xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

30 năm phục hồi, gìn giữ “lá phổi xanh” của TP

Bài và ảnh: T.Minh - H.Hiệp

Sau ngày giải phóng, dân và quân huyện Cần Giờ đã nỗ lực tái sinh, bảo vệ rừng ngập mặn; là đơn vị đang được TP đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới

Huyện Cần Giờ – TPHCM là vùng căn cứ cách mạng với chiến khu Rừng Sác nổi tiếng trong suốt hai thời kỳ đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tiếp nối truyền thống cách mạng, nhân dân Cần Giờ vẫn tiếp tục bám đất, giữ rừng. Để có được vạt rừng kiêu hãnh, xanh tươi như hôm nay, biết bao công sức và cả máu những người dân Cần Giờ đã đổ xuống.

“Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù...”

Chúng tôi tìm đến nhà ông Đoàn Ngọc Tuấn, nguyên Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ - người tự nhận là “rất có duyên nợ” với vùng đất này. Ông kể: “Trong chiến tranh, rừng Sác - Cần Giờ trở thành căn cứ trọng yếu, nuôi giấu biết bao chiến sĩ cách mạng. Và cũng dưới tán rừng này, hàng trăm chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống...”. Giọng ông như trầm hẳn khi hồi tưởng lại quá khứ. Với địa thế hiểm trở, rừng Sác chính là nơi tập hợp của các lực lượng vũ trang giữa miền Tây và miền Đông Nam Bộ, làm bàn đạp tấn công vào Sài Gòn. Nơi đây còn là căn cứ của Chi đội Vệ quốc đoàn thuộc Mặt trận số 4 (các Chi đội Bình Xuyên) và cũng là nơi ra đời của Trung đoàn 300 thuộc Khu 7...

Chính vì vậy, để hòng “tiêu diệt lực lượng của ta ở trong rừng Sác, địch đã rải xuống đây một lượng chất độc khai quang lớn (gấp 3 lần sử dụng tại huyện Củ Chi). Theo số liệu còn lưu lại, để hủy diệt sự sống của hơn 40.000 ha rừng, giặc Mỹ đã rải xuống vùng đất này 4.168.251 gallons chất độc màu da cam, màu trắng và màu xanh. Thêm vào đó, nạn phá rừng giải quyết cuộc sống của một bộ phận người dân vào những năm đầu sau ngày giải phóng đã khiến cho rừng ngập mặn Cần Giờ cùng hệ thực vật phong phú, quý hiếm gần như bị xóa trắng.

Sức sống trỗi dậy từ “vùng đất chết”

“Ấy thế mà chỉ sau 26 năm, rừng gần như đã được phục hồi nguyên vẹn. Quả là một điều kỳ diệu!” - kỹ sư Cát Văn Thành (Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ) không giấu được niềm tự hào. Hàng trăm ngàn công lao động của nhân dân, CB-CNV thuộc các xã, chiến sĩ các lực lượng vũ trang của huyện cùng 23 đơn vị nông - lâm trường của các quận nội thành, lực lượng TNXP TP... được huy động. Từng đoàn ghe đêm ngày vận chuyển hàng ngàn tấn đước giống từ tận vùng Năm Căn (Cà Mau) về Cần Giờ để kịp tiến độ trồng rừng. Ông Nguyễn Văn Ước (xã Tam Thôn Hiệp) nhớ lại: “Sáng sớm, chúng tôi tập trung tại một điểm để ghe chở đi đến từng khu vực. Sớm muộn cứ theo con nước mà đi, nước ròng thì trồng, nước lớn thì về nghỉ. Thay vì đốn củi sinh sống, chúng tôi đi trồng rừng để đổi gạo. Nhìn những vạt rừng tự tay mình trồng lớn dần theo thời gian, tôi vui không thể nào tả xiết... Thời tôi trồng rừng, nay con tôi lại tiếp tục giữ rừng”. Trời không phụ lòng người, rừng đã dần tái sinh. Những loại cây, như: đước, dà vôi, gõ biển, bần chua, mấm, chà là, cóc... phát triển mạnh. Các loại động vật, như: khỉ, nhím, tê tê, bồ nông, diệc, trăn, rùa biển... sinh sôi trở lại.

Không chỉ có công lao động, nơi đây còn có cả mồ hôi, xương máu của những người đã quên đi tuổi thanh xuân để đổi lấy màu xanh bạt ngàn của vùng đất chết. Nhiều người đã nằm xuống vì không chịu nổi thách thức “rừng thiêng nước độc” hoặc do bom đạn còn sót lại trong chiến tranh và di chứng của căn bệnh sốt rét mãn tính... Nhưng những khó khăn, thách thức ấy cũng không làm nản lòng những lớp người sống với cánh rừng Cần Giờ. Đó chính là sự tiếp nối đầy tự hào của nhân dân Cần Giờ về truyền thống anh hùng của vùng đất này.

Không chỉ là khu dự trữ sinh quyển hàng đầu VN...

Trước đây, hầu hết các hộ giữ rừng đều nằm trong diện xóa đói giảm nghèo, thì nay cuộc sống của các hộ này đã dần đi vào ổn định, thu nhập bình quân hằng năm vượt chuẩn nghèo theo quy định của TP. “Yêu rừng, rừng sẽ không phụ công sức người bỏ ra” - bà Nguyễn Thị Ấu (tiểu khu 7), một trong nhiều hộ giữ rừng có thu nhập khá nhờ kết hợp nuôi trồng thủy, hải sản, khẳng định như vậy. Để giúp các hộ giữ rừng yên tâm bảo vệ “lá phổi xanh”, TP đã nâng dần những chính sách hỗ trợ, như: trang bị điện năng lượng mặt trời, mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, cho vay vốn làm kinh tế gia đình, tiền công bảo vệ rừng cũng tăng lên 316.000 đồng/ha/năm...

Ông Lê Văn Sinh, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ, cho biết: Đây không chỉ là điểm du lịch sinh thái mà còn là nơi thu hút nhiều nhà nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế đến tham quan, làm việc. Đặc biệt, từ năm 2000 đến nay, cơ sở hạ tầng kỹ thuật- dịch vụ được đầu tư xây dựng nên hằng tuần có từ 3.000 đến 5.000 du khách đến tham quan, nhất là những ngày cuối tuần thường xuyên có từ 10.000 đến 15.000 khách. Xây dựng Cần Giờ thành một huyện du lịch sinh thái và là trung tâm nghiên cứu, truyền thông, giáo dục về môi trường và sinh thái lớn nhất Đông Nam Á là mục tiêu TP hướng đến.

Với những nỗ lực tái sinh và bảo vệ khu dự trữ sinh quyển thế giới này, cán bộ, nhân dân huyện Cần Giờ đang được đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo