Cũng giống những sự kiện lịch sử khác, thời gian càng lùi xa, chúng ta càng có điều kiện đánh giá ý nghĩa sự kiện đầy đủ hơn, càng có thể suy ngẫm sâu hơn những kinh nghiệm thực tiễn, bổ ích cho hiện tại và tương lai.
* * *
Chúng ta ngược dòng thời gian, trở về tình hình cuộc chiến cuối năm 1967, khi chiến tranh cục bộ của Mỹ diễn ra ác liệt nhất và kẻ địch cũng ở vào thời điểm liên tục bị thất bại nặng nề sau hai mùa phản công chiến lược, nhất là trong chiến dịch “Tìm và diệt” Junction City đầu năm 1967.
Thất bại trên chiến trường Việt Nam tác động mạnh đến tình hình nước Mỹ, phong trào phản đối chiến tranh của nhân dân Mỹ lên cao, sự ủng hộ tổng thống qua thăm dò dư luận đã tụt từ 83% năm 1964 xuống còn 39%. Sự chia rẽ, hoang mang giữa phe chủ chiến và chủ hòa làm cho Tổng thống Johnson đứng giữa ngã ba đường...
Về phía ta, sự phối hợp đấu tranh thắng lợi trên các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao đã tạo ra thế và lực chủ động trên chiến trường, dù rằng về tương quan lực lượng, địch vẫn còn ưu thế hơn ta nhiều lần, kể cả tiềm lực có thể bổ sung về quân số và phương tiện chiến tranh.
Từ bối cảnh đó, xuất hiện một thời cơ quý báu có thể tập trung lực lượng cách mạng tạo ra một bước ngoặt lớn của cuộc chiến tranh. Trong chỉ đạo chiến tranh, thường thời cơ thuận lợi xuất hiện không kéo dài vì cả đôi bên đều tranh thủ tối đa để giành ưu thế về mình.
Do đó, Hội nghị Bộ Chính trị (tháng 12-1967) và Hội nghị Trung ương Đảng (tháng 1-1968) đã quyết định: “Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định”. Chúng ta hiểu “thắng lợi quyết định” là làm thay đổi cục diện chiến tranh, buộc địch phải thay đổi chiến lược, tạo cho ta có điều kiện thuận lợi nhất để tiến tới thắng lợi hoàn toàn.
Muốn vậy, phải chọn hướng chiến lược và cách đánh khiến địch bất ngờ, giáng vào những điểm hiểm yếu của chúng. Đó là: thọc sâu vào các đô thị, trọng điểm là Sài Gòn, nhằm vào các cơ quan đầu não chiến tranh của địch, vừa tiêu diệt sinh lực địch, vừa phá hủy các phương tiện chiến tranh; tiến công đồng loạt trên toàn miền vào thời điểm bất ngờ, sơ hở nhất của địch, thực hiện phương châm kết hợp công kích và nổi dậy. Tất cả đều nhằm vào mục tiêu, ý đồ lớn nhất là làm lung lay tận gốc ý chí xâm lược của Mỹ, buộc phải thay đổi chiến lược chiến tranh.
Cho đến nay, qua thực tế phát triển của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước sau Tết Mậu Thân, cần khẳng định lại một lần nữa rằng: Ý đồ chiến lược giành thắng lợi quyết định lúc đó của Trung ương là sáng suốt và đạt được thắng lợi to lớn, xoay chuyển được tình thế của cuộc chiến.
Về chỉ đạo thực hiện, chúng ta đã giữ bí mật, bất ngờ về cách đánh, nhờ đó chiếm được ưu thế, biến hậu phương địch thành tiền tuyến, gây cú sốc lớn đối với Mỹ. Hãng thông tấn AFP đã nhận xét: “Sức mạnh Hoa Kỳ đã mất ưu thế. Đội quân hùng mạnh nhất thế giới đã bị đẩy về thế phòng ngự trên toàn bộ lãnh thổ. Đã có lúc nó bị tràn ngập”.
Thật vậy, ta đã đồng loạt tiến công địch ở 4 thành phố, 37 thị xã và hàng trăm thị trấn trên toàn miền Nam, cùng với sự nổi dậy của quần chúng, mạnh nhất là hai thành phố lớn: Sài Gòn và Huế. Ở Sài Gòn, các vị trí sào huyệt của địch đã bị tiến công: Tòa Đại sứ Mỹ, Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Bộ Tư lệnh Hải quân, Biệt khu Thủ đô, Đài Phát thanh Sài Gòn v.v... Tại Huế, quân dân ta đã chiếm và làm chủ thành phố trong 26 ngày đêm, tổ chức đánh hàng trăm trận phản kích của địch.
Tư liệu về Tết Mậu Thân khá nhiều. Điều đặc biệt quan tâm của chúng ta là hiệu quả chính trị của sự kiện này như đồng chí Lê Duẩn hình tượng: “ném bom” dữ dội vào tình hình chính trị, trên lộ trình tiến đến toàn thắng của chúng ta.
Đối với nước Mỹ, có thể liệt kê một số sự kiện lớn như sau:
- Ngày 1-3-1968, Clark Clifford được cử làm Bộ trưởng Quốc phòng thay cho McNamara vì ông này chống chủ trương mở rộng chiến tranh và phải xét lại chiến lược quân sự của Mỹ ở Việt Nam.
