xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

100 ngày sôi nổi

Bài và ảnh: Phan Anh

100 ngày tập kết ở Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã giải quyết tư tưởng khá phổ biến trong bộ đội lúc bấy giờ là tại sao ta đang thắng lớn mà lại đình chiến, tập kết ra Bắc

Trong ngôi nhà nhỏ ở quận Gò Vấp, TP HCM, ông Trần Ngọc Long cứ háo hức chờ đến ngày 28-10 để được về Đồng Tháp họp mặt kỷ niệm 60 năm 100 ngày tập kết ở Cao Lãnh. “Tháng 10 năm nào, thời gian cũng trôi chậm chạp” - ông Long sốt ruột và kể không dứt về những ngày tập kết sôi nổi tại Cao Lãnh vào tháng 10-1954.

Địa điểm chiến lược

Năm đó, ông Long mới 20 tuổi, là chiến sĩ Đại đội 959 của Tiểu đoàn 309. Đại đội của ông là đơn vị chủ lực của tiểu đoàn. Theo ông Long, do có vị trí chiến lược quan trọng, thị trấn Cao Lãnh, tỉnh Long Châu Sa (tức TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp ngày nay) được Đảng chọn làm một trong những điểm tập kết chuyển quân của toàn bộ Quân khu 8 và phần Đông Bắc của Quân khu 6. Cao Lãnh năm 1954 là một huyện có diện tích, dân số và tiềm lực kinh tế lớn của tỉnh Long Châu Sa. Những thế mạnh đó cộng với vị trí địa lý quan trọng đã làm cho Cao Lãnh trở thành địa điểm chiến lược không chỉ của Quân khu 8 mà còn của Nam Bộ. Bên cạnh đó, Cao Lãnh có truyền thống yêu nước, chống xâm lược, chống áp bức, đoàn kết và nhiệt tình cách mạng. Hưởng ứng chủ trương đấu tranh hòa bình của Trung ương Đảng, đại đội của ông Long chấp hành nghiêm lệnh ngừng bắn và tập hợp về Cao Lãnh để chuyển quân ra miền Bắc.

Ông Trần Bảo Thạnh xem lại những tấm hình Trung đội E khi có dịp về Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp
Ông Trần Bảo Thạnh xem lại những tấm hình Trung đội E khi có dịp về Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp

Đang hân hoan trong hòa bình, về Cao Lãnh, Đại đội 959 đụng phải đoàn An Khê của quân Pháp kéo vào tại huyện Vàm Cỏ (nay là huyện Châu Thành, tỉnh Long An). Trận chiến ác liệt ấy đã làm nhiều đồng đội của ông Long hy sinh. “Đó là ngày 8-8-1954. Tôi nhớ mãi người bạn tên Túc. Anh là người lo nhu yếu phẩm cho đại đội” - ông Long bùi ngùi. Mở trang nhật ký ghi ngày 8-8-1954, ông nghẹn ngào đọc bài thơ làm cho người bạn chí cốt: “Còn 3 ngày nữa thôi/ Hòa Bình đã đến rồi/ Tiếc thay mầy đã ngã/ “Duy Đằng” họa sĩ ơi/ Bùi ngùi giữa chiến trường/Nhớ lại những đêm sương/ Tao với mầy tâm sự/ Câu chuyện mỗi quê hương/ Quê mầy ở Sơn Tây/Nhà tao vùng Gia Định/ Chúng ta đời binh lính/ Cùng vui buồn đắng cay/ Hôm nay tại chiến trường/Viết mấy dòng thân thương/ Vĩnh biệt mầy Túc nhá/ Mầy nghỉ, tao lên đường”.

Nhớ về thời điểm đó, ông Vũ Thành, trinh sát đặc công Tiểu đoàn 309, cũng ray rứt mãi cái chết của đồng đội. Trên đường về Cao Lãnh, đội ông bị một tiểu đoàn địch càn ở xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. “Theo tuyên bố cuối cùng ngày 21-7-1954 của Hiệp định Genève, các bên chấm dứt xung đột nhưng tại Nam Bộ ngày 11-8-1954 mới ngừng bắn bởi sự manh động của quân Pháp. Sự càn quét của địch buộc chúng tôi phải nổ súng. Có 6-7 chiến sĩ hy sinh. Đáng lẽ họ không chết! Ai cũng náo nức về Cao Lãnh nhưng tiếc thay...” - ông Thành trầm ngâm.

