Hôm nay (8-12), Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện ATGT (2011-2015) và triển khai nhiệm vụ năm 2016.
Giảm tai nạn giao thông
Báo cáo của Ủy ban ATGT quốc gia về tổng kết 5 năm công tác bảo đảm trật tự ATGT và sơ kết 4 năm thực hiện Nghị quyết số 88/NQ-CP của Chính phủ về “Tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự ATGT” cho thấy tình hình trật tự ATGT đã được kiềm chế. Tai nạn giao thông (TNGT) giảm liên tục cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) so với 5 năm trước. Đặc biệt, năm 2014 là năm đầu tiên trong vòng 14 năm qua, số người thiệt mạng do TNGT giảm xuống dưới 9.000 người trong điều kiện phương tiện cơ giới tiếp tục tăng nhanh (ô tô tăng 9,4%/năm và mô tô tăng 7,14%/năm).
Theo Cục CSGT (Bộ Công an) và Cục Hàng hải Việt Nam, trong 5 năm qua, toàn quốc xảy ra 158.125 vụ TNGT làm chết 48.015 người, bị thương 162.058 người, giảm 18,06% số vụ và 20,52% số người chết so với 5 năm trước đây. Lực lượng CSGT đường bộ đã xử lý hơn 27,5 triệu trường hợp vi phạm, phạt hơn 12.200 tỉ đồng; tước giấy phép lái xe 945.395 trường hợp; tạm giữ 55.368 lượt ô tô và hơn 1,2 triệu lượt mô tô.
Từ năm 2014 đến nay, xác định gốc của TNGT là hoạt động vận tải, Ủy ban ATGT quốc gia đã tham mưu Chính phủ lấy chủ đề năm ATGT là “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”. Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phối hợp đưa vào hoạt động 63 trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động 24/24 và tích hợp dữ liệu qua phần mềm giám sát quản lý dữ liệu tải trọng xe. Tình trạng xe quá tải đã giảm đến 85%.
Hạn chế ùn tắc
Thời gian qua, Hà Nội và TP HCM đã triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm từng bước khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn như: cho nghỉ Tết sớm, hoàn thành các tuyến đường vành đai, lắp đặt cầu vượt tại những nút giao thông trọng điểm; đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường trên các tuyến phố chính... Vì vậy, tình trạng ùn tắc đã được khắc phục, hạn chế.
Trong 5 năm qua trên toàn quốc xảy ra 677 trường hợp ùn tắc giao thông kéo dài, chủ yếu trên các tuyến quốc lộ trọng điểm và khu vực đông dân cư, đô thị lớn thuộc các địa phương Thanh Hóa, Yên Bái, Thừa Thiên - Huế, Hà Nội, TP HCM, Đồng Nai... Nguyên nhân chính do TNGT, xe hỏng, sạt lở, sửa chữa, thi công cầu, đường và lễ hội. Hiện Hà Nội còn 44 điểm ùn tắc, giảm 34 điểm so với năm 2011. TP HCM không còn vụ ùn tắc giao thông trên 30 phút.
Tuy nhiên, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, cho biết trong thời gian gần đây, ùn tắc giao thông kéo dài tại các thành phố lớn, đặc biệt là ở Hà Nội và TP HCM, có diễn biến phức tạp. Trong mùa mưa, lũ thường gây sạt lở đất, ngập sâu, đã gây ùn tắc giao thông tại một số địa phương. Các tỉnh phía Nam tuy không xảy ra mưa, lũ lớn nhưng do ảnh hưởng của mưa và triều cường đã gây ra hiện tượng úng ngập cục bộ dẫn đến ùn tắc giao thông tại TP HCM, Biên Hòa.
Ủy ban ATGT quốc gia đặt ra mục tiêu hằng năm giảm từ 5%-10% số vụ, số người chết, số người bị thương; tiếp tục kéo giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn. Tiếp tục thực hiện năm ATGT hằng năm với từng chủ đề phù hợp, với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”.
Xe quá tải thách thức CSGT
Trong vòng một tuần, từ khi phát hiện Thanh tra giao thông và CSGT tỉnh Nghệ An lập trạm kiểm soát trên Quốc lộ 7 vào ngày 1-7, hàng trăm xe chở nông sản, gỗ quá khổ, quá tải từ Lào về Việt Nam tìm mọi cách đối phó.
Ông Phan Huy Chương, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Nghệ An, cho biết các xe này đi đến gần trạm thì tấp vào những bãi đất trống. Tài xế xuống xe chờ khi lực lượng chức năng lơ là sẽ phóng qua trạm. Việc kiểm tra, xử lý xe quá tải trên Quốc lộ 7 gặp nhiều khó khăn do lực lượng chức năng mỏng, không thể tuần tra, kiểm soát 24/24.
Theo ông Nguyễn Trọng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, tất cả xe qua cửa khẩu đều không quá tải. Sau đó, tài xế mới cho dồn hàng hóa trên 2 xe thành một để giảm cước phí.
Đ.Ngọc
Bình luận (0)