Theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ, cơ quan hành chính nhà nước chỉ thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc cụ thể như: Sửa chữa, bảo trì đối với hệ thống cấp điện, cấp thoát nước ở công sở, ô tô và các máy móc, thiết bị khác đang được sử dụng trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp; lái xe; bảo vệ; vệ sinh; trông giữ phương tiện đi lại của cán bộ, công chức và khách đến làm việc với cơ quan, đơn vị sự nghiệp; công việc khác. Thông qua quy định này, tỉnh Thanh Hóa đã ký hợp đồng với hơn 30 người tại các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố.
Tuy nhiên, đến năm 2014, ông Nguyễn Xuân Dũng, Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa, bất ngờ có thông báo gửi các đơn vị trong tỉnh tổng hợp danh sách để xét chuyển công chức, nâng ngạch viên chức mà chưa xin ý kiến của UBND tỉnh. Sau khi có danh sách 112 người, Sở Nội vụ đã thực hiện một số thủ tục hành chính rồi tự ý nâng ngạch cho hàng loạt cán bộ và “phù phép” cho hơn 30 nhân viên hợp đồng vào hàng ngũ công chức mà chẳng cần phải qua thi tuyển.
Việc làm trên của Sở Nội vụ Thanh Hóa hoàn toàn trái với Luật Cán bộ, công chức năm 2008. Bởi lẽ, nếu trở thành công chức thì bắt buộc phải qua thi tuyển và được thông báo rộng rãi (trừ các trường hợp cam kết tình nguyện làm việc từ 5 năm trở lên ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được tuyển dụng thông qua xét tuyển). Ngoài ra, việc tự ý nâng ngạch cho hơn 70 cán bộ, chuyên viên không thông qua kỳ thi nâng ngạch công chức cũng trái với quy định tại điều 29 Nghị định 24/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
Ông Bùi Quốc Toàn, Trưởng Phòng Quản lý công chức - Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa, cho biết việc thực hiện xét tuyển, nâng ngạch 112 người nêu trên được làm theo chỉ đạo của giám đốc sở. “Từ năm 2013, giám đốc đã làm văn bản gửi các huyện, thị xã báo cáo danh sách lên. Tôi có làm văn bản gửi giám đốc tham mưu nên xin ý kiến UBND tỉnh. Theo quy định thì việc không thi tuyển mà bình xét là sai rồi. Tuy nhiên, sau đó, ý kiến của tôi không được đồng ý và sở vẫn thực hiện bằng cách thành lập ban bình xét do ông Nguyễn Xuân Dũng làm chủ tịch” - ông Toàn nhớ lại.
Theo ông Toàn, hiện vụ việc đã được Thanh tra tỉnh vào cuộc, mọi giấy tờ liên quan đã chuyển cho bên thanh tra. “Chúng tôi cũng biết sai rồi, giờ phải chờ kết luận để có hướng xử lý” - ông Toàn thừa nhận.
Ông Nguyễn Bá Tải, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa, cho rằng sở đã làm sai, văn bản thực hiện sai, cách làm và quy trình sai, đối tượng (đối tượng hợp đồng theo Nghị định 68) cũng sai nốt. “Thời điểm đó, tôi đi công tác nên không biết việc này. Giờ cũng chỉ biết chờ kết quả thanh tra thôi. Tuy nhiên, để khắc phục hậu quả là vô cùng nan giải” - ông Tải lo ngại.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong số 112 người được nâng ngạch, xét tuyển công chức trái quy định năm 2014, rất nhiều người đã được bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo tại các sở, ngành, huyện, thị. Còn ông Nguyễn Xuân Dũng, Giám đốc Sở Nội vụ, đã nghỉ hưu từ năm 2015.
Trong năm 2013, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức kỳ thi tuyển công chức để lựa chọn cán bộ vào nhiều vị trí khác nhau. Kỳ thi này có 419 người tham gia nhưng chỉ 120 người đạt điểm và 93 người được tuyển dụng. Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa từng hùng hồn tuyên bố “không có cửa cho chạy chọt” trong thi tuyển công chức. Thế nhưng, lời nói đó đã không thành hiện thực bởi đúng 1 năm sau, hơn 30 nhân viên hợp đồng theo Nghị định 68 chẳng cần thi tuyển vẫn ung dung trở thành công chức!
Bình luận (0)