Tôi lần lượt đi qua những mối tình hờ, tình câm, tình con nít…, kết cục chỉ để lại tiếng “linh tinh” chứ chẳng được gì. Cho đến năm 1970 hay 1971 gì đó, Hà Nội có một sự kiện văn hóa đặc biệt: Nghệ sĩ kịch câm nổi tiếng thế giới Marcel Marceau từ Pháp bay sang biểu diễn tại Nhà hát Lớn.
Tập Một
Tôi may mắn được xem chương trình của Marcel Marceau. Được chiêm ngưỡng thì đúng hơn. Chưa bao giờ xem một tác phẩm nghệ thuật mà tôi rạo rực ngây ngất đến vậy.
Từ khi ông rời Hà Nội, tôi những mong ông trở lại, nếu không thì học trò của ông, đồng nghiệp bộ môn kịch câm của ông trở lại để tôi chiêm ngưỡng lần nữa. Mơ được ước thấy, chàng Tập Một trở về.
Vào giữa năm 1976, tự nhiên Hà Nội lao xao có một anh chàng đi học Nga về, “diễn kịch câm hay lắm”. Hai tiếng kịch câm làm tôi háo hức bồn chồn. Nghe nói sẽ có một buổi báo cáo ở Nhà hát Lớn. Tôi thích lắm, phải đi xem cho bằng được.
Giống như sau đêm diễn của Marcel Marceau, tôi cũng lặng người đi sau đêm diễn của chàng. Tôi bị chàng hớp hồn và đổ đánh rầm kể từ đêm diễn ấy, khi mà chàng chưa biết tôi là ai.
Sau đó, chàng diễn báo cáo một số nơi, trong đó có Trường Nhạc - nơi tôi đang học. Chẳng hiểu vô tình hay duyên số, chương trình ở Trường Nhạc, chàng có nguyện vọng muốn tìm một MC theo phong cách kịch câm. Được lời như cởi tấm lòng, con bé mê kịch câm thích thử nghiệm xung phong ngay.
Để ra dáng một MC kịch câm, chàng phải dạy cho tôi một vài động tác. Gặp và nói chuyện với chàng, lần đầu tiên trong đời tôi đã bị tiếng sét ái tình. Sau đó, tôi cứ lẽo đẽo theo chàng vừa làm MC vừa diễn cùng chàng. Dần dà “tình yêu nảy nở trong công tác”, tôi và chàng phải lòng nhau, đúng ra đến lúc này chàng mới phải lòng tôi.
Năm 1977, chàng đi Nga học 2 năm. Trước khi chàng đi học, hai gia đình tổ chức lễ đính hôn. Mọi người khen chúng tôi đẹp đôi nhất Hà Nội. Có ngờ đâu, chàng và nàng đang dắt nhau vào một chương đầy nước mắt.
Năm đầu yêu nhau da diết, chàng ở Nga viết thư đều đặn mỗi tháng 2 lần. Sang năm thứ hai, tự nhiên thư chàng thưa thớt một cách đặc biệt. Đùng cái, anh trai tôi học ở Kiev viết thư về kể: “Em coi chừng, nó ở bên Nga đang nợ nần lôi thôi lắm”. Hoảng hốt, tôi tìm cách kiểm chứng thông tin thì biết rằng: Sang Nga, chàng tiêu xài kinh lắm, cứ như đại gia… Viết thư cho chàng xem thế nào, 3 tháng sau không thấy hồi đáp. Khóc một trận rồi gạt nước mắt, quyết định dứt khoát phải chia tay.
Tháng 9-1979, tôi sang Nga tham gia chương trình Mùa thu vàng, dự kiến gặp chàng để nói lời chia tay. Gặp nhau, chàng cứ ngồi thuyết phục rồi nói: “Tình hình này học xong là mình cưới ngay, để lâu lời ra tiếng vào khó giữ được nhau lắm”. Con gái 25 tuổi nghe nói cưới, ai cũng mừng, tôi đồng ý liền.
Cưới nhau ngày 16-12-1979, năm 1980, ra Tết, hai đứa dọn về nhà bố mẹ chồng. Một hôm, em trai chàng về nhà khóc lóc. Các cụ lôi vào phòng tra hỏi, cậu em bảo phải đi vay tiền để trả nợ cho chàng. Tôi hoảng lên tra hỏi chàng số tiền nợ bên Nga là bao nhiêu. Chàng cứ quanh co mãi cuối cùng mới vỡ lẽ ra chàng nợ gần 2 vạn rúp. Tôi chết sững, như rơi xuống vực thẳm.
