Nghệ An: 3 người chết, 5 ngôi nhà bị tốc mái
Theo báo cáo nhanh từ Ban chỉ đạo PCLB - TKCN Nghệ An, đến 17 giờ chiều 31-7, trên địa bàn toàn tỉnh có 3 người chết vì mưa bão.
Huyện Anh Sơn có 1 nạn nhân là ông Phạm Xuân Tứ (68 tuổi, xã Thọ Sơn) bị điện giật chết vào chiều 30-7.
Một số trụ điện trên địa bàn xã Thọ Sơn bị gió giật gãy, dây diện rơi xuống trúng ông Tứ.
Huyện Yên Thành có 2 người chết, là chị Hoàng Thị Thu (20 tuổi, trú xã Quang Thành) bị nước cuốn trôi đêm 30-7, và em Trần Vũ Tài (SN 1998, trú xã Hậu Thành) bị rơi xuống kênh Vách Bắc chết đuối trong khi đi chăn trâu sáng 31-7. Hiện thi thể em Tài vẫn chưa được tìm thấy.
Cơn bão số 3 cũng khiến 5 căn nhà và 1 trường học ở huyện Anh Sơn bị tốc mái, 3.545 ha lúa và hoa màu bị ngập úng.
Cánh đồng muối 120 ha (ảnh trên) và cánh đồng tôm 25 hecta ở xã Quỳnh Thuận đã được che chắn, bảo vệ. Ảnh: T. Dũng
Trước đó, chiều tối 30-7, sau khi đi vào địa phận các tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An, bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Hồi 19 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc, 105,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Thanh Hóa - Nghệ An. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 - 49 km/giờ), giật cấp 7.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, ở vịnh Bắc Bộ đêm nay (30-7) còn có có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Biển động.
Ở các tỉnh phía nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Ở phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to. Vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.
Theo TTXVN, khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.
Trước đó, để ứng phó với cơn bão số 3, chính quyền tỉnh Nghệ An đã kịp triển khai nhiều phương án.
Cụ thể, vào lúc 15 giờ chiều nay, 30-7, gần 5.000 hộ dân của các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, TP Vinh đã được di dời ra khỏi khu vực có nguy cơ ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Tại thành phố Vinh, 109 hộ dân tại nhà C8, C9 chung cư Quang Trung đã được di dời tới Trường Mầm non Hòa Hồng và nhà A1 của chung cư Quang Trung vừa được khánh thành vào ngày 28-7.
Mọi nhu yếu phẩm thiếu yếu cũng đã được người dân chuẩn bị để đối phó với bão trong vòng 2 ngày tới.
Ông Phan Đình Trạc - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Nghệ An đã có chuyến thị sát kiểm tra tình hình phòng chống cơn bão số 3 tại thị xã Cửa Lò, đồng thời chỉ thị cho UBND thị xã Cửa Lò mở của tất cả các khách sạn để người dân có nơi trú bão, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Tại thị xã Cửa Lò, các khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ nước triều dâng như Nghi Thủy, Thu Thủy, Nghi Hải, Nghi Hương, công tác sơ tán đã được hoàn tất. Hơn bốn trăm tàu thuyền của ngư dân thị xã Cửa Lò đã được neo đậu an toàn.
Tại Nghi Lộc, UBND huyện đã chỉ đạo tập kết vật liệu để sẵn sàng ứng cứu nếu đập Nghi Kiều và đập Khe Thị bị vỡ.
Huyện cũng đã lên phương án di dời dân vùng dọc sông Cấm và vùng ven biển bao gồm các xã Nghi Yên, Nghi Thiết, Nghi Quang, Nghi Tiến, Phúc Thọ khi có triều cường dâng cao 3 mét.
Song song với công tác di dời dân, việc chuẩn bị các nhu yếu phẩm cần thiết để người dân tránh, trú bão cũng đã được khẩn trương thực hiện.
Để kịp thời ứng phó với cơn bão số 3, UBND tỉnh Nghệ An đã chuẩn bị 3 chiếc đầu kéo, 12 tàu cứu hộ, 44 xuồng nhằm tiếp cứu khi có tình huống khẩn cấp.
Sở công thương tỉnh Nghệ An cũng giao cho các doanh nghiệp chuẩn bị 200 tấn muối i-ốt, hơn 1 nghìn 500 lít dầu , 300 tấn gạo tẻ, 300 nghìn gói mỳ tôm để cấp phát cho nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng của bão.