- Ngày 22-3-1968, tướng Westmoreland, tổng chỉ huy quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam bị điều về làm tham mưu trưởng lục quân. Cần lưu ý rằng ông này đã đề nghị phải tăng thêm 206.000 quân sang Việt Nam, bác bỏ đề nghị ngừng ném bom miền Bắc; gợi ý khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật buộc Hà Nội phải suy nghĩ như hai quả bom nguyên tử đã bỏ xuống Nhật năm 1945.
- Ngày 25-3-1968, nhóm “người thông thái” gồm những chính khách đàn anh làm cố vấn cho Tổng thống Johnson đã họp bàn mà không thống nhất được ý kiến: 6 người đề nghị xuống thang chiến tranh, 2 đề nghị leo thang, 2 do dự. Tân Bộ trưởng Quốc phòng đề nghị chỉ đưa thêm 12.500 quân sang Việt Nam, còn Bộ trưởng Ngoại giao Dean Rusk đề nghị thương lượng đi đôi với ngừng ném bom từng phần ở miền Bắc Việt Nam. Trước những ý kiến đó, Tổng thống Mỹ càu nhàu: “Có ai đó đã bỏ thuốc độc vào giếng!”.
- Ngày 31-3-1968, Tổng thống Johnson đọc diễn văn, trong đó cho biết đã ra lệnh ngừng tiến công miền Bắc, trừ khu vực bắc khu phi quân sự và sẵn sàng thương lượng kết thúc chiến tranh. Riêng đoạn kết của bài diễn văn do ông ta tự viết, rút từ trong túi ra, không có trong bản văn đã phát cho các nhà báo. Ông ta cho rằng sức mạnh của Mỹ không phải ở vũ khí hùng mạnh hoặc ở của cải không bờ bến mà ở sự đoàn kết nhân dân, nhưng bây giờ sự ngờ vực, mất lòng tin, chia rẽ đảng phái đang phát triển và “tương lai nước Mỹ bị thử thách ở ngay trong nước”. Ông sẽ không dành một giờ hay một ngày nào cho nhiệm vụ “đáng khiếp sợ” của chức vụ tổng thống Mỹ và không tìm kiếm hoặc chấp nhận sự chỉ định của đảng ông ta cho một nhiệm kỳ tổng thống nữa.
Những sự kiện tiếp theo như chúng ta đã biết: Cuộc đàm phán giữa Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bắt đầu từ ngày 13-5-1968 ở Paris. Ngày 1-11-1968, Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom, bắn phá toàn bộ miền Bắc. Ngày
25-1-1969, bắt đầu cuộc đàm phán 4 bên và kết quả cuối cùng là ký Hiệp định Paris về Việt Nam, buộc Mỹ phải “cút” để ngụy phải “nhào” như Bác Hồ đã chỉ hướng.
Phải nói rằng phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ đã bùng lên mạnh mẽ từ sau sự kiện Tết Mậu Thân và có phần quyết liệt. Ví dụ “Cuộc chiến đấu Chicago” diễn ra vào tháng 8-1968 do Đảng Dân chủ Mỹ, đã đánh nhau với cảnh sát khiến hơn 800 người bị thương và gần 700 người vào nhà tù, trong đó có nhiều phóng viên. Ở các bang của Mỹ, những cuộc biểu tình đông đến hàng chục vạn người chống chiến tranh đã diễn ra thường xuyên, có cả những hình thức “ngừng hoạt động về Việt Nam”. Theo gương Morisson tự thiêu năm 1965 để chống chiến tranh, hai thanh niên 17 tuổi là Creg Badiali và John Fox đa tự sát tại nhà, nhân danh hòa bình, để thư lại giải thích rằng dùng cái chết nhằm gây xúc động khiến người ta quan tâm đến tính mạng con người...
Cũng phải ghi nhận sự phân hóa trong các nước đồng minh với Mỹ xâm lược Việt Nam sau sự kiện Tết Mậu Thân. Những đồng minh trực tiếp là Hàn Quốc, Thái Lan, Úc, gián tiếp là Tân Tây Lan và một số nước trong khối quân sự SEATO như Singapore, Malaysia v.v... đều phải xem xét lại sự dính líu của mình với Mỹ để khỏi chuốc lấy hậu quả khó lường.
Cũng sau Tết Mậu Thân, nhất là sau khi có hòa đàm giữa ta và Mỹ, mặt trận đoàn kết, ủng hộ Việt Nam của nhân dân thế giới càng được mở rộng, ở đây phải công nhận tác động khá mạnh của các phóng viên báo chí truyền hình chứng kiến sự kiện Tết Mậu Thân và hình ảnh Việt Cộng được thế giới biết đến rộng rãi hơn.
Không thể ghi nhận được hết ý nghĩa chính trị to lớn, toàn diện mà sự kiện Tết Mậu Thân đã tạo ra, kể cả đối với các tầng lớp nhân dân trong nước và trên thế giới. Chỉ có thể nhận định khái quát rằng: Không có thắng lợi của Tết Mậu Thân 1968 thì không có chuyện Mỹ cút và đương nhiên không có chuyện ngụy nhào ngày 30-4-1975. Trong diễn biến của tình hình chống Mỹ cứu nước ở miền Nam Việt Nam, có 3 sự kiện lịch sử lớn đánh dấu những cột mốc trưởng thành của nhân dân ta: Đó là Đồng Khởi - 1960, Tết Mậu Thân - 1968 và Đại thắng mùa Xuân 1975.
Bình luận (0)