Sống trong sợ hãi
Trao đổi với PV Thanh Niên qua điện thoại, thủy thủ Nguyễn Tiến Anh (32 tuổi, quê xã Kỳ Khang, H.Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết tàu Tai Yuan 227 (Đài Loan) đã được trả tự do từ ngày 31-1 (tức ngày 28 Tết Tân Mão). Hiện tàu đang đỗ tại cảng Colombo chờ đại lý tàu Đài Loan sang giải quyết.
Hơn 8 tháng trôi qua, anh Nguyễn Tiến Anh vẫn không thể nào quên khoảnh khắc cướp biển ập đến. “Lúc đó khoảng 7 giờ tối ngày 6-5, tàu chúng tôi đang đánh bắt cá tại vùng biển Ấn Độ Dương. Trời nhá nhem tối, trên tàu bắt đầu bật đèn thì bỗng nhiên có một chiếc ca-nô áp sát vào mạn tàu, 6 tên cướp biển với súng cối, lựu đạn giắt đầy người ập đến".
"Theo sau là một chiếc tàu lớn súng ống, đạn dược đầy trên boong, với khoảng 20 tên cướp biển đằng đằng sát khí, hạ lệnh cho thuyền trưởng dừng tàu. Linh tính mách bảo đó là cướp biển nên thuyền trưởng thông báo cho các thủy thủ tìm nơi ẩn nấp".
"Tôi và một số thủy thủ chạy trốn ở mũi tàu. Thế nhưng, sau đó chúng chĩa súng vào một số thuyền viên bị bắt dọa giết nên họ đã khai ra chỗ bọn tôi trốn. Cuối cùng, tất cả đều bị áp giải lên boong tàu, chúng bắt khai tên tuổi, quốc tịch rồi đưa về căn cứ”, Tiến Anh nhớ lại.
Bà Nguyễn Thị Huệ - mẹ thuyền viên Trần Văn Trí
(xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An) lo lắng khi đọc thông báo của Công ty
Cung ứng lao động quốc tế và dịch vụ về việc con trai bị cướp biển bắt giữ (Ảnh: K.Hoan)
Những ngày tiếp theo mới là những ngày các thủy thủ nơm nớp sống trong sợ hãi.
Vẫn còn 44 thủy thủ trong tay cướp biển
Ngoài 3 thủy thủ bị cướp biển Somalia bắt cóc cùng tàu đánh cá Tai Yuan-227 (Đài Loan) ở Ấn Độ Dương vào ngày 6-5-2010, hiện còn 44 thủy thủ Việt Nam vẫn nằm trong tay cướp biển Somalia và vẫn chưa có thông tin gì. Trong đó, bao gồm 8 thủy thủ trên tàu Guo No. 168 (Đài Loan) bị bắt ngày 6-10-2010; 12 thủy thủ tàu Shiuh Fu-1 (Đài Loan) bị bắt ngày 25-12-2010; 24 thủy thủ của tàu Hoàng Sơn Sun (Công ty TNHH vận tải biển Hoàng Sơn) bị bắt ngày 17-1-2011.
|
Thuyền viên Trần Văn Trí (22 tuổi, quê xã Quỳnh Long, H.Quỳnh Lưu, Nghệ An) kể: “Bọn tôi nghe các thuyền viên kháo nhau, cứ 10 ngày, bọn cướp sẽ giết chết 1 người nên ai cũng khiếp vía. Nhiều đêm thức trắng không ngủ vì sợ bọn cướp giết hại, vừa lo bố mẹ già ở nhà không ai chăm sóc”.
“Bọn cướp biển thỉnh thoảng vẫn cho anh em thuyền viên gạo ăn, nhưng chỉ là loại gạo mốc xanh, mốc đỏ. Lúc đầu ăn không được, sau cố ăn để qua ngày. Nếu ai chống cự hoặc tỏ ra không nghe lời sẽ bị chúng đánh đập. Thỉnh thoảng anh em trên tàu vẫn bị bọn chúng đánh oan vì bất đồng ngôn ngữ. Riêng tôi, chắc chúng thấy gầy yếu nên được tha”, Trần Văn Trí kể tiếp.
Nhưng bị đánh đập, ăn đói, mặc khổ vẫn chưa là gì mà các thuyền viên hãi nhất là khi bọn cướp đưa ra biển.