Do dự kiến, khi cơn bão số 3 đổ bộ vào nước ta, tâm bão sẽ nhằm vào xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Tại xã này, vào giữa tháng 7 năm 2003, cũng cơn bão số 3 đã đổ bộ vào đây gây thiệt hại nặng nề. Rút kinh nghiệm, công tác phòng chống bão năm nay được chính quyền địa phương và người dân chuẩn bị sớm, chu đáo, dự kiến sẽ chịu được cơn bão cấp 9.
Cụ thể, công tác di dân trên địa bàn xã đã hoàn tất, hơn 2.000 tàu cá đã về cảng Lạch Quèn (xã Quỳnh Thuận) an toàn. Ngoài ra, công tác bảo vệ cánh đồng muối 120 hecta, cánh đồng tôm 25 hecta cũng đã được bảo đảm.
Hàng ngàn tàu thuyền đã về đến nơi trú ẩn an toàn. Ảnh: T. Dũng
Trước đó, có khoảng 2.058 tàu thuyền đã được chính quyền địa phương kêu gọi được vào bờ, còn khoảng 280 ha thủy hải sản nuôi trồng tôm chưa thu hoạch cần che chắn, bảo vệ. Đê biển được dự đoán sẽ an toàn, tuy nhiên có 10 xóm ở 3 xã của huyện Quỳnh Lưu phải di dân.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương sáng 30-7, Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát yêu cầu di dời 271.404 hộ dân tại các khu vực ảnh hưởng bão số 3 (Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) trước 12 giờ.
Lúc 4 giờ sáng nay, 30-7, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 19,5 độ vĩ Bắc, 108,4 độ kinh Đông, cách bờ biển Thái Bình - Hà Tĩnh khoảng 290 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 9-10 (89-102 km/giờ), giật cấp 11-12. Tại trạm đảo Cô Tô có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; ở trạm đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9.
Đến 7 giờ ngày 30-7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,5 độ vĩ Bắc; 107,9 độ kinh Đông, cách bờ biển Thái Bình - Hà Tĩnh khoảng 230 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (89 - 102 km/giờ), giật cấp 11, cấp 12.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây - Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25 km. Như vậy khoảng trưa nay, 30-7, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh.
Đến 16 giờ ngày 30-7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,4 độ vĩ Bắc, 106,0 độ kinh Đông, trên vùng bờ biển các tỉnh Thái Bình - Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 9 (75-88 km/giờ), giật cấp 10-11.
Vị trí và dự báo đường đi của bão số 3 - (Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương)
Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây - Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 4 giờ ngày 31 -7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 19,1 độ vĩ Bắc, 103,1 độ kinh Đông, trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6.
Do ảnh hưởng của bão, ở vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 11-12, có mưa rào và dông mạnh, biển động dữ dội. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh từ trưa 30-7 gió sẽ mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 10-11.
Ở phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Trong cơn dông cần đề phòng lốc xoáy. Vùng ven biển các tỉnh từ Hải Phòng đến Nghệ An cần đề phòng nước biển dâng kết hợp với triều cường cao từ 3-5 m.
Ngư dân huyện Diễn Châu (Nghệ An) tháo dỡ các thiết bị trên tàu để tránh bão. Ảnh: H. Anh
Ngoài ra, do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, ở khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8, mưa rào và dông mạnh, biển động. Trong cơn dông cần đề phòng lốc xoáy.
Cấp trung ương chỉ đạo, theo dõi sát sao
Tại cuộc họp giao ban Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương (Ban chỉ đạo) vào sáng 30-7, Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát, Trưởng Ban chỉ đạo, yêu cầu các địa phương phải di dời toàn bộ 271.404 hộ dân tại các khu vực chịu ảnh hưởng của bão số 3 gồm Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh trước 12 giờ trưa nay.
Ông Phát nhấn mạnh cơn bão này diễn biến khôn lường vì tốc độ thường xuyên thay đổi, thêm vào đó, còn còn chịu những tác động nhất định từ cơn bão Muifi đã hình thành ngoài khơi Philippines.
Ông Phát chỉ đạo tùy theo tình hình thực tế các địa phương chủ động cấm biển đối với các phương tiện hoạt động ở vịnh Bắc Bộ; tiếp tục hướng dẫn tàu thuyền, lồng bè vào nơi trú tránh an toàn. Triển khai bảo vệ đảm bảo an toàn các hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa xung yếu, phối hợp với các địa phương ở hạ du đảm bảo an toàn cho nhà dân và tài sản khi xả lũ; đảm bảo an toàn các hầm lò, bến cảng; các công trình đang thi công trên các tuyến đê biển, đê sông.