Trả nợ liên tục cho đến cuối năm 1982, tôi được mời dự Festival Dresden năm 1982 với tư cách khách mời danh dự rồi sau đó diễn vòng quanh nước Đức. Chương trình kéo dài 2 tháng, sau đó tôi được mời qua tiếp Ba Lan biểu diễn. Sau mấy tháng đi biểu diễn xa nhà, đến cuối tháng 11-1982, tôi về nước.
Về phòng hai vợ chồng, vừa mở cửa, tôi sững lại. Có gì đó rất lạnh và rất trống ập vào ngực tôi. Khoảng 10 giờ hôm sau, ba tôi và Ái Xuân đi sang. Ái Xuân vào phòng tôi thì thầm: “Có bất kỳ thứ gì đáng giá thì mang về nhà ngay lập tức. Ổng nợ khắp Hà Nội rồi chị ơi, hết một triệu bảy!”. Sét đánh ngang đầu tôi. Vàng lúc đó 1 chỉ 80 đồng, một triệu bảy nó khủng khiếp đến thế nào!
Phải li dị thôi, tôi quyết định. Theo thủ tục của tòa, chúng tôi phải gặp nhau hòa giải. Cuộc hòa giải êm thấm. Chúng tôi ngồi nói chuyện, cuối cùng chàng hiểu ra và chấp nhận. Cuộc chia tay lặng lẽ và lịch sự.
Tập Ba
… Chia tay với chàng Tập Hai, tôi mệt mỏi đến mức coi hôn nhân lần nữa là chuyện điên rồ, không bao giờ dám nghĩ tới nữa. Lúc này tôi đang ở Đức.
Tôi có cô con gái nuôi tên Hằng ở Munchen (Munich). Năm 1989, sang Đức tập huấn vừa lúc bức tường Berlin đổ, Hằng chạy sang Tây Đức và ở Munchen luôn. Trong lúc nói chuyện với Hằng, tôi ngỏ ý muốn tập lái xe. Hằng bảo: “Con biết một chú có thể giúp được nhưng mẹ phải về Munchen”. Một lần, Hằng gọi điện và cho tôi nói chuyện trực tiếp qua điện thoại với “thầy giáo” tương lai. Hằng bảo: “Chú ấy đang buồn lắm vì vừa chia tay hôn thê”.
Khi biết tôi muốn nhờ dạy lái xe, chàng đồng ý ngay. Lần đầu gặp, thấy chàng thật hiền, ít nói. Chàng cũng đã biết tôi. Tôi chỉ biết chàng đang làm giám đốc kỹ thuật của SPEA, một hãng chuyên về IT. Cứ như vậy rồi dính nhau lúc nào không biết.
Một bữa cơm tối, khi đã đủ tin cậy và quyến luyến, được chàng hỏi han và khuyến khích, tôi đã kể về quãng đời đã qua, hoàn cảnh hiện tại, về nỗi nhớ nhà, nhớ con... Trong câu chuyện, nhiều lúc không thể nén được cảm xúc, cứ khóc.
Chàng lặng đi không nói, chỉ nhẹ nhàng áp bàn tay lên tay tôi, giọng thật ấm áp: “Đừng buồn, bây giờ em đã có anh, mình sẽ cùng chia sẻ với nhau tất cả”. Chỉ một câu ngắn ngủi thế thôi, tôi xúc động nhận ra đây chính là người mình muốn tìm. Ơn trời, lần này tôi đã không lầm.
Hôm cưới, cảm động nhất là tuy ở bên Đức có một mình nhưng cuối cùng tôi cũng có hẳn một đoàn đại diện nhà gái. Đó là chị Thúy của Trung tâm Thúy Nga với vài người bạn ở Pháp sang, vợ chồng anh Thành - Thảo ở Munchen, Giàu và Bích ở Berlin cũng về. Điều đó khiến tôi được an ủi rất nhiều.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 5-5
Kỳ tới: Hát ở xứ người
Tập Hai
Tôi đã cố gắng viết cho xong mục này - 8.808 từ cả thảy. Câu chuyện chưa từng kể ra này cho biết lý do vì sao tôi buộc phải rời Tổ quốc năm 1990 khi đang được nhà nước có nhiều ưu ái. Nhưng vì câu chuyện quá đau đớn, khi đọc lại tôi không thể chịu nổi. Con trai tôi - nếu đọc được phần này - chắc chắn cũng sẽ không chịu nổi.
Vì thế - sau nhiều đêm suy nghĩ - tôi xin lỗi bạn đọc - cho phép tôi được xóa trắng mục này!
Bình luận (0)