Choáng ngợp và bỡ ngỡ

Đầu tháng 7-1954, ông Trần Bảo Hương, cán bộ Ban Kinh tế Tài chính tỉnh Long Châu Sa, được phân công tham gia chiến dịch Phú Châu với nhiệm vụ chính là quản lý chiến lợi phẩm và kết hợp công tác dân vận giải thích chính sách của Đảng và nhà nước với nhân dân vùng địch tạm chiếm. “Khi tôi cùng đồng đội chuẩn bị đầy đủ, chờ trời tối hẳn sẽ sang sông để tiếp tục các trận đánh thì được tin đình chiến. Mọi người ôm chầm lấy nhau, sung sướng reo mừng hô vang: Đình chiến rồi! Đình chiến rồi! Tôi nhớ mãi giây phút đó” - ông Hương kể.

Chiến dịch kết thúc, ông Hương lên đường trở về đơn vị. Lúc này, ông biết mình và một số bạn cùng lứa trong cơ quan được giao nhiệm vụ làm bất cứ việc gì mà lãnh đạo trong ban tiếp quản thị trấn Cao Lãnh giao. Lần đầu tiên, ông Hương được giao nhiệm vụ mang một chiếc đèn ra Cao Lãnh để lãnh đạo trong ban tiếp quản làm việc ban đêm. Ông tâm sự: “Nhiệm vụ nghe đơn giản nhưng có ý nghĩa rất quan trọng vì trước khi rút, chính quyền địch đã cố tình gây khó dễ để nhà đèn không hoạt động được, hòng chứng minh những điều mà lâu nay chúng rêu rao rằng Việt Minh là “man rợ, dốt nát”. Ông Hương nhớ rất rõ hôm ấy, sau buổi cơm chiều, mấy anh em mang chiếc đệm trải ở bờ sông ngồi nói chuyện, đến khi nghe tiếng gà gáy với tiếng râm ran của các bà đi chợ mới hay trời đã sáng.

Đó là lần đầu ông Hương được biết Cao Lãnh. “Choáng ngợp và bỡ ngỡ quá chừng. Tôi đứng trân một hồi mới lấy lại được tinh thần” - ông Hương hồi tưởng về thời khắc được tận mắt chứng kiến cuộc sống nơi thành thị. Theo ông Hương, Cao Lãnh lúc đó rất nhộp nhịp. Cán bộ, chiến sĩ từ các nơi nườm nượp kéo về, được bố trí ở trong nhà dân. Người dân các nơi cũng đổ về để tìm người thân ra đi kháng chiến ngày nào. Khắp các làng, xã thuộc huyện Cao Lãnh, đâu đâu cũng có quân cách mạng đóng.

Ông Trần Bảo Thạnh, Trung đội E, cũng nhớ mãi cảm giác ngỡ ngàng trước sự tấp nập ở Cao Lãnh. “Trước khi ra tiếp quản Cao Lãnh, toàn bộ cán bộ, chiến sĩ đều được học tập kỹ lưỡng văn bản chỉ đạo của Trung ương Đảng, Xứ ủy Nam Bộ, Bộ Tư lệnh Phân liên khu và Tỉnh đội Long Châu Sa về nội dung Hiệp định Genève, thắng lợi của ta, nhiệm vụ mới khi có đình chiến cũng như chính sách của ta đối với vùng mới giải phóng... Đặc biệt, giải quyết tư tưởng khá phổ biến trong bộ đội lúc này là tại sao ta đang thắng lớn mà lại đình chiến, tập kết ra Bắc, giao miền Nam cho đối phương quản lý. Nhờ đó, cán bộ, chiến sĩ đều nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh, không ai bỏ về nhà” - ông Thạnh kể. Theo ông Thạnh, ngày tiếp quản Cao Lãnh, quân ta hùng dũng đi theo hàng ngũ, vẫy tay chào đồng bào. 

Kỳ tới: Khắng khít tình quân dân

Đất nước chia đôi

Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève được ký kết. Đình chiến nhưng đất nước lại chia đôi. Sông Bến Hải - vĩ tuyến 17 được dùng làm giới tuyến chia Việt Nam làm 2 vùng tập kết quân sự tạm thời. Miền Bắc do Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quản lý, miền Nam do Pháp tạm thời quản lý; quân đội 2 bên tập kết về khu vực của mình; thời hạn di chuyển hoàn toàn lực lượng 2 bên không vượt quá 300 ngày. Cả 2 bên có nhiệm vụ giải quyết vấn đề thống nhất đất nước bằng một cuộc tổng tuyển cử tự do vào tháng 7-1956. Hiệp định Genève là một giải pháp đồng bộ về chính trị và quân sự, nó vượt ra ngoài ý đồ ban đầu của các nước lớn định giới hạn cuộc thảo luận tại Genève về Đông Dương trong khuôn khổ một hiệp định ngừng bắn đơn thuần. Theo Hiệp định Đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, tại Nam Bộ quy định 3 khu tập kết. Ở khu tập kết Đồng Tháp Mười, trung tâm là thị trấn Cao Lãnh, tỉnh Long Châu Sa.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo