽ báo cáo lãnh đạo Cục, thông tin nào cần đưa về địa phương thì Cục sẽ chuyển về địa phương, thông tin nào Cục cần trực tiếp điều tra, xử lý thì Cục sẽ xác minh.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã đưa, ngày 27-7, Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, đã có công văn yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị, Giám đốc Công an các địa phương chấn chỉnh ngay việc bố trí lực lượng công an ra đường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Theo đó, lực lượng CSGT phải thực hiện phương thức tuần tra cơ động là chính. Nghiêm cấm lập các chốt kiểm tra cố định hoặc thường xuyên đến một địa điểm tổ chức dừng xe để kiểm tra (trừ địa điểm là “điểm đen” giao thông).
Việc dừng phương tiện để kiểm tra phải thực hiện đúng quy trình công tác và điều lệnh Công an nhân dân, nghiêm cấm tình trạng “vẫy xe” xem giấy tờ qua loa rồi cho đi.
Bộ Công an cũng cũng khẳng định: “Nếu phát hiện có các biểu hiện vi phạm quy trình công tác, tiêu cực trong khi thi hành nhiệm vụ, phải kiên quyết lập biên bản, xử lý theo quy định”.
Bình luận (0)