Nguyễn Tiến Anh cho biết: “Bình thường, bọn cướp không đáng sợ đâu, hằng ngày chúng vẫn trò chuyện với anh em. Thỉnh thoảng còn cho thêm đường, sữa, dầu ăn. Nhưng mỗi khi chúng đưa chúng tôi ra biển để cướp tàu thì trông bọn chúng chẳng khác gì... đao phủ. Cứ khi nào gặp máy bay, tàu tuần tra của cảnh sát các nước, chúng lại lôi thủy thủ lên boong, gí súng vào đầu, vào mắt. Chỉ cần bên kia bắn trả, coi như chúng tôi trở thành bia đỡ đạn cho bọn cướp. Tính tổng cộng chúng đưa tôi ra biển 4 chuyến, mỗi chuyến kéo dài cả tháng trời”.
Theo các thuyền viên, suốt hơn 8 tháng trời, cho đến ngày được thả, họ vẫn không hề gặp các thuyền viên VN cũng chịu chung số phận bị hải tặc Somalia bắt giữ. “Có lẽ, các tàu có thuyền viên VN bị bắt khi chúng tôi đang bị dẫn đi trên biển để bắt tàu khác nên không gặp. Nếu ở đất liền, chắc chắn anh em đã gặp nhau”, Tiến Anh nói.
Mong có tiền để về sum họp gia đình
Trần Văn Trí tâm sự: “Chúng tôi hết sạch cả tiền. Quần áo tả tơi, chỉ còn mỗi chiếc quần đùi, áo may-ô. Thậm chí, đôi dép cũng không có mà đi. Giá như ở Sri Lanka có đại diện sứ quán VN thì chúng tôi được an ủi phần nào”.
Thủy thủ Trương Văn Hiếu (H.Đắc Hà, Kon Tum) kể: “Mấy hôm rồi, may mắn chúng tôi gặp tàu Thanh Sơn (TPHCM) trên đường đi Ấn Độ ghé qua. Hơn 8 tháng rồi, chưa gặp người Việt nào tâm sự, anh em mừng mừng tủi tủi”.
Các thủy thủ còn cho biết, trước khi tiếp tục hành trình, thủy thủ tàu Thanh Sơn đã tặng mỗi anh em 100 USD để mua giày dép, quần áo.
Tâm nguyện lớn nhất của các thủy thủ hiện nay là mong có tiền để về nước trong thời gian sớm nhất. Nguyễn Tiến Anh bộc bạch: “Chúng tôi rất buồn vì hay tin phía chủ tàu Đài Loan đã phá sản. Không biết rồi ai sẽ lo giải quyết, thanh toán tiền cho chúng tôi. Chúng tôi mong sớm đoàn tụ với gia đình. Chúng tôi không một xu dính túi, chẳng có tiền gọi điện về VN. Đúng 30 tết mới nhờ được máy của các thuyền viên Kenya, Indonesia để gọi cho gia đình báo tin mừng”.
Còn thủy thủ Trần Văn Trí than thở: “Thoát khỏi bọn cướp biển rồi mà số phận chúng tôi chưa biết đi đâu, về đâu. Đến giờ, anh em chưa biết sẽ được về bằng đường hàng không hay về bằng tàu biển vì nghe nói 1 tuần nữa bên Đài Loan sẽ cử người sang Sri Lanka giải quyết. Những ngày tới, không có tiền không biết chúng tôi sẽ ra sao”.
Chờ phía Đài Loan giải quyết
Ông Vũ Đình Tuân, Trưởng phòng Đài Loan Công ty Inmasco - Cienco 1, đơn vị đưa thuyền viên Trần Văn Trí đi, cho biết sau khi hay tin thuyền viên được thả, công ty đã liên lạc với thuyền viên và gia đình; đồng thời thường xuyên cập nhật thông tin phía Đài Loan.
Theo đại diện Inmasco, do không có Đại sứ quán VN ở Sri Lanka nên không thể có sự động viên, hỗ trợ vật chất cũng như hướng dẫn thủ tục về nước cho các thủy thủ kịp thời. Mặt khác, phía chủ tàu Đài Loan đã phá sản nên phải chờ đại lý tàu và công ty môi giới phía Đài Loan giải quyết.
Ông Nguyễn Trí Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty TTLC (Tổng công ty công nghiệp ô tô VN), đơn vị đưa 2 thuyền viên còn lại đi, cũng cho hay công ty sẽ tích cực làm việc với đối tác phía Đài Loan.
Nếu phía Đài Loan giải quyết nhanh thì có thể về bằng đường hàng không. Còn nếu đi bằng đường tàu biển có lẽ phải mất 10 ngày mới về tới nơi.
Bình luận (0)