Chỉ trong ngày 29-2 đã xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc gây chấn động dư luận. Vụ tai nạn ở Hà Nội làm chết 3 người; vụ ở Hà Giang làm chết 4 người, trọng thương 3 người.
Một tháng, 856 người ra đi không về
Đêm 29-2 là đêm mất ngủ của nhiều người dân phố Ái Mộ, phường Bồ Đề, quận Long Biên (Hà Nội) vì tận mắt chứng kiến cái chết của những nạn nhân sau vụ tai nạn kinh hoàng vào lúc 7 giờ 30 phút cùng ngày tại khu vực này.
Cũng trong tối hôm đó, lúc 20 giờ, tại Km 274 + 900 Quốc lộ II Hà Giang - Hà Nội (thuộc xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) đã xảy ra vụ “đấu đầu” giữa hai ô tô đi ngược chiều làm chết 4 người.
Chưa hết, sáng 1-3, một nữ sinh lại chết tức tưởi dưới bánh xe tải ở Quốc lộ 20 (đoạn qua xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) trước sự bàng hoàng của bạn bè cùng lớp. Đến trưa cùng ngày, xảy ra cái chết của hai vợ chồng (quê Bắc Ninh) khi đang đi xe máy thì va vào lan can ngã ra đường bị xe tải lao đến cán. Vợ chồng này có 3 con, cháu bé nhất vừa mới sinh chưa được bao lâu.
Hình ảnh của các vụ tai nạn trên xuất hiện nhan nhản trên mạng, trên báo chí đã ám ảnh với bất cứ ai được xem. Thương cảm những người bị nạn nhưng ai cũng lo sợ cho chính mình và người thân bởi TNGT luôn chực chờ khi ra đường.
Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, chỉ trong tháng 2-2016, cả nước xảy ra 1.904 vụ TNGT, làm chết 856 người, bị thương 1.817 người. Đáng chú ý, trong đó có rất nhiều vụ “xe điên” gây họa do tài xế không làm chủ được tay lái, gây tai nạn liên hoàn.
Hiện trường vụ tai nạn làm 3 người chết tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP Hà Nội Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG
Xem lại công tác đào tạo, sát hạch lái xe
Những vụ TNGT nghiêm trọng trên xảy ra ngay sau chương trình “Chung tay vì ATGT Việt Nam” được phát động bởi Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp Công ty Toyota Việt Nam (TMV) và Diễn đàn Otofun (otofun.net) tổ chức vào sáng 28-2. Đây là chương trình có chuỗi hoạt động để nâng cao nhận thức cho người tham gia giao thông nhằm khuyến khích, thay đổi hành vi của người điều khiển phương tiện, tập trung vào các nội dung: không sử dụng điện thoại khi lái xe, không lái xe khi đã uống rượu/bia và thắt dây an toàn khi lái ô tô.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, trung tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng Phòng Tuyên truyền, Cục CSGT (C67 - Bộ Công an) - nhận định: “Mỗi vụ tai nạn đều có nguyên nhân khác nhau nhưng không thể đổ hết tội cho các nguyên nhân. Người lái xe phải có bản lĩnh, kỹ năng và sức khỏe. Ngồi trên xe là ngồi trên một mối nguy hiểm, phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông”.
Lý giải về các vụ “xe điên” gây tai nạn liên hoàn, ông Nhật khẳng định đây là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến an toàn, trật tự xã hội. Người điều khiển phương tiện khi gây tai nạn thường tìm cách trốn tránh trách nhiệm, làm giảm nhẹ thiệt hại. Kỹ năng điều khiển phương tiện của rất nhiều người quá kém nên phải xem lại công tác đào tạo, sát hạch lái xe.
Cùng chung trăn trở, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho rằng những vụ tai nạn nghiêm trọng đều liên quan trực tiếp với người cầm lái. “Người lái xe thường vi phạm các quy định về an toàn giao thông, đặc biệt là uống rượu bia quá nồng độ cho phép…” - ông Thái nói
Sơ sẩy thì không cứu vãn được
Theo ông Nguyễn Trọng Thái, cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm minh đối với các vi phạm phóng nhanh, vượt ẩu, uống rượu bia… Mặt khác, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch lái xe. “Phải quản lý, giám sát chặt chẽ, đạt trình độ mới cấp giấy phép lái xe. Đây là vấn đề tính mạng con người, sơ sẩy thì không cứu vãn được” - ông Thái nhấn mạnh.
Còn kỹ sư Lê Văn Tạch (TMV) thì cho rằng chính ông đã từng nghe nhiều người mua bằng lái ô tô với giá 15 triệu đồng. Hay một số người học lái xe nhưng đến khi thi lại bỏ tiền ra để “chống trượt”. Điều đó chứng tỏ việc quản lý, cấp bằng lái xe chưa tốt. Làm thế nào để những chiếc xe tham gia giao thông đều phải bảo đảm được chất lượng là trách nhiệm của các cơ quan chức năng và người sử dụng.
