Chờ xây nhà mới, nay tóc đã bạc, ông tổ trưởng Phạm Phú Phong bức xúc vừa trần tình những lời kể trên, vừa chỉ vào ngôi nhà xuống cấp, xập xệ của ông không được phép xây dựng. Căn nhà ông Phong có bảy người gồm hai thế hệ được xây dựng trước năm 1975, giờ đây ximăng đã dần bị rạn, nhiều vết nứt dọc nứt ngang trên các bức tường.
Căn nhà xây cho hai vợ chồng nay lên đến bảy người nên chỗ nào cũng kê giường, kê bàn ngổn ngang dưới mái tôn thấp lè tè, nóng bức. Ông Phong giãi bày: “Vì cái “ách” qui hoạch nên gần 30 năm nay, gia đình đành sống... “tạm” bởi rục rịch xây là bị đình chỉ”.
Năm 1978, UBND huyện Thăng Bình đưa khu vực này vào qui hoạch làm tượng đài Hà Lam - Chợ Được. Song đến năm 1998, tượng đài được dời đi nơi khác và được xây dựng. Người dân chưa vội mừng thì khu vực này nằm trên tuyến đường ĐT 613 ngang qua thị trấn Hà Lam trong diện được hứa hẹn mở rộng, nâng cấp.
Chưa hết, năm 2004, UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định phê duyệt qui hoạch chi tiết xây dựng khu trung tâm thị trấn Hà Lam. Đến đầu năm 2006, tỉnh Quảng Nam lại có quyết định qui hoạch sử dụng đất chi tiết thị trấn Hà Lam đến năm 2015. Các hộ trên đều bị nằm trong các quyết định qui hoạch này nên nhà của họ không “rục rịch” gì được.
Phó chủ tịch UBND huyện Thăng Bình Nguyễn Văn Ngữ xác nhận khu vực này nằm trong qui hoạch chi tiết xây dựng trung tâm thị trấn Hà Lam, những bức xúc của người dân nằm trong vùng qui hoạch này kéo dài là có thật.
Ngày 11-4, chủ tịch UBND huyện Thăng Bình Phan Thăng An thông báo: “Huyện sẽ lập đoàn kiểm tra để đánh giá mức giải tỏa, đền bù, phương án tái định cư sau đó trình tỉnh quyết định”. Quan điểm của huyện là nếu có kinh phí thì thực hiện các công việc trên, đồng thời đưa ra lộ trình thực hiện qui hoạch; còn nếu giữ nguyên qui hoạch đến năm 2015 thì phải cho người dân làm nhà ổn định cuộc sống, ông An bày tỏ. Thời điểm nào sẽ có quyết định cuối cùng? Ông An nói vẫn không thể quyết định được và chờ ý kiến tỉnh.
Bình luận (0)