Những ngày qua, dư luận bức xúc trước thông tin khi đoàn từ thiện đến trao quà và phần tiền 500.000 đồng/hộ (cho 40 hộ dân) vừa rời đi, cán bộ thôn Trung Thôn, xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình đã đến từng nhà thu lại tiền cứu trợ của dân để… chia đều. Nhiều địa phương khác ở tỉnh Quảng Bình cũng có tình trạng tương tự.
Còn đâu niềm tin để quyên góp?
Bạn đọc Khổng Minh Hồng bức xúc: “Công ty tôi mỗi người chung tay góp 4-5 ngày lương (khoảng trên 600 nhân viên), mong muốn đóng góp, ủng hộ để giảm bớt phần khó khăn cho người dân gặp nạn vùng lũ lụt. Vậy mà cán bộ thôn làm thế thì cá nhân hay tổ chức khắp nơi còn đâu tinh thần, niềm tin để quyên góp? Mong các cơ quan chức năng vào cuộc, làm cho ra nhẽ vụ việc này”.
Nhiều bạn đọc cho rằng tiền cứu trợ đã được trao tận tay người dân thì đó là tài sản riêng của họ. Không có luật nào cho thôn được quyền thu lại tiền mà người dân được nhận trực tiếp từ các đoàn cứu trợ. Đây là một việc làm cho thấy sự tùy tiện, lạm quyền của những kẻ có chút quyền hành ở thôn, làng...
“Không thể chấp nhận được. Nên xử lý kiểm điểm lãnh đạo xã, thôn vì để xảy ra tình trạng này. Nếu không thì không còn đoàn, cá nhân hay tổ chức nào muốn chung tay hỗ trợ đồng bào bị bão lũ nữa cả. Đề nghị lãnh đạo các cấp lập đoàn thanh tra xem xét lại toàn bộ tiền hỗ trợ của các cơ quan, đoàn thể và mọi người trong cả nước giúp đỡ đồng bào miền Trung bị bão lụt. Kiểm tra xem tiền và hàng có đến được tay người dân hay không và người dân được bao nhiêu? Càng minh bạch, công khai càng nhận được lòng tin của người dân”- bạn đọc Trần Văn Tiến đề nghị.
Người dân thôn Trung Thôn bức xúc khi thôn thu lại tiền hỗ trợ lũ lụt (ảnh: M.TUẤN)
Có bạn đọc đặt vấn đề vì sao lúc đoàn cứu trợ đến, lãnh đạo thôn không giới thiệu, trình bày phương án “cân bằng mặt hàng” trực tiếp với các đoàn xem họ có đồng ý không, mà đợi đến lúc đoàn đi rồi thì làm như vậy. “Vì sao cán bộ thôn không tiếp cận để thông tin, trao đổi với những người đi cứu trợ nhằm giúp cho họ thấu hiểu cụ thể, đầy đủ về tình cảnh của các hộ dân ở địa phương. Nên nhớ rằng, giúp cho ai là quyền của những người đi cứu trợ, họ hiểu mục đích việc làm của họ trên tinh thần tự nguyện, bất vụ lợi. Vì vậy, bất kỳ ai cũng không được quyền hoặc có hành vi tùy tiện thu lại tiền cứu trợ cho ngươi dân để chia "cào bằng". Có thể, mong muốn của vị cán bộ thôn này thì tốt, nhưng việc làm như vậy là ấu trĩ và thiếu suy nghĩ”- bạn đọc Ngọc Long nêu ý kiến.
Lén lút, không minh bạch
Trước lời giải thích của ông Lê Văn Luận, phó thôn Trung Thôn rằng đây là việc làm vì dân, thôn thu lại để chia lại cho những hộ dân khác cũng bị thiệt hại trong thôn, nhiều bạn đọc cho rằng việc thôn chờ đoàn cứu trợ đi rồi quay lại thu tiền cứu trợ dân đã nhận là việc làm cho thấy sự lén lút, không minh bạch, rất phản cảm. Đây thực sự là việc làm gây mất lòng dân và làm xấu đi hình ảnh của một người cán bộ. Nếu thật sự vì dân, chỉ cần lãnh đạo thôn, xã tạo điều kiện hết sức để tiếp các đoàn cứu trợ, như: giới thiệu, lập danh sách chính xác những hộ cần được giúp đỡ, sắp xếp, hướng dẫn, bảo vệ an ninh cho buổi cứu trợ. Những việc còn lại là của các đơn vị, tổ chức từ thiện. Địa phương tuyệt đối không được can thiệp vào phần quà vì dễ sinh ra tiêu cực.
“Cán bộ thôn làm như vậy là không thể chấp nhận được. Thứ nhất, khi thu tiền cán bộ có nhập số tiền đó vào sổ thu với chữ ký 2 bên không? Có biên lai thu tiền không? Làm sao chứng minh thôn không ăn chặn? Thứ 2, dù thôn không ăn chặn thì cũng không thể có chuyện chia đều theo mặt bằng thôn vì các đoàn cứu trợ hỗ trợ theo hoàn cảnh khó khăn của từng gia đình”- bạn đọc Nguyễn Đình Hưởng phân tích.
Còn bạn đọc Dương Văn Tuấn nói thẳng: “Cứ làm ăn kiểu này, lòng tốt của mọi người sẽ mai một. Một thôn bao nhiêu hộ? Nhiều tổ chức đến cứu trợ, tặng quà thì địa phương sẽ có phương án phân bổ. Gom lại chia đều thì phải có chủ trương. Cách làm kiểu này thấy khó coi. Hơn nữa từng xảy ra tệ nạn cắt xén nên người dân mất niềm tin vậy thôi”.
Nên tiền trạm, có kế hoạch trước
Bên cạnh những ý kiến phê phán việc làm tùy tiện của lãnh đạo thôn, nhiều bạn đọc cũng cho rằng có một thực tế là các đoàn từ thiện có xu hướng tặng quà cho các hộ nghèo tiêu biểu, dẫn đến có hộ nhận nhiều lần, có hộ cũng khó khăn không kém nhưng không nhận được gì, đặc biệt là những hộ ở xa không được tiếp xúc với đoàn làm từ thiện. “Vì vậy, mỗi đoàn từ thiện cần tiền trạm, có kế hoạch làm việc trước với chính quyền địa phương để có sự phân chia hợp lý dựa vào hoàn cảnh của từng gia đình (ưu tiên cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn). Tránh trường hợp cùng hoàn cảnh như nhau nhưng người này được nhận nhiều lần, người khác quá ít hoặc không có”- bạn đọc Trần Oanh nêu ý kiến
Bình luận (0)