xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ai lên Tây Tiến mùa Xuân ấy...

Bài và ảnh: TUẤN MINH

Dù đã 84 tuổi, mắt mờ chân mỏi nhưng cụ Lương Văn Pém, người du kích Tây Tiến gần 70 năm trước, vẫn hừng hực khí thế khi nhắc lại những ngày tháng tung hoành cùng “đoàn quân không mọc tóc”

Những ngày cuối năm, chúng tôi ngược lên Mường Lát, vùng biên viễn xa xôi cách TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa gần 300 km. Nơi thượng nguồn sông Mã, chúng tôi gặp lại những địa danh: bản Sài Khao, núi Pha Luông, suối Cát Trắng... - nơi từng in dấu chân đoàn quân Tây Tiến năm xưa và là niềm cảm hứng bất tận để nhà thơ Quang Dũng sáng tác tuyệt phẩm Tây Tiến bi tráng, kiêu hùng.

Một thời kiêu dũng

Cụ Lương Văn Pém (SN 1930; ngụ bản Sim, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) tham gia đội du kích Tây Tiến từ năm 17 tuổi, cái thời “khỏe như voi, nhanh như sóc, thuộc rừng như lòng bàn tay”. Qua lời kể của cụ, hình ảnh vùng đất và con người Mường Lát những năm kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gian khó dần hiện ra.

 

Cụ Lương Văn Pém cùng vợ
Cụ Lương Văn Pém cùng vợ

 

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi/ Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi/ Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi/ Mường Lát hoa về trong đêm hơi. “Thời đó, rừng Mường Lát mênh mông cây cỏ, bản làng thưa thớt, cọp nhiều vô kể. Nhiều khi cọp còn mò vào bản bắt heo, bò, người dân phải thức đốt đuốc cả đêm để xua đuổi chúng về rừng” - cụ Pém nhớ lại.

 

Một góc bản Sài Khao - nơi đoàn quân Tây Tiến từng đi qua
Một góc bản Sài Khao - nơi đoàn quân Tây Tiến từng đi qua

 

Năm 1947, khi Trung đoàn Tây Tiến về Mường Lát, chàng thanh niên Lương Văn Pém xin tham gia đội du kích tự nguyện dẫn đường cho bộ đội tránh sự càn quét, cũng như chỉ chỗ để quân ta tiêu diệt đồn bốt thực dân Pháp, thổ ti. Là người bản địa, to khỏe, nhanh nhẹn và biết được tiếng các dân tộc Thái, H’mông, Khơ-mú, Lào nên Pém đã được già làng đồng ý cho gia nhập đội du kích Tây Tiến.

“Hồi đó, tôi cùng khoảng 20 người nữa tham gia đội du kích Tây Tiến. Tôi được giao nhiệm vụ dẫn đường cho bộ đội, cất giấu muối, tiếp tế lương thực. Lúc mới về đây, bộ đội Tây Tiến không ở với dân bản mà ở sâu trong rừng để tránh sự càn quét của thực dân Pháp và đám tay sai. Tuy ở sâu trong rừng nhưng bộ đội thường lui tới bản trò chuyện và dạy chữ cho đồng bào nên bà con ai cũng quý, cũng thương” - cụ Pém cho biết.

Khi ấy, để giữ liên lạc với cán bộ, chiến sĩ từ Lào về Mường Lát rồi sang Hòa Bình, Pém ngày ngày lội suối, băng rừng đi hàng chục cây số từ suối Sim sang Houaphanh - Lào, lên Sài Khao, bản Lát, Mường Chanh, Tam Chung... đưa thư, dẫn đường chỉ nơi mật phục để bộ đội tiêu diệt quân địch. “Có nơi phải đi mấy ngày trời mới tới, nhiệm vụ cấp bách nên nhiều hôm giữa đêm khuya, tôi chỉ mang theo một con dao nhỏ một mình băng giữa rừng già, nghe tiếng cọp gầm mà lạnh cả người. Lúc đó cũng thấy sờ sợ nhưng vì nhiệm vụ thiêng liêng nên quên hết, cứ thế mà đi” - cụ Pém quả quyết.

Trong đời du kích của mình, cụ Pém vẫn nhớ như in lần giáp mặt hàng trăm tên lính Pháp và tay sai đi càn quét. Nhấp một ngụm trà tán ma của người Thái, cụ kể: “Hôm đó, tôi từ Lào về mang theo 2 quả lựu đạn, đi dọc suối Sim tới khu Chòm Sáng ở Quang Chiểu thì dừng lại nghỉ trưa. Đang nằm trong lán, nghe tiếng quát tháo của lính Tây, tôi liền bật dậy đứng quay lưng vào vách đá để giấu 2 quả lựu đạn. Trong đoàn quân đi càn có một người từng tham gia du kích cùng tôi bị địch bắt. Tôi rất lo, chỉ cần anh này lên tiếng hoặc có hành động, cử chỉ gì là tôi sẽ bị bắt ngay. Tôi đặt tay lên 2 quả lựu đạn, sẵn sàng sống chết nhưng rất may chúng không phát hiện. Hai quả lựu đạn sau đó được tôi đưa về giao tận tay bộ đội”.

Nhờ sự gan dạ, dũng cảm, chàng trai bản Sim đã chuyển được rất nhiều vũ khí, tin thư liên lạc an toàn từ Việt Nam sang Lào rồi từ Thanh Hóa đến Hòa Bình, Sơn La cho bộ đội.

