Tin đồn lan ra từ clip ghi hình người đàn ông cắt một trái xoài mút chín. Người cắt xoài (được cho là sau đó đã tung clip lên mạng xã hội) dẫn dắt nội dung theo hướng đây là loại xoài bị làm giả, lớp màng ni-lông kia chính là yếu tố “nhân tạo”, có nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người. Ngay lập tức, người tiêu dùng hoang mang còn người trồng lẫn người bán xoài thì hết sức lo lắng vì sợ bị tẩy chay, ế ẩm.
Theo nguyên tắc sinh hóa, không thể có loại cây ăn trái nào là “giả”, cũng chẳng thể có chuyện ai đó đưa được “màng ni-lông” vào ruột xoài hay bất cứ loại củ quả nào mà không làm thay đổi hình dạng, chất lượng ban đầu của nó. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ hiểu biết để phân định đúng - sai và nhất là trong bối cảnh nông phẩm liên tục dính xì-căng-đan như thời gian qua, số đông người tiêu dùng lo là phải.
Rất may là đại diện Cục Trồng trọt đã lên tiếng kịp thời. Theo đó, loại xoài bị nghi giả chính là giống trái xuất xứ Đài Loan, được trồng thử nghiệm tại nhiều địa phương ở Tây Nam Bộ, cây sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, diện tích trồng loại xoài này hiện tăng mạnh, chứng tỏ đang được ưa chuộng trên thị trường… Sự minh định của cơ quan chức năng đã giải oan cho xoài mút song chắc chắn nhà vườn và người bán buôn bị ảnh hưởng không ít. Nhưng thà vậy còn hơn không vì trước đó, họ đã tìm nhiều cách phân bua mà chẳng ai tin.
Một số loại trái cây tốt của Việt Nam như xoài, thanh long, vải, bưởi… đã được xuất khẩu sang các nước, đem lại lượng ngoại tệ đáng kể và đây chính là nguồn sống chủ lực của nông dân nhiều tỉnh, thành. Vượt qua nhiều hàng rào kỹ thuật và quy định thương mại, trái cây Việt phải nhọc nhằn lắm mới tìm được chỗ đứng ở thị trường ngoại, vừa cạnh tranh gay gắt với trái cây Thái Lan, Indonesia vừa chật vật giữ ổn vị thế. Vậy nên, chỉ với những tin đồn thất thiệt kiểu như trên là biết bao người Việt sẽ lãnh đủ.
Đã có những vụ đồn thổi nhắm vào nông phẩm khiến nhà vườn, tiểu thương điêu đứng và nhà quản lý cũng mệt bở hơi tai. Từ ăn cá kèo, cá rô đầu vuông hay bưởi bị ung thư mấy năm trước đến gạo nhựa, mực cao su vài năm gần đây, rồi bọc xoài của Đài Loan có chất kích thích tăng trưởng, gây ung thư và mới nhất là “xoài nhân tạo”, tất cả đều thất thiệt và vì thế đẩy nhà nông vào thảm cảnh.
Người tung tin đồn đã bất nhẫn, những người phát tán tin đồn còn dã man hơn. Dù đã có nhiều quy định của nhà nước về xử phạt người tung tin đồn sai trái nhưng đó chỉ là công cụ giải quyết phần ngọn, các cơ quan hữu trách cũng chỉ chạy theo xử lý hậu tin đồn trong khi nạn nhân dẫu có được minh oan song “được vạ má đã sưng”. Chỉ còn cách khơi dậy nhân tâm, thắp lên và làm lan tỏa tình thương yêu đồng loại cũng như tinh thần sống có trách nhiệm với cộng đồng thì mới mong sẽ hết dần những kiểu đồn thổi ác ý như thế…
Bình luận (0)