Bộ trưởng NN và PTNT Cao Đức Phát đang chỉ đạo tại cuộc họp ở Thanh Hóa vào sáng 30-7-2011. Ảnh: T.Dũng
Đồng thời, kiểm tra chặt chẽ việc dự trữ vật tư, phương tiện, thiết bị và lực lượng để sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra sự cố. Chủ động tiêu nước đệm bảo vệ các trà lúa mới cấy, các thành phố trong vùng ảnh hưởng sẵn sàng đối phó với ngập úng. Phân công cán bộ lãnh đạo, chuyên môn của các địa phương chịu ảnh hưởng của bão cần xuống các khu vực để chỉ đạo trực tiếp. triển khai phương án “4 tại chỗ”; đặc biệt là việc dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đề phòng bão và lũ lớn gây chia cắt dài ngày.
Theo báo cáo của Vụ Quản lý Công trình thủy lợi - Bộ NN và PTNT, hiện các hồ chứa do công ty thủy nông hoặc các huyện quản lý vừa và lớn có dung tích đạt 65 – 80% dung tích thiết kế. Một số hồ chứa đã tích đầy nước như hồ Vân Trục, Bò Lạc, Suối Sải thuộc tỉnh Vĩnh Phúc; hồ Kinh Môn của Quảng Trị đạt 90%; hồ A Yun Hạ, tỉnh Gia Lai đạt 99% và hồ Tuyền Lâm tỉnh Lâm Đồng đạt 97%.
Theo lãnh đạo Vụ Quản lý Công trình thủy lợi, hiện nay các công trình trong hệ thống thủy lợi đang sẵn sàng tiêu úng khi có yêu cầu. Các công trình đê điều đang thi công dở dang từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh đã được lãnh đạo các địa phương kiểm tra và có báo cáo về phương án bảo vệ, đối phó khi bão đổ bộ.
1 tàu chìm, 2 tàu hỏng
Theo báo cáo nhanh của bộ đội biên phòng, đến 6 giờ hôm nay, 30-7, đã thông báo được tổng số 42.215 tàu, thuyền/198.367 lao động và 1.980 lồng bè/4.136 người biết vị trí, diễn biến của bão.
Hoạt động ven bờ, neo đậu tại bến từ Quảng Ninh đến Quảng Bình: 29.425 tàu/115.059 lao động; hoạt động, neo đậu tại các khu vực khác: 12.768 tàu/82.998 lao động.
Riêng tàu QNg 95010 với 11 lao động của Quảng Ngãi bị sóng lớn đánh chìm ở khu vực quần đảo Trường Sa. 11 lao động trên được 1 tàu Philipines cứu vớt. Hiện ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Quảng Ngãi đang xác minh thông tin để làm thủ tục đưa ngư dân trở về.
4.400 tàu thuyền đã về nơi trú ẩn an toàn. Ảnh: H. Anh
Ngoài ra, còn có 2 tàu hư hỏng. Đó là tàu QB1312 của Quảng Bình với 9 lao động trên đường vào trú tránh bão bị sóng đánh gãy đuôi, đồn biên phòng 204 Quảng Trị đã cứu được 9 lao động đưa vào bờ an toàn lúc 9 giờ ngày 29-7-2011; tàu HP 1061 của Hải Phòng với 5 lao động trên đường vào tránh bão bị mất lái đâm vào kè đá bị vỡ mũi tàu, không có thiệt hại về người.
Các tỉnh, thành phố: Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh, Sóc Trăng đã có Công điện chỉ đạo các đơn vị triển khai các phương án phòng chống bão, rà soát, kiểm tra các trọng điểm xung yếu trên các hệ thống đê điều, hồ đập, các công trình đang thi công, triển khai phương án di dời, sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Tùy theo tình hình thực tế, các địa phương chủ động cấm biển đối với các phương tiện hoạt động; tiếp tục hướng dẫn tàu thuyền, lồng bè trên biển vào nơi trú tránh an toàn. Đồng thời, triển khai sơ tán dân ở khu vực ven biển, cửa sông, khu nuôi trồng thủy sản, khu không đảm bảo an toàn xong trước 12 giờ ngày 30-7; nghiêm cấm người ở lại các chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản và trên tàu thuyền tại khu neo đậu; và chuẩn bị sẵn sàng thực hiện phương án di dời đảm bảo an toàn dân cư ở các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống…
8 du khách bị sóng biển cuốn trôi được cứu thoát
Sáng, 30-7, tin từ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình) ghi nhận tất cả bệnh nhân được đưa vào cấp cứu vào sáng 29-7 do bị sóng biển cuốn trôi đã hồi phục sức khỏe và chuẩn bị xuất viện.
