Ngày 10-1, Sở Khoa học - Công nghệ - Môi trường (KH-CN- MT) TPHCM cho biết sở vừa có công văn 043/SKHCNMT-MT đề nghị Thường trực UBND TP làm việc với 63 doanh nghiệp nằm dọc kênh Tham Lương nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện kế hoạch xử lý ô nhiễm. Các đơn vị này đóng trên địa bàn các quận Tân Bình, 12 và Gò Vấp. Hiện đã xác lập được danh sách cụ thể của 32 đơn vị sản xuất có thải nước vào kênh Tham Lương nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải.
Hồ sơ còn lưu tại Sở KH-CN-MT TP cho thấy, vấn đề các đơn vị sản xuất nằm dọc kênh Tham Lương gây ô nhiễm đã được TP đặt ra từ năm 2001. Theo công văn số 2384/UB-CNN “về việc giải quyết ô nhiễm cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) nằm dọc kênh Tham Lương gây ra” ngày 17-7-2001 do Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Thiện Nhân ký, UBND TP đã giao trách nhiệm cho Sở KH-CN-MT phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư tổ chức giới thiệu Quỹ Giảm thiểu ô nhiễm CN-TTCN, chương trình cho vay vốn kích cầu để các doanh nghiệp nói trên có thể đăng ký xin vay vốn tiến hành đổi mới công nghệ, sản xuất sạch hơn và xử lý chất thải của mình. Thậm chí, trong trường hợp nguồn vốn cho vay không đáp ứng đủ nhu cầu năm 2001, 2002, Sở KH-CN-MT, Sở Kế hoạch - Đầu tư làm ngay tờ trình UBND TP xin Chính phủ cho vay ưu đãi để các doanh nghiệp Trung ương trên địa bàn TP đổi mới thiết bị, di dời, thực hiện sản xuất sạch hơn và xử lý chất thải. Không chỉ về vốn, UBND TP còn chỉ đạo Sở KH-CN-MT phối hợp Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TP giới thiệu các công nghệ xử lý nước thải cùng các đơn vị, chuyên gia tư vấn về môi trường ở TP để giúp đỡ cho các doanh nghiệp giảm thiểu ô nhiễm. Bên cạnh chủ trương nói trên, UBND TP còn đề ra chỉ tiêu cụ thể đối với 20 doanh nghiệp phải hoàn tất việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải hạn chót đến ngày 31-12-2002.
Thế nhưng, như đã biết, vào những ngày cuối tháng 12-2002 đã xảy ra sự kiện dòng nước đen trên sông Sài Gòn. Các cuộc khảo sát sau đó do Sở KH-CN-MT phối hợp với Phân viện Khảo sát Quy hoạch thủy lợi Nam Bộ tiến hành vào 2 ngày 23 và 24-12-2002 đã xác định dòng nước đen trên sông Sài Gòn là do nước thải từ kênh Tham Lương. Phân viện Khảo sát Quy hoạch thủy lợi Nam Bộ đã kiến nghị chính quyền TP cần có biện pháp mạnh mẽ đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp ở xung quanh kênh Tham Lương-Bến Cát gây ra ô nhiễm. Các cơ sở sản xuất không đủ điều kiện xử lý nước thải bắt buộc phải đóng cửa hoặc di dời đến nơi quy định.
Vấn đề là ở chỗ, chủ trương của UBND TP có được các ban, ngành chức năng thực hiện đến nơi đến chốn?
2 giải pháp tạm thời và 1 biện pháp triệt để xử lý ô nhiễm Nguồn ô nhiễm trên đoạn sông Sài Gòn từ khu vực bán đảo Thanh Đa đến đoạn cầu Bình Phước là do nước thải từ kênh Tham Lương. Giải pháp trước mắt để giảm thiểu ô nhiễm trên sông Sài Gòn cần triển khai đồng bộ các dự án của Trung ương và địa phương bao gồm: Dự án bờ bao bờ hữu sông Sài Gòn trong đó có công trình ngăn ô nhiễm Tham Lương - Bến Cát. - Xây dựng cống Đá Hàn và cống Rạch Lăng ngoài nhiệm vụ kiểm soát lũ do triều cường còn có tác dụng hạn chế ô nhiễm từ Tham Lương - Bến Cát. - Dự án nạo vét kênh Tham Lương - Bến Cát. Nghiên cứu việc xây dựng công trình để giải quyết việc giáp nước đưa dòng chảy về một chiều tránh ô nhiễm thường xuyên. Xin lưu ý phải tính mô hình thủy lực và mô hình lan truyền chất để có cơ sở khoa học luận chứng việc đưa ô nhiễm từ Tham Lương sang Cần Giuộc, Long An giải quyết bài toán giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Để giải quyết triệt để nguồn ô nhiễm sông Sài Gòn, chính quyền TPHCM cần có biện pháp mạnh mẽ xử lý nguồn ô nhiễm điểm là các cơ sở sản xuất công nghiệp ở xung quanh kênh Tham Lương - Bến Cát. Các cơ sở sản xuất không đủ điều kiện xử lý nước thải bắt buộc phải đóng cửa hoặc di dời đến nơi quy định. Ngoài ra, TPHCM cần đẩy mạnh sự hợp tác với các cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành trong lưu vực sông Đồng Nai - Sài Gòn có chiến lược khai thác sử dụng một cách vững bền nguồn tài nguyên nước mặt của TPHCM. (Nguồn: Báo cáo tình hình ô nhiễm nước sông Sài Gòn tháng 12-2002 của Phân viện Khảo sát Quy hoạch thủy lợi Nam Bộ) |
Bình luận (0)