Tôi đến California (Mỹ) đúng dịp khắp nơi, người người chộn rộn chuẩn bị cho Lễ Tạ ơn (Thanksgiving). Mấy người bạn nói đây thực sự là mùa nghỉ ngơi, thư giãn của các cộng đồng dân cư sống trên đất Mỹ. Các lễ hội được tổ chức trang trọng, vui tươi và thân tình, ấm cúng...
Làm việc cật lực
Tối hôm ấy nhằm vào thứ năm, 24-11. Vợ chồng đứa em họ nhờ sự giúp sức của bà chị có tay nghề nấu ăn kha khá nên chuẩn bị từ sáng sớm các món ăn, thức uống cho cuộc họp mặt Thanksgiving của gia đình. Tiệc khá xôm tụ. Theo truyền thống, không thể thiếu gà Tây nướng, bắp, khoai tây, đậu cô ve hấp...
Nhìn con gà Tây to đùng được tẩm ướp kỹ càng qua 3 giờ rưỡi đút lò vàng rượm; các loại củ, quả hấp thơm lừng, ai nấy đều thấy thèm ăn. Đặc biệt, có món khá lạ với tôi, được gọi là “ham”, nhìn giống như giò heo rút xương ép thành một thứ da bao hình nón được cắt lát sẵn như giăm bon, hình như cắt bằng máy nên đều tăm tắp, nhìn đẹp mắt, hấp dẫn. “Cái này là thực phẩm chế biến sẵn nhưng vô tay người Việt mình nêm nếm thêm cho hợp khẩu vị rồi bỏ vô lò điện làm nóng lại trước khi ăn nên cũng bắt lắm” - bà chị làm bếp nói.
Bắt chuyện với mấy anh, chị đang làm cho các công ty, cơ sở dịch vụ, bán hàng... mới thấm thía ý nghĩa thiết thực của mùa lễ hội cuối năm. Người Mỹ, bao gồm người nhập cư sống trên đất Mỹ, làm việc cật lực suốt năm, chỉ chờ đến mùa này để thực sự thư giãn, nghỉ ngơi, vui chơi đầm ấm cùng gia đình. Một số công ty, hãng xưởng, ông chủ còn tổ chức cho nhân viên, người làm đi picnic, dã ngoại như một sự tạ ơn về những đóng góp của họ trong một năm ròng rã.
Đối với các cộng đồng người nhập cư vào Mỹ thập niên 1980-1990, chuyện mưu sinh, tìm và giữ được việc làm với thu nhập ổn định để lo toan cuộc sống là mối quan tâm số một. Họ chấp nhận “cày” ngày “cày” đêm, nỗ lực thích ứng với yêu cầu đòi hỏi cao về giờ giấc, áp lực trong lao động ở xứ công nghiệp phát triển. Có người sau 5-10 năm dần ổn định cuộc sống, vươn lên thành đạt, khá giả... Cũng có người chậm thích ứng, chấp nhận cuộc sống của người thu nhập thấp, trông chờ vào trợ cấp xã hội. Nhìn chung, để sống được, sống ngon lành thì mồ hôi, công sức bỏ ra, cái giá phải trả là không hề nhẹ nhàng chút nào.
Đứa em họ, mấy ngày tôi qua thăm, vẫn phải sáng 5 giờ thức dậy, 6 giờ xách theo phần cơm trưa nhà chuẩn bị, lái xe hơn tiếng rưỡi trên cao tốc từ Bắc Corona qua Garden Grove, đến chỗ làm là một công ty kinh doanh phần mềm ở Santa Ana xuôi xuống một đoạn. Đi sớm để đề phòng, trừ hao thời gian kẹt xe. Chiều tối cũng vậy, bữa nào không kẹt xe thì có thể 18 giờ hơn đã về đến nhà, kẹt xe thì có bữa phải gần 20 giờ.
Vợ nó cũng có chỗ làm ổn định tại một bệnh viện với hành trình đi về tương tự. Hai vợ chồng thu nhập thuộc loại trung bình khá do mấy năm đầu chịu khó theo học lấy được bằng đại học các chuyên ngành ứng dụng, thực hành.
Gian nan, vất vả là những cô chú, anh, chị ít học hoặc có bằng cấp từ trong nước qua đây nhưng không có điều kiện sử dụng để kiếm công việc phù hợp nên thường phải chọn những nghề tự do, chủ yếu phụ quán, phụ bán hàng ở siêu thị, chợ, công việc năng nhọc mà lương không cao. Một số trở thành “thợ đụng”, tức ai kêu gì làm đó, cắt cỏ, tỉa cây, sửa điện, sửa bếp... thu nhập bấp bênh, dễ trở thành người thất nghiệp hoặc lông bông.
Khá thờ ơ thời cuộc
Một nghề thu hút khá đông chị em khi sang đây là làm nail. Lúc thịnh, những người làm có tay nghề, có duyên thu nhập trên 15.000 USD/tháng là thường. Nhưng mấy ai biết nỗi khổ và tác hại lâu dài của nghề này.
