Từ sự chậm trễ của các cơ quan chức năng...
Ngày 5-6-2001, Văn phòng Chính phủ (VPCP) có thông báo sẽ cấm các DN chỉ lắp ráp xe máy thuần túy không được nhập khẩu linh kiện. Đến ngày 18-10-2001, Chính phủ mới có công văn chỉ đạo Bộ Công nghiệp “không cho phép các DN lắp ráp xe máy thuần túy mà không có sản xuất phụ tùng chủ yếu được tiếp tục nhập khẩu linh kiện và lắp ráp xe máy”. Văn bản này chưa đề cập đến việc truy thu thuế nhập khẩu với mức 60%. Ngày 17-12-2001, Bộ Công nghiệp mới chính thức công bố danh sách 23 DN (trong đó có 17 DN nêu trên) phải tạm ngừng nhập khẩu linh kiện xe máy bằng Công văn số 5366. Luật sư Nguyễn Văn Chiến cho rằng: “Công văn số 5366 nói trên chỉ có thể phát sinh hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Điều đó có nghĩa là đến ngày 1-1-2002, quyết định cấm 17 DN này nhập khẩu linh kiện xe máy mới có hiệu lực thi hành”.
Thế nhưng, đến ngày 9-7-2002, Bộ Tài chính mới có công văn gửi Tổng cục Hải quan để thực hiện chính sách nội địa hóa xe máy theo tinh thần Thông báo số 99 ngày 6-6-2002 của VPCP. Trong công văn này, Bộ Tài chính buộc các DN có tên trong danh sách kèm theo Công văn số 5366 của Bộ Công nghiệp phải truy nộp thuế nhập khẩu từ 1-10-2001 với mức 60% đối với các bộ linh kiện xe máy. Số linh kiện này, theo phản ánh của các DN, họ đã phải nộp từ 15% đến 30% thuế theo tỉ lệ nội địa hóa của từng DN.
...Đến thiệt hại của các DN
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, quyết định truy thu thuế nhập khẩu đã đánh thuế trực tiếp vào DN bởi lẽ DN không thể yêu cầu người tiêu dùng trả thêm tiền khi hàng hóa đã bán xong.
Một điều nữa khiến các DN phản ứng mạnh với quyết định của Bộ Tài chính là việc hồi tố truy thu thuế. Theo các DN, họ không được phép nhập khẩu linh kiện xe máy kể từ ngày Công văn số 5366 của Bộ Công nghiệp có hiệu lực, nhưng Tổng cục Thuế lại bắt họ phải truy nộp thuế từ 1-10-2001 là trái với quy định của pháp luật. Vì vậy, các DN đã từ chối ký vào biên bản quyết toán thuế, đồng nghĩa với việc từ chối nộp thuế. Áp dụng biện pháp mạnh, ngày 9-12-2002, Tổng cục Thuế đã có Công văn 4687 gởi Tổng cục Hải quan yêu cầu “hải quan các địa phương cưỡng chế, không cho làm thủ tục nhập khẩu các lô hàng tiếp theo kể từ ngày 15-2-2003...” đối với những DN từ chối ký biên bản quyết toán thuế.
Cách tính thuế và cưỡng chế của Tổng cục Thuế đã làm cho các DN điêu đứng vì trung bình mỗi DN bị truy thu tới 10-15 tỉ đồng.
Sẽ kiểm tra lại tỉ lệ nội địa hóa
Trong số 17 DN kể trên đã có 15 DN đầu tư dây chuyền sản xuất và đã được chính Bộ Công nghiệp kiểm tra, xác nhận. Quyết định này đã đẩy các DN tới tình trạng dây chuyền vừa đầu tư đã không có điều kiện hoạt động, đọng toàn bộ vốn đầu tư và hàng trăm công nhân không có việc làm.
Từ kiến nghị khẩn thiết của các DN, đại diện VPCPã đã có buổi làm việc với Bộ Tài chính và Bộ Công nghiệp để tìm giải pháp tháo gỡ những vướng mắc cho DN. Hai bộ đã đưa ra giải pháp không truy thu thuế theo mức 60% mà thay vào đó là việc tính thuế theo kết quả quyết toán về tình hình thực hiện nội địa hóa của các DN.
Nhưng bà Đặng Thị Bình An, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết: “Các DN chưa ký biên bản quyết toán thuế năm 2001 thì vẫn sẽ bị cưỡng chế đối với các lô hàng nhập khẩu về. Đối với DN đã ký biên bản quyết toán, Tổng cục Thuếë sẽ ra hạn thời gian nộp thuế bổ sung theo từng tháng, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của mình”.
Bình luận (0)