Theo ước tính của Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM và các chuyên gia, mỗi ngày TP phát sinh khoảng 500.000 m3 nước thải công nghiệp và khoảng 1,2 triệu m3 nước thải sinh hoạt. Nguồn nước thải chưa được xử lý triệt để này đổ ra sông rạch, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Tái sinh nước thải
Nguồn nước cung cấp cho TP HCM chủ yếu lấy từ hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai và một phần nước ngầm, nước mưa. Trong đó, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đang khiến hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai chịu áp lực khai thác nặng nề.
Chỉ số áp lực khai thác nguồn nước ngọt lưu vực sông Đồng Nai hiện là 22%. Để giảm chỉ số này xuống khoảng 20% và 15% vào năm 2025 theo định hướng của TP HCM, cần giảm lượng nước ngọt khai thác khoảng 0,4-1,3 triệu m3/ngày.
Trong khi đó, nguồn nước ngầm bị khai thác quá mức cũng gây ra nhiều hệ lụy: hạ phễu nước, sụt lún đất, ô nhiễm… Vì vậy, việc định hướng tìm nguồn nước thay thế để giảm áp lực khai thác nước ngọt là rất cần thiết. Trong đó, nước thải là một phương án được PGS-TS Nguyễn Phước Dân, Trường ĐH Bách khoa TP HCM, đề xuất.
Theo ông Dân, nước thải có ưu điểm là dồi dào, xử lý và sử dụng tại chỗ, trong khi nguồn nước mưa phải chờ đến mùa. Bên cạnh đó, do TP HCM nằm ở hạ nguồn, việc tái sử dụng nước thải khả thi và kinh tế hơn thu gom nước mưa hay xây hồ chứa ở thượng nguồn.
Như một nguồn tài nguyên
Tiềm năng tái sử dụng nước thải công nghiệp của TP HCM có thể lên đến 160.000 m3/ngày. Nếu có chính sách hợp lý, lượng nước tái sử dụng trong công nghiệp và sinh hoạt có thể đạt đến 1 triệu m3/ngày, tiết kiệm được khoảng 10 tỉ đồng. Lượng nước này phục vụ cho nhu cầu chữa cháy, tưới cây, rửa đường, làm mát máy công nghiệp, phục hồi nguồn nước kênh - rạch…
PGS-TS Nguyễn Phước Dân cho rằng hiện nay, một phần do giá nước còn thấp nên chưa khuyến khích được việc tái sử dụng nước thải trong xã hội. Vì thế, theo ông, muốn phát huy việc tái sinh nguồn nước thải, khi xây dựng các chính sách cần xem đây là tài nguyên, thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý.
“Cần xem sản phẩm nước tái sinh là hàng hóa; thực hiện xã hội hóa các hoạt động bảo vệ, phát triển nguồn nước và cung ứng dịch vụ nước tái sinh. Ngoài ra, cũng nên xem việc tái sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ các trạm xử lý như nguồn nước thay thế cho nước ngầm và nước mặt nhiễm mặn để thấy được giá trị của nước tái sinh” - ông Dân đề xuất.
Bình luận (0)