3 giàn cẩu “khủng” của Formosa được phát hiện trôi dạt ở gần đảo Hòn La (Quảng Bình)
Sáng 6-10, Trung tá Phạm Anh Dũng, Đồn Trưởng Đồn Biên phòng Roòn thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình, cho biết sau cơn bão số 4 thì chiếc xà lan lớn chở 3 giàn cẩu hiện đại đặt ở cảng Sơn Dương của Formosa (Hà Tĩnh) bị sóng đánh dạt vào gần đảo Hòn La và sự việc đã được trình báo với Cảng vụ Quảng Bình và Cục hàng hải Việt Nam.
“Sau khi phát hiện sự việc Sở TN-MT Quảng Bình đã cử lực lượng đến tiến hành hút dầu, tránh đổ xuống biển gây ô nhiễm môi trường. Còn cái này thực tế nó không ảnh hưởng đến vấn đề luồng lạch cũng như an ninh cửa biển. Tuy nhiên cảng vụ cũng yêu cầu sớm trục vớt 3 giàn cẩu này để tránh các cơn bão khác vào lại trôi ra chỗ khác gây nguy hiểm cho ngư dân”, Trung tá Dũng khẳng định
Cũng theo Trung tá Dũng, hiện nay phía Formosa đang thuê các đơn vị phụ trách đường thủy để tiến hành trục vớt dàn cẩu ra khỏi vùng biển Quảng Bình.
Trong khi đó, theo phản ánh của ngư dân địa phương ở các xã ven biển phía Bắc tỉnh Quảng Bình, sau cơn bão số 4, họ bất ngờ phát hiện 3 giàn cẩu “khủng” nghi của Formosa bị mắc kẹt tại tảng đá ở gần đảo Hòn La (Quảng Bình). Sự việc không chỉ đe dọa an toàn đến khi tàu bè ngư dân ra khơi vào mỗi tối mà còn ảnh hưởng đến sự cố ô nhiễm môi trường vùng biển bởi bên trong chiếc xà lan chở 3 giàn cẩu này chứa một lượng dầu khá lớn. Sau đó sự việc đã trình báo với các cơ quan chức năng nhằm tìm biện pháp xử lý.
Theo tìm hiểu của phóng viên, 3 giàn cẩu nói trên có tên là Grap-type Ship Unloader lớn và hiện đại nhất thế giới được Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh thuê vận chuyển từ cảng Đại Liên – Trung Quốc về cảng Sơn Dương vào tháng 10-2014. Sự kiện này từng thu hút sự quan tâm của dư luận và báo chí. Trong số 3 giàn cẩu thì có giàn cẩu SU-01 nặng 2.020 tấn, công suất 2.500 tấn/giờ, 2 giàn cẩu còn lại là SU-01, SU-03 nặng 1.100 tấn, công suất 1.600 tấn/giờ. Đây là 3 giàn cẩu hiện đại do Tập đoàn Công nghiệp nặng Đại Liên (Trung Quốc) sản xuất năm 2014 được sử dụng để bốc xếp than và quặng sắt chuyên dụng tại cảng nước sâu Sơn Dương.
Bình luận (0)