Trước đó, khoảng 6 giờ ngày 29-7, trên bãi biển Bảo Ninh-TP.Đồng Hới, khi đang tắm biển, do ảnh hưởng của bão số 3, sóng to và biển động nên 8 du khách ngoại tỉnh gồm 2 phụ nữ, 6 học sinh đã bị sóng đánh trôi và cuốn vào dòng nước chảy xiết.
Rất may, đội cứu hộ bãi tắm đã có mặt kịp thời và dùng mô tô nước đến cứu hộ được nên 8 người bị nạn. Khi được đưa lên bờ, 1 phụ nữ đã kiệt sức, người co giật nhưng đã được hô hấp nhân tạo và cứu sống kịp thời. Đội cứu hộ đã tiếp tục tìm kiếm nhưng không phát hiện thêm nạn nhân.
H.Ngọc |
Thanh Hóa: Di dời trên 32.000 dân khỏi vùng nguy hiểm
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, 10 giờ hôm nay, 30-7, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát đã dẫn đầu đoàn công tác vào đến tỉnh Thanh Hóa đôn đốc công tác phòng chống bão số 3.
Theo thống kê của tỉnh Thanh Hóa, hiện cả tỉnh có 31.077 hộ với 142.052 người sinh sống trong phạm vi 500m tính từ mép biển cần phải sơ tán khi có bão số 3 đổ bộ. Trong đó có 1/3 hộ và người trong phạm vi 200 m. Ngoài ra, còn có 40.510 hộ/162.491 người sinh sống ở khu vực bãi sông phải di dời khi có lũ lớn xảy ra; các huyện miền núi có 386 khu vực với 4.581 hộ/20.485 người trong khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.
Hôm nay, 30-7, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công điện yêu cầu các huyện ven biển kiểm tra, rà soát và chủ động sơ tán dân tại các vị trí nguy hiểm. Tổ chức sơ tán triệt để dân trong phạm vi 200 m tính từ mép nước tại 13 xã với số lượng 6.239 hộ/32.506 người xong trước 12 giờ ngày 30-7.
Theo đó, các xã được di dân trước gồm Hải Bình, Hải Thượng, Hải Thanh, Hải Hà, Nghi Sơn của huyện Tĩnh Gia; Quảng Thạch, Quảng Nham huyện Quảng Xương; Xóm Bến xã Hoằng Phụ huyện Hoằng Hóa; Nga Bạch huyện Nga Sơn; Đa Lộc, Minh Lộc, Ngư Lộc huyện Hậu Lộc; Quảng Cư của thị xã Sầm Sơm.
Từ đầu giờ sáng, tại 13 xã này, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đã chuẩn bị lương thực, nước uống và nhu yếu phẩm cần thiết cho dân và cùng bà con tổ chức di dân. Đồng thời ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết cơ quan khí tượng thủy văn thông báo bão số 3 đang có xu hướng di chuyển vào địa phận huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An nên trước mắt tỉnh Thanh Hóa chỉ di dân các khu vực trọng điểm.
Sáng sớm này, tỉnh Thanh Hóa đã có mưa và gió bắt đầu lớn. Trên các đường phố Thanh Hóa, người dân và lực lượng chức năng đã tiến hành chặt bớt cành cây và chằng chống nhà cửa.
Đáng ngại là hiện cả tỉnh Thanh Hóa có 10/34 hồ đập lớn đã tích đầy nước, có 107 hồ nhỏ không đảm bảo an toàn. Tỉnh đã chỉ đạo không được tích nước 18 hồ và 89 hồ chỉ tích nước một phần. Tỉnh đã có phương án dự trữ lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm… Cụ thể là 590 tấn gạo, mì tôm, trên 10.000 thùng nước, 1.000 tấn muối I-ốt, 36.500 mét vải bạt, ni lon, trên 1,6 triệu lít xăng dầu… Ngoài ra, còn huy động hàng trăm phương tiện, thiết bị, máy xúc, nhà bạt… đề phòng mưa bão kéo dài.
