53.000 tấn rác lơ lửng trong 5 rạch chính
Theo thống kê, toàn TP hiện có trên 43.000 nhà trên và ven sông, kênh, rạch. Ngoài ra, hàng ngày có khoảng 1.000 ghe thuyền neo đậu và đi lại. Theo Sở Giao thông Công chánh TPHCM, đây là đối tượng chủ yếu thải rác xuống lòng kênh rạch. Không chỉ có thế, gần 30 khu vực thu mua dừa... cũng góp phần không nhỏ xả rác xuống lòng kênh rạch. Hậu quả, mỗi ngày 5 tuyến kênh rạch phải hứng gần 100 tấn rác thải với độ dày lớp rác trung bình từ 10 đến 40 cm. Công ty Môi trường Đô thị TP cho biết, đó là chưa kể đến 237 tấn lục bình cần được vớt lên từ sông, kênh, rạch.
Kết quả khảo sát của Công ty Tư vấn Xây dựng tổng hợp, đơn vị thực hiện việc điều tra các số liệu liên quan đến dự án lấy rác trên kênh rạch TP cho biết, tổng khối lượng rác lơ lửng trong 5 rạch chính hiện nay trên 53.000 tấn. Tại các khu vực này, hàm lượng oxy hòa tan (DO) rất thấp, chỉ số COD và E. Coli (chỉ số vi khuẩn lây bệnh đường ruột) đều vượt tiêu chuẩn cho phép. Đó là chưa kể lớp rác đọng, đóng chặt dưới các đáy kênh. Theo Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường TP, rác ứ đọng lâu ngày sẽ tạo điều kiện cho những khí độc hại từ những chất thải khó phân hủy thành mùi hôi thối như: H2S, NH3 và khí biogas thoát ra gây mùi rất khó chịu. Tất nhiên, các loại khí này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người đi lại đường thủy và dân cư sống hai bên bờ sông, kênh rạch. Rác ứ đọng cũng làm giảm khả năng tiêu thoát nước cho lưu vực, gây nên tình trạng ngập nghẹt đáng lo ngại. Trưởng Trạm Quản lý đường sông số 1, Khu Đường sông TP cho biết thêm, ghe, tàu rất sợ đi qua những đoạn kênh rạch có nhiều rác vì thường xuyên bị kẹt lại do rác quấn vào chân vịt.
Cần một giải pháp đồng bộ
Hiện nay, mặc dù TP đã thực hiện việc vớt rác trên kênh rạch tại một số khu vực như: kênh Đôi - Tàu Hũ, một phần kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tân Hóa - Lò Gốm. Tuy nhiên, do chỉ mới thực hiện ở một đoạn nhỏ của các kênh trên nên rác ở những khu vực khác vẫn tiếp tục trôi dạt về và đâu lại hoàn đấy. Rác vẫn trôi nổi và tồn đọng trên kênh. Cụ thể, TP đã tốn rất nhiều công sức và tiền của để cải tạo môi trường sống của khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Tuy nhiên không bao lâu, đoạn kênh này đã bắt đầu ô nhiễm trở lại, trong đó rác thải góp một phần không nhỏ. Như vậy, nếu không thực hiện việc vớt rác trên kênh rạch một cách đồng bộ thì e rằng những gì TP đang làm sẽ như muối bỏ bể, vừa tốn công, vừa tốn sức!
Để giải quyết triệt để sự ô nhiễm môi trường trên các kênh rạch, đảm bảo vẻ mỹ quan đô thị và môi trường trong lành cho TP, việc nạo vét thông thoáng các kênh rạch đang là vấn đề bức xúc cần được TP quan tâm. Vừa qua, UBND TP đã chính thức phê duyệt 3 dự án cải tạo rạch Xóm Củi, kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên và rạch Xuyên Tâm với tổng kinh phí trên 300 tỉ đồng. Trong đó, bao gồm cả việc nạo vét kênh lẫn giải tỏa các hộ dân đang sống ven kênh rạch. Tuy nhiên, để các dự án trên được thực hiện phải còn mất một thời gian khá dài. Như vậy, trong khi chờ đợi thực hiện chương trình cải tạo toàn diện sông rạch, việc xây dựng một hệ thống vớt rác trên sông, kênh, rạch toàn TP là điều cần thiết đầu tiên và không thể chậm trễ.
Sắp phát hành tem phạt ô nhiễm môi trường Rác ở trên kênh rạch chủ yếu là do ý thức giữ vệ sinh môi trường của nhiều người dân còn quá kém, nhất là những hộ dân sống ven kênh rạch. Việc xả rác một cách tự do trên kênh rạch như hiện nay không những gây ô nhiễm trầm trọng ảnh hưởng đến môi trường sống, mà sau này TP còn tốn rất nhiều tiền và công sức để thực hiện các công trình cải thiện môi trường kênh rạch. Do đó, chúng tôi xin kêu gọi mỗi người dân hãy tự giác không xả rác bừa bãi trên kênh rạch để bảo vệ môi trường sống của chính mình và cho những người xung quanh. Hiện nay, các ngành chức năng của TP đang chuẩn bị rốt ráo để nhanh chóng phát hành tem phạt cũng như xây dựng một lực lượng có đầy đủ thẩm quyền để thực hiện việc xử phạt nghiêm khắc những hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Ông Trần Đại Đồng, phó giám đốc Công ty Môi trường đô thị TPHCM:
Bình luận (0)