Cách đây 60 năm, sau Hiệp định Genève, thực hiện chủ trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ, hệ thống trường học sinh miền Nam trên đất Bắc đã được thành lập. Từ tháng 10-1954, hàng ngàn thiếu nhi, học sinh miền Nam đã xuống những chiếc tàu thủy lớn của Ba Lan, Liên Xô ở cảng Quy Nhơn (Bình Định) và cảng sông Ông Đốc (Cà Mau) tập kết lên các bến cảng Cửa Hội (Nghệ An) và Sầm Sơn (Thanh Hóa) trong sự đón tiếp nồng nhiệt của đồng bào miền Bắc. Trong 21 năm (1954-1975), gần 30 trường học sinh miền Nam được thành lập không chỉ ở miền Bắc mà còn sang tận Trung Quốc, CHDC Đức. Hơn 32.000 học sinh đã được học tập, rèn luyện và trưởng thành từ những mái trường này.
Đến từ TP HCM, bác Đỗ Văn Nghinh (70 tuổi) bày tỏ “Đồng bào miền Bắc đã chăm lo và coi chúng tôi như con em ruột thịt trong gia đình”.
Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định trường học sinh miền Nam trên đất Bắc là một trang vẻ vang trong lịch sử giáo dục của nước nhà, là một trong những mô hình giáo dục thành công nhất của nền giáo dục - đào tạo cách mạng của nước ta. Nhiều người được nuôi dạy ở các trường học sinh miền Nam đã tham gia trực tiếp vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Nhiều người đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường. Khi đất nước thống nhất, phần lớn học sinh miền Nam trở về quê hương, có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng Tổ quốc. Nhiều người trở thành cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, nhà nước và địa phương.
“Dù giữ cương vị nào, những cán bộ được nuôi, dạy, đào tạo trong hệ thống trường học sinh miền Nam trên đất Bắc đều trung thành vô hạn với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân, sống có lý tưởng, xả thân vì nghĩa lớn; kính trọng mang ơn người thầy và nặng nghĩa tình anh em ruột thịt với nhân dân miền Bắc” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Bình luận (0)