“Với những xe nhập khẩu nguyên chiếc thì không bàn, nhưng với những xe lắp ráp trên dây chuyền thô sơ thì cần đánh giá chất lượng ngay trong khâu sản xuất chứ không phải chờ đến khi hoàn thiện. Bởi sau khi xe đã lắp rắp xong thì có đến hơn 70% hạng mục kỹ thuật không thể kiểm tra được nữa. Trong quá trình sử dụng, người sử dụng cần sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ tại nơi tin cậy. Thực tế, vẫn có trường hợp mượn phụ tùng bảo đảm chất lượng để đi đăng kiểm, sau đó lại lắp cái không bảo đảm chất lượng vào dùng” - ông Tạch phân tích.
Khẩn trương xác định nguyên nhân, xử lý nghiêm
Ngày 1-3, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, đã có công điện về việc khắc phục hậu quả vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng tại Hà Nội và Hà Giang. Theo đó, Phó Thủ tướng gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân tử vong; động viên, thăm hỏi các nạn nhân bị thương; chỉ đạo Công an TP Hà Nội, Công an tỉnh Hà Giang tiếp tục thực hiện các thủ tục có liên quan để xác định nguyên nhân 2 vụ tai nạn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân gây ra 2 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng này; lực lượng CSGT tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT, đặc biệt là các hành vi có nguy cơ gây TNGT cao như: người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn, chạy quá tốc độ, đi sai phần đường, làn đường, dừng đỗ xe trái quy định, gây cản trở giao thông...
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu các cơ quan thành viên của Ban ATGT TP Hà Nội, tỉnh Hà Giang; Ban ATGT các quận, huyện, đoàn thể chính trị - xã hội của 2 địa phương tăng cường tuyên truyền pháp luật về trật tự, ATGT, đặc biệt là thực hiện “đã uống rượu, bia - không lái xe”, “đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện”, “không phóng nhanh, vượt ẩu”, “không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường và hành lang ATGT”.
Giải đáp những nghi vấn, thắc mắc
Công an quận Long Biên, TP Hà Nội cho biết đã lấy lời khai của bà Nguyễn Phương Anh (SN 1991; ngụ phường Bồ Đề, quận Long Biên) - người ngồi trên chiếc ô tô gây tai nạn làm 3 người chết vào ngày 29-2 tại phố Ái Mộ, phường Bồ Đề. Những ngày qua, dư luận dấy lên thông tin bà Phương Anh là người cầm lái khi xảy ra vụ tai nạn nhưng ông Nguyễn Quang Vinh nhận tội thay.
Công an quận Long Biên khẳng định cơ quan điều tra đã giám định vân tay trên vô lăng cùng với các bằng chứng, lời khai của bị can, nhân chứng đều cho thấy ông Vinh chính là người cầm lái. Vì vậy, việc khởi tố bị can đối với ông Vinh là chính xác.
Trong một diễn biến khác, nhiều người dân ở phố Ái Mộ cho biết khi tai nạn vừa xảy ra, họ đã gọi tới tổng đài 115, có người tiếp nhận song rất lâu sau xe cấp cứu mới đến hiện trường. Trong hoàn cảnh ấy, một số taxi chạy qua, tài xế nhìn thấy nạn nhân chảy máu nhiều, bị thương nặng nhưng không dừng lại. Sau một thời gian khá lâu đợi xe cứu thương, thấy cháu bé đang hấp hối, có hy vọng cứu sống nên Công an phường Bồ Đề đã sử dụng xe tải đưa đến bệnh viện. Trên đường đi gặp xe cứu thương nên đã chuyển nạn nhân sang xe này.
Trước phản ánh của báo chí, ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, đã phủ nhận việc chậm trễ và cho biết tổng đài của trung tâm nhận được cuộc gọi báo tai nạn nghiêm trọng tại quận Long Biên lúc 7 giờ 35 phút ngày 29-2. Ngay lập tức, trung tâm điều một xe cấp cứu tại nơi gần nhất là Trạm Cấp cứu khu vực Gia Lâm (đóng tại Trung tâm Y tế Long Biên) đến hiện trường. Quãng đường chỉ khoảng 4 km nhưng do vào giờ cao điểm, người dân đi làm, học sinh đến trường rất đông nên bị ách tắc. Vì vậy, xe cấp cứu phải đi vòng. Đến 7 giờ 58 phút, một xe cấp cứu đã có mặt tại nơi xảy ra tai nạn.
Bình luận (0)