Nhớ mãi lần gặp Bác

Tham gia cách mạng, chàng trai dân tộc Thái còn được bộ đội dạy chữ quốc ngữ, dạy bổ túc văn hóa. “Cứ đêm đến, trong các lán trại giữa rừng sâu, chúng tôi lại được dạy đọc, viết. Không có sách, chúng tôi lấy một tấm gỗ mài nhẵn rồi dùng bút chì viết lên, xong mài đi rồi viết lại. Nhiều người trong đội du kích rất thích học chữ. Lúc rảnh rỗi, chúng tôi tập viết trên đất, trên lá cây nên chỉ trong 2 tháng theo học, tôi đã đọc, viết thành thạo. Tôi cũng là người đầu tiên ở bản Sim biết chữ quốc ngữ” - cụ Pém tự hào.

Việc biết chữ quốc ngữ đã giúp Pém rất nhiều trong quá trình làm nhiệm vụ giao liên cho bộ đội. Sau này, Pém được đứng trong hàng ngũ của Đảng, được giao nhiệm vụ ở lại địa phương vận động, giác ngộ bà con dân tộc thiểu số tham gia cách mạng. “Sau năm 1953, khi thực dân Pháp rút khỏi địa phương, Trung đoàn Tây Tiến cũng rời đi, tôi nhận nhiệm vụ làm phó Công an xã Quang Chiểu và nhiều vị trí khác như chủ tịch xã, phó chủ tịch huyện, phó bí thư Huyện ủy Quan Hóa - lúc chưa tách huyện...” - cụ Pém kể.

Trong thời gian làm nhiệm vụ tại địa phương, cụ Pém từng đại diện đồng bào các dân tộc thiểu số biên giới phía Tây Thanh Hóa ra thủ đô Hà Nội dự mít-tinh nhân lễ Quốc khánh. Đặc biệt, năm 1963, khi về Hà Nội dự đại hội “Bảo vệ trị an toàn miền Bắc năm 1963-1964”, cụ vinh dự được gặp Bác Hồ, được Người hỏi thăm và tặng quà.

“Tôi hết sức bất ngờ, vui sướng và cảm động. Hôm đó, tôi ngồi hàng ghế đầu, bỗng thấy mọi người đứng dậy vỗ tay hoan hô. Tôi quay lại thì thấy Bác đang bước vào hội trường. Trong hội nghị đó, Bác có nói về Quang Chiểu, dù là một xã biên giới, đời sống còn nhiều khó khăn nhưng đã làm rất tốt công tác bảo vệ trị an. Rồi Bác hỏi có ai ở Quang Chiểu không, tôi liền đứng lên hô: “Thưa Bác, có con!”. Bác hỏi thăm, tuyên dương tôi ngay giữa hội trường trước những tràng vỗ tay không ngớt” - cụ Pém bồi hồi.

“Rời thủ đô, tôi còn được Bác tặng một túi quà gồm 1 chiếc đèn pin, 2 cặp pin và 4 m lụa đỏ. Hôm tôi về, cả xã kéo đến hội trường để nghe kể chuyện được gặp Bác Hồ. Trong những món quà Bác tặng, tôi dành lại 4 m lụa biếu mẹ già, người đã sinh và nuôi tôi khôn lớn. Mẹ tôi giữ số vải đó rất cẩn thận, không dám may quần áo hay làm gì cả. Ngày mẹ qua đời, gia đình đã dùng tấm vải quý đó để khâm liệm cho bà” - cụ Pém xúc động.

Chúng tôi chia tay người du kích Tây Tiến khi trời đã nhá nhem tối. Đỉnh Pom Chun Khún, suối Sim mờ dần trong sương khói. Sông Mã, Sài Khao, Mường Lát... - nơi rất nhiều người lính Tây Tiến đã ngã xuống cho nền độc lập hôm nay - vẫn còn đó và sẽ mãi trường tồn, bất diệt cùng đất nước, dân tộc Việt Nam...

 

Sài Khao vẫn nguyên sơ

Bản Sài Khao, xã Mường Lý, huyện Mường Lát có độ cao lên tới 1.800 m so với mực nước biển. Sài Khao mây mù quanh năm bao phủ, mùa đông trời lạnh như cắt da, cắt thịt. Đường lên Sài Khao vẫn “dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm”, những cung đường ngoằn ngoèo qua các triền núi một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực thẳm khiến chúng tôi lạnh người khi đi qua.

 

Trẻ em Sài Khao lớn lên đều được đến trường học chữ
Trẻ em Sài Khao lớn lên đều được đến trường học chữ

 

Cảnh vật Sài Khao vẫn nguyên sơ như trong những dòng thơ cũ. Dòng suối Cát Trắng vẫn rì rào, đỉnh Pha Luông vẫn sừng sững giữa đất trời, minh chứng cho tinh thần vượt khó của những người lính Tây Tiến năm xưa, nơi những chàng trai ăn sương nằm núi nhưng vẫn “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.

Theo trưởng bản Vàng A Sú, Sài Khao hiện có 79 hộ dân, chủ yếu là người Mông. “Bản hiện đã có điện, có trường mầm non và tiểu học, tất cả trẻ em đều được học chữ. Nhiều con em dân tộc Mông ở Sài Khao đang theo học các lớp đại học, cao đẳng” - ông Sú khoe.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo