Về đến nước nhà đầu tháng 2-1941, đồng chí Nguyễn Ái Quốc viết bài báo đầu tiên mang tiêu đề “Nên học sử ta”. Trong bài báo có đoạn: “Đời Trần, quân Nguyên đánh đâu được đó, chiếm nửa châu Âu và nước Tàu, thế mà 3 lần bị ông Trần Hưng Đạo đánh tan. Bình dân như ông Lê Lợi và ông Nguyễn Huệ đã đánh đuổi quân Tàu làm cho nước ta độc lập”. Nguồn gốc của những thắng lợi rực rỡ kể trên, tác giả nêu cao bài học: “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do”. (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, trang 216).
Muôn người như một
Hơn 30 năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, đồng chí Nguyễn Ái Quốc càng thấy đoàn kết muôn người như một của ông cha ta từ bao đời đã phát huy sức mạnh toàn dân tộc để bảo vệ Tổ quốc dù giặc ngoại xâm mạnh đến đâu.
Hội nghị Trung ương lần thứ 8 họp tại Pắc Bó, Cao Bằng tháng 5-1941 đã thành lập Mặt trận Việt Minh, đoàn kết đúng với truyền thống của ông cha, mọi người Việt Nam đều yêu nước và tham gia Mặt trận Việt Minh, không phân biệt đối xử với bất cứ ai, trong lòng dân tộc không có hận thù. Báo Việt Nam độc lập là diễn đàn đầu tiên của Mặt trận Việt Minh, tổng biên tập là Nguyễn Ái Quốc. Số báo đầu tiên có 2 câu trên đầu trang nhất:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng.
Đó cũng là tuyên ngôn của tờ báo do lãnh tụ tối cao của Đảng là tổng biên tập; mọi bài vở, tin tức đều tuyên truyền giáo dục lòng thương yêu, đùm bọc, cưu mang nhau; người giác ngộ trước giúp đỡ, lôi cuốn người giác ngộ sau, không ai bỏ ai. Đạo đức, lối sống của ông cha ta vô cùng cao đẹp, nỗi đau của mỗi người là nỗi đau của mọi người qua câu nói cửa miệng: Thương người như thể thương thân.
Người dân Hà Nội dự lễ mít tinh biểu dương lực lượng tại Quảng trường Nhà hát Lớn ngày 19-8-1945. Ảnh TƯ LIỆU
Phát xít Đức tiến công Liên Xô càng thúc đẩy các tổ chức Đảng thực hiện đoàn kết muôn người như một càng sớm càng tốt, chuẩn bị gấp rút đón thời cơ quân đội Liên Xô và quân Đồng minh tiêu diệt bè lũ phát xít để tổng khởi nghĩa. Mặt trận Việt Minh một số địa phương đã tổ chức chính quyền cách mạng, nơi có chính quyền đồng chí Nguyễn Ái Quốc gọi là “Xã hoàn toàn”, “Tổng hoàn toàn”, “Châu” (huyện) hoàn toàn”. “Hoàn toàn” được hiểu chính quyền cách mạng là của mọi người dân do dân trong xã, tổng, châu bầu ra. Tỉnh nào cũng có một số xã đã có chính quyền cách mạng, có tỉnh chính quyền đã thành lập đến cấp huyện.
Riêng huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, Mặt trận Việt Minh đã làm chủ từ đầu năm 1944. Các chánh, phó tổng và hơn 90% lý trưởng, phó lý đã là Việt Minh; có người đã là đảng viên nhưng bề ngoài vẫn do địch điều khiển. Chủ tịch huyện cũng đã là Việt Minh nhưng thỉnh thoảng vẫn gọi điện cho bọn chỉ huy Nhật ở thị xã Bắc Giang cam kết ngày nào ông còn là tri huyện Hiệp Hòa, Việt Minh không thể đặt chân đến.