Ông Phan Đình Phùng – Trưởng ban Quản lý dự án thủy lợi 3 (Bộ NN và PTNT), quản lý hồ Cửa Đạt (dung tích 1,4 tỉ m3, hiện đã tích 720 triệu m3). Đây là hồ chứa lớn nhất tỉnh Thanh Hóa, toàn bộ khu vực đập của hồ đều được lắp đặt camera theo dõi lượng nước xả. Dung tích hồ có khả năng cắt lũ 300 triệu m3, hiện mới chứa chưa đến 80 triệu, do vậy còn 220 triệu m3. Hiện chưa đến mức báo động 1 và dự báo không đáng ngại.
Lãnh đạo Bộ NN và PTNN xuống tận các nơi xung yếu tỉnh Thanh Hóa để thị sát và đôn đốc công tác phòng chống bão số 3. Ảnh: T.Dũng
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Mai Văn Ninh cho biết hiện chỉ lo ngại đoạn đê Tả sông Yên ở Quảng Xương đang thi công, chưa hoàn tất mặt bê tông đê phía sông. Ngoài ra, còn có một số diện tích mới gieo cấy, nếu mưa lớn sẽ ngập úng và có thiệt hại. Ông Ninh lo ngại, nếu sạt lở chia cắt đường giao thông lên huyện Mường Lát thì việc cứu trợ sẽ khó khăn.
Có mặt trong đoàn công tác, ông Nguyễn Xuân Diệu, Tổng cục phó Tổng cục Thủy lợi, cho biết dự báo cơn bão số 3 không tạo ra trận mưa cực đoan như năm 2007 nên phần nào yên tâm hơn. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho hồ Cửa Đạt thì Thanh Hóa cần làm tốt việc chống lũ ở hạ du.
Sau khi nghe tỉnh Thanh Hóa thông báo tình hình, ông Phát cho nhấn mạnh việc kêu gọi, quản lý tàu thuyền và an toàn bảo đảm công trình thủy lợi, nhất là công trình trọng điểm. Dù Chính phủ đang thắt chặt chi tiêu công nhưng đối với đê điều và phòng bão lụt, Bộ NN và PTNT sẽ đề xuất cấp vốn để đầu tư.
Nghệ An: Ở chung cư xuống cấp cũng di dời
Ngoài việc gửi công điện khẩn yêu cầu chủ động phòng chống bão số 3, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các đơn vị hoãn tất cả các cuộc họp chưa cần thiết để tập trung phòng chống và đối phó với bão; đồng thời tổ chức lực lượng hướng dẫn, giúp đỡ người dân chằng chống nhà cửa, bảo vệ các công trình thiết yếu, chủ động các phương án sơ tán đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Hôm nay, 30-7, các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò sẽ tổ chức di dời 14.837 hộ/74.125 người ra khỏi khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của bão. Đồng thời, các huyện miền núi cao đang lên phương án sơ tán gần 10.000 hộ dân ra khỏi 240 điểm có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Chung cư C8,C9 Quang Trung - nơi chuẩn bị di dời 109 hộ dân để tránh bão - Ảnh: H. Anh
Tại thành phố Vinh, phương án di dời 109 hộ dân hiện đang sinh sống tại Chung cư C8, C9 Quang Trung đang được khẩn trương thực hiện và dự kiến đến 18 giờ chiều nay, công tác di dời sẽ được hoàn tất. Hiện chung cư này đang bị xuống cấp nghiêm trọng.
Hiện tại 4.400 tàu, thuyền với hơn 22.500 ngư dân đánh bắt trên biển đã vào trú ẩn an toàn trong các cửa sông, cảng lạch.
Có mặt tại Quỳnh Lưu - Nghệ An vào chiều 30-7, PV Báo Người Lao Động ghi nhận, gió đã giật cấp 12-13, lớn hơn cơn bão số 3 năm 2010 cũng tâm bão vào Quỳnh Lưu nhưng gió chỉ tới cấp 10-11. Ông Phúc Hợp, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An, cho biết 2.058 tàu thuyền đã kêu gọi được vào bờ, còn khoảng 280 ha thủy hải sản nuôi trồng tôm chưa thu hoạch. Tuy có thể yên tâm về đê biển nhưng có 10 xóm ở 3 xã phải di dân.
Được biết, từ 17g đến 19g, bão cấp 8 sẽ đổ bộ vào khu vực giữa 2 tỉnh Thanh Hóa và phía Bắc huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An).
Bình luận (0)