Chiều 17-4, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, cho biết theo báo cáo của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, ở nước ta thiên tai xảy ra dồn dập từ đầu năm đến cuối năm, trên khắp các vùng miền trong cả nước với cường độ lớn, phạm vi rộng, đồng thời thể hiện tính cực đoan, bất thường.
"Qua tổng hợp báo cáo từ các địa phương, thiên tai trong năm 2016 đã làm 264 người chết và mất tích; 5.431 nhà bị đổ, sập, trôi, 364.997 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái; 828.661 ha diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại; hàng triệu mét khối đất đá giao thông, thủy lợi bị sạt lở, bồi lấp; 115 km đê, kè, 938 km kênh mương, 122 km bờ sông, bờ biển bị sạt lở.... tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 39.726 tỉ đồng"- ông Cường nhấn mạnh.
Cụ thể một số đợt thiên tai điển hình như từ cuối năm 2014 đến giữa năm 2016, hiện tượng El Nino mạnh, kéo dài nhất trong lịch sử, nền nhiệt độ tăng cao, lượng mưa và dòng chảy thiếu hụt. Khu vực đồng bằng sông Cửu Long mực nước thấp nhất trong vòng 90 năm qua nên xâm nhập mặn đã xuất hiện sớm hơn so với cùng kỳ trung bình nhiều năm gần 2 tháng; phạm vi xâm nhập mặn vào đất liền sâu nhất lên đến hơn 90 km . Hạn hán, xâm nhập mặn đã xảy ra gay gắt, gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân tại 18 tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ. Đây là nguyên nhân chính làm ngành nông nghiệp bị tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm.
Đầu năm 2016, các tỉnh miền Bắc đã xảy ra rét đậm, rét hại trên diện rộng, nhiều nơi đã xuất hiện băng giá và mưa tuyết trong đêm 23, ngày 24,25-1 như ở Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Sa Pa (Lào Cai),... đặc biệt một số nơi rất hiếm khi có mưa tuyết đã xảy ra như ở Ba Vì (Hà Nội), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Mộc Châu (Hòa Bình), Kỳ Sơn (Nghệ An).
Trong năm 2016, số đợt nắng nóng trên diện rộng, xuất hiện nhiều trên nhiều vùng miền trong cả nước, tập trung vào các tháng 5 và 6, một số nơi tại Trung Bộ và Tây Nguyên nền nhiệt độ có đợt phổ biến từ 40-42 độ C.
Năm vừa qua có 10 cơn bão và 7 áp thấp nhiệt đới đi vào biển Đông, trong đó 6 cơn bão, áp thấp nhiệt đới tác động trực tiếp đến đất liền nước ta cùng với một số hình thái thời tiết khác đã gây mưa lũ đặc biệt lớn, bất thường, liên tục và kéo dài trên toàn bộ khu vực miền Trung; sạt lở bờ sông, bờ biển xảy ra nhiều nơi.
Ở khu vực phía Bắc, bão số 1 và số 3 đổ bộ vào khu vực đồng bằng Bắc Bộ, trong đó bão số 1 đã gây mưa lớn trên diện rộng gây ngập úng nghiêm trọng các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, đời sống nhân dân và đặc biệt làm thiệt hại nghiêm trọng cho hệ thống lưới điện tại tỉnh Nam Định. Tình hình lũ quét, sạt lở đất vẫn diễn ra nghiêm trọng, trên phạm vi của 14 tỉnh miền núi phía Bắc gây thiệt hại lớn về người và tài sản, đặc biệt là sạt lở đất sau bão số 3 xảy ra ở huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái; khu vực khai thác vàng huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai đã làm chết và mất tích nhiều người.
Đặc biệt, từ giữa tháng 10 đến đầu tháng 12-2016, khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã xảy ra liên tiếp 5 đợt mưa lũ lớn trên diện rộng với cường độ rất khốc liệt, tổng lượng mưa trong mỗi đợt tại nhiều nơi trên 1.000 mm, cường độ mưa một số nơi đạt trên 700 mm/ngày đêm. Đặc biệt mưa lũ xảy ra liên tục, nhiều lần trên nhiều khu vực làm thiệt hại nghiêm trọng về người, sản xuất, hư hỏng nghiêm trọng công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi.
Trong năm qua, nhiều khu vực bờ sông, bờ biển, cửa sông tại các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Bình Thuận, Tiền Giang, Cà Mau,.. đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân.
Bình luận (0)