Thường vụ Trung ương tổ chức một số cuộc họp cấp cao tại đây và trường lớp đào tạo cán bộ đóng tại đây rất an toàn. Chính quyền còn do địch nắm giữ, Đảng hoạt động bí mật, cơ sở của Đảng cũng phải giữ bí mật, nhất là những cơ sở là quan chức, hào lý đang cầm quyền, vẫn bị dân căm ghét gọi là tay sai của địch, là Việt gian. Một số lãnh đạo của Đảng đã hoạt động tại huyện Hiệp Hòa, xây dựng cơ sở Đảng làm nơi né tránh mỗi khi địch khủng bố. Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt, Ngô Gia Tự đã có nhiều cơ sở ở đây. Huyện Hiệp Hòa đã trở thành An toàn khu 2 của Thường vụ Trung ương. An toàn khu 1 là nơi Tổng Bí thư và Thường vụ Trung ương làm việc hằng ngày, đóng tại Đình Bảng, Bắc Ninh.
Người người, nhà nhà làm cơ sở Đảng
Quân đội Liên Xô đã tiến vào đất Đức, cuộc tổng khởi nghĩa rất có thể xảy ra trong những tháng tới. Hội nghị quân sự cách mạng Bắc kỳ họp từ ngày 15 đến 20-4-1945 do Tổng Bí thư Trường Chinh chủ trì, tập trung bàn đến chuẩn bị cuộc tổng khởi nghĩa đã đến đâu, quân sự đã trở thành quan trọng hơn cả, nhất là theo tin từ nước ngoài quân Đồng minh có thể đổ bộ vào Đông Dương.
Được coi là hội nghị cuối cùng trước khi tổng khởi nghĩa, các lãnh đạo cấp cao đều dự hội nghị: Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Chu Văn Tấn, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Lê Thanh Nghị… Hội nghị quyết định thành lập ngay 7 chiến khu trong cả nước: Bắc Kỳ có chiến khu Lê Lợi, chiến khu Hoàng Hoa Thám, chiến khu Quang Trung; Nam Kỳ có chiến khu Nguyễn Tri Phương; Trung Kỳ có chiến khu Phan Đình Phùng, chiến khu Trưng Trắc. Liên lạc giữa các chiến khu cần bảo đảm thông suốt. Hội nghị cử ra Ủy ban Quân sự Bắc Kỳ chỉ huy các chiến khu miền Bắc Đông Dương, đồng thời có nhiệm vụ phối hợp, giúp đỡ cho toàn quốc về mặt quân sự.
Một hội nghị rất quan trọng, các lãnh đạo chủ chốt của Đảng, nhất là các chỉ huy lực lượng võ trang, đều có mặt, cần có nơi họp bảo đảm an toàn. Chính quyền còn do địch nắm giữ. Nếu lộ, chúng sẽ tập trung quân đánh phá. Nơi tổ chức hội nghị là An toàn khu 2, họp tại nhà ông Ngô Văn Đông - lý trưởng xã Liễu Ngạn, huyện Hiệp Hòa. Nhà ông rộng rãi, các đại biểu họp thoải mái. Ông Ngô Văn Đông là cơ sở của Đảng đã mấy năm, một số cuộc họp của Đảng đã tổ chức tại nhà ông. Xã Liễu Ngạn có đội tự vệ, dân quân khá đông, mấy xã xung quanh cũng có đội dân quân tự vệ cùng hệ thống báo động liên hoàn, đã thực tập để đề phòng khả năng xấu nhất có thể xảy ra.
Sau hội nghị quân sự Bắc kỳ 4 tháng, người dân Hà Nội đã tổ chức cuộc biểu tình tuần hành vào ngày 17-8 làm chủ TP và đến ngày 19-8, thủ đô đã giành chính quyền, mở đường cho cả nước nổi dậy, địa phương giành chính quyền chậm nhất là cuối tháng 8-1945.
An toàn khu 2 của Thường vụ Trung ương, các cơ sở chí cốt của Đảng đều là hào lý đang cầm quyền của địch. Các cơ sở này đều giàu có hầu hết còn là địa chủ và cũng là những người yêu nước. Cho đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, An toàn khu 2 đã hoàn thành nhiệm vụ. Nếu không có đoàn kết muôn người như một, làm sao có thể nổi dậy thành công giữa lòng địch như thế!
Ai cũng biết là cơ sở của Đảng Cộng sản, nếu để địch phát hiện thì không chỉ mất mạng mà còn tan cửa nát nhà ngay nhưng họ vẫn làm cơ sở của Đảng vì biết rõ chỉ có Đảng mới có thể cứu nước, cứu nhà.
Bình luận (0)