Ngày 27-11, quyết định phục hồi điều tra vụ án “Giết người, gây rối trật tự công cộng” tại quán cà phê Lynda năm 1996 đã được công bố. Cùng lúc, bốn bị can Nguyễn Văn Vạn (1953), ngụ tại đường Đoàn Văn Bơ, P.13, Q.4; Nguyễn Văn Hạnh (1956), Nguyễn Văn Hùng Dũng (1968), Quách Thành Phương (1977), cùng ngụ tại đường Tôn Đản, P.10, Q.4 đã tra tay vào còng lần thứ hai. Đây là vụ án đã trải qua 6 năm nhưng kẻ thủ ác vẫn chưa được xác định rõ ràng.
Ẩu đả do... sĩ diện với bạn gái.- Trưa 19-12-1996, Nguyễn Thanh Vân (1976) - con ông Nguyễn Văn Vạn và Phạm Văn Sơn (1969), ngụ tại cư xá Nguyễn Trung Hiếu, P.11, Q.3 gây gổ bắt đầu từ chuyện... sĩ diện với bạn gái của Vân. Vân dùng tay đánh Sơn một cái, Sơn chạy lại quầy nước lấy một con dao Thái Lan đâm trúng cùi chỏ tay trái của Vân làm rách da chảy máu. Vân chạy ra ngoài lấy xẻng định đánh Sơn nhưng Sơn né được nên xẻng chỉ trúng vào đầu xe Dream của chủ quán. Đúng lúc này, Vân gặp Nguyễn Thị Quỳnh Như là bạn gái của Nguyễn Khắc Đại chạy qua, Vân bảo Như chạy về nhà báo cho gia đình Vân biết.
Hai kết luận điều tra bị bỏ qua.- Tại cả hai bản kết luận điều tra ngày 23-7-1997 và kết luận điều tra bổ sung ngày 8-5-2000 của Phòng Cảnh sát Điều tra (CSĐT) Công an TPHCM đều khẳng định: “Sau khi nghe Quỳnh Như báo tin, Nguyễn Khắc Đại (anh em chú bác với Vân), Nguyễn Văn Hạnh (chú Vân), Nguyễn Văn Hùng Dũng (chú Vân), Nguyễn Văn Vạn (cha Vân) cùng Quách Thành Phương (bạn Đại), Võ Văn Minh chạy đến quán Lynda. Bọn chúng dùng mã tấu và kiếm chém bàn ghế tủ, sau đó xông vào phía trong nhà. Dũng và Đại đâm chém anh Nguyễn Phương Nam (con chủ quán). Vạn và Hạnh đâm chém anh Quân (em chủ quán) lúc anh Quân đang nằm trên giường. Ngay sau đó Vạn dùng kiếm chém một nhát vào cổ tay trái của Nam làm đứt toàn bộ cơ bàn tay”. Theo biên bản giám định pháp y thì Nguyễn Phương Nam bị thương tật tỉ lệ 41% vĩnh viễn; Lê Hồng Quân chết trên đường đi cấp cứu. Chính vì thế, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã đề nghị truy tố Đại về tội “Giết người, gây rối trật tự công cộng”, Vạn, Hạnh, Hùng Dũng tội “Giết người”, Phương, Minh, Quỳnh Như, Vân, Sơn tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Ảo thuật nhận tội thay.- Sau khi gây án, Đại, Hạnh, Vạn, Phương, Minh, Hùng Dũng, Quỳnh Như đồng loạt bỏ trốn rồi lần lượt ra đầu thú. Khi thụ lý hồ sơ, điều tra viên Phòng CSĐT - Công an TPHCM đã nhận định: Các bị can bỏ trốn, dàn xếp chuyện khai báo để đối phó với cơ quan điều tra rồi mới ra đầu thú. Trong quá trình điều tra, các bị can khai báo quanh co, mâu thuẫn nhằm che giấu hành vi phạm tội của mình và đồng bọn. Đại đã nhận tội thay cho chú, cha mình, nhưng căn cứ vào lời khai của các nhân chứng, nạn nhân thì không thể phủ nhận hành vi phạm tội của các bị can khác.
Thế nhưng, khi hồ sơ chuyển sang VKSND TPHCM thì đã bị trả lại ngày 10-9-1997. Xét thấy đây là vụ án phức tạp, VKSND TP đã họp Ủy ban Kiểm sát nhiều lần để duyệt án. VKSND Tối cao cũng phải vào cuộc với công văn yêu cầu Phòng CSĐT Công an TPHCM điều tra bổ sung 10 mục. Ngày 15-2-2000, VKSND Tối cao lại có công văn thống nhất với nhận định của VKSND TPHCM về “chứng cứ buộc tội Vạn, Hạnh, Dũng và Quỳnh Như yếu”. Chính vì vậy ngày 31-7-2000, VKSND TPHCM có quyết định đình chỉ điều tra đối với Vạn, Hạnh, Dũng, Quỳnh Như.
Ngày 1-8-2000, VKSND TP có cáo trạng truy tố Nguyễn Khắc Đại tội “Giết người, gây rối trật tự công cộng”; Quách Thành Phương, Võ Văn Minh, Nguyễn Thanh Vân, Phạm Văn Sơn tội “Gây rối trật tự công cộng”. Vụ án đã qua hai lần xét xử: sơ thẩm hồi tháng 10-2001 và phúc thẩm hồi tháng 7-2002. Tại cả hai phiên tòa này, chủ tọa phiên tòa đều nhận định Nguyễn Văn Vạn, Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Văn Hùng Dũng là đồng phạm với Đại về tội “Giết người”. Tuy nhiên, tại phiên sơ thẩm, chủ tọa vẫn không thể đưa Vạn, Hạnh, Dũng vào tố tụng được vì VKS đã đình chỉ điều tra đối với những người này. Nhờ quyết định “hủy toàn bộ án sơ thẩm, giao hồ sơ về cấp sơ thẩm điều tra, truy tố, xét xử lại từ đầu” của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM nên các cơ quan pháp luật tại TPHCM mới có điều kiện xem xét lại sự thật vụ án một cách khách quan.
Bình luận (0)