Có chị bạn trước làm nhân viên văn phòng một cơ quan hành chính ở Việt Nam, người khá xinh, nhiều anh em trong cơ quan mê vì sự tươi tắn, lúc nào cũng rạng rỡ của chị. Gần 4 năm qua đây, gặp lại, thấy chị khác hẳn. Ngoài cái khoản ngày nào cũng đi về hơn 300 km thì nguy hại hơn là mỗi ngày 8-10 tiếng đồng hồ phải hít thở mùi aceton cùng nhiều hóa chất độc hại khác của công việc làm nail. Khả năng đổ bệnh sau này là rất cao nhưng biết làm sao được. Trong tình huống này, nghề chọn người chứ người đâu thể chọn nghề? Và đó cũng là điều phải chấp nhận trong câu chuyện thích ứng, hòa nhập với đời sống bên Mỹ.
Cộng đồng cư dân Việt ở Mỹ, nhất là những người trẻ, có quan tâm đến chính trị, quan tâm thông tin thời sự tại Mỹ và ở quê nhà không? Có thể nhận ra một điểm chung là do gần như phải dành toàn bộ thời gian, dốc hết tâm sức cho cuộc mưu sinh nên đa phần những người tôi tiếp xúc đều khá thờ ơ thời cuộc. Thi thoảng, họ đọc báo, xem truyền hình Việt ngữ nhưng chiếm gần hết các trang báo, thời lượng phát sóng là thông tin thương mại, quảng cáo dịch vụ, hàng hóa từ rao bán đông trùng hạ thảo, nước hoa, sữa tắm, lotion đến dịch vụ đăng ký medicare, mua bán nhà, luật sư tư vấn thủ tục bảo lãnh định cư, visa... Nhà hàng dim sum, phở, mì Quảng, bò bảy món, bún bò, bún chả, bún riêu, nem nướng rồi các chương trình đại nhạc hội, dạ tiệc mùa đông, mùa xuân... thi nhau lên trang, lên sóng.
Người dân tranh thủ mua sắm nhân dịp đón Giáng sinh tại Mỹ
Người đọc chỉ cầm các trang báo, chú tâm xem các đài này khi có việc liên quan, muốn liên hệ nhờ dịch vụ hay đặt hàng mua các món được quảng cáo trên đó. Giờ trống còn lại trong chương trình phát sóng thì được chèn các sô giải trí, video ca nhạc không do đài ấy sản xuất. Thông tin thời sự - chính trị, do vậy, rất hạn chế, không thu hút được nhiều người.
Nhiều ấn tượng đẹp
Thời gian ít ỏi của chuyến lưu lại Cali lần này mang đến cho tôi nhiều ấn tượng đẹp về những người trẻ năng động, mang khát vọng vươn lên trong cuộc sống, thích ứng và hòa nhập tốt với cuộc sống nơi đất khách.
Tôi cũng không quên được những câu chuyện trao đổi dù ngắn ngủi nhưng thấm đẫm ân tình giữa các bạn trẻ tình nguyện với mấy cụ già sống neo đơn một mình trong những khu nhà xã hội. Gọi đó là trại dưỡng lão cũng không hẳn. Chính phủ thu xếp cho những người già, các cụ nghỉ hưu một nơi ở (aparment) tầm vừa phải với giá phù hợp. Các cụ chỉ phải trích ra khoảng 1/4 tiền trợ cấp để chi phí cho tiền nhà, được tổ chức ăn chung ở nhà ăn (vẫn có thể ăn riêng nếu muốn), được chăm sóc sức khỏe miễn phí hoặc với chi phí thấp; hằng tuần được phát sữa tươi, bột dinh dưỡng, bánh mì, phô mai, trái cây...
Được vậy tưởng đã đủ đầy nhưng các cụ vẫn thiếu những bàn tay chăm sóc, cần lắm những câu hỏi han, những xấp bánh tráng, dăm cái bánh pía do con ba, thằng bảy mang tới. Rồi những buổi tối cuối tuần quây quần hai, ba người nấu chè bưởi, chè đậu đen, đậu xanh cùng nhau húp xì xụp.
Tôi cũng không quên tiếng cười non trẻ, ánh mắt thơ ngây của mấy chú bé, cô nàng tuổi 9, 10 trong lớp học tiếng Việt miễn phí. Giáo viên là một cô giáo từ TP HCM qua định cư theo diện đoàn tụ gia đình. Lớp học nép dưới tán bồ đề của một ngôi chùa ở Eastvale. Sáng chủ nhật hằng tuần, các cháu nhỏ được học tiếng Việt, học hát các bài bài hát Việt.
“Bà con, anh chị trong nước cứ nghĩ sống bên đây sung sướng lắm, kiếm tiền dễ dàng lắm. Không có đâu. Bươn chải, làm việc cật lực, làm không ngơi nghỉ may ra mới đủ chi phí cho những nhu cầu thiết yếu” - đứa em họ ngồi tiếp chuyện tôi sau một ngày làm việc, nói với nhau được vài câu mắt đã díp lại.
Tạ cái ơn cưu mang, cứu giúp
Một ông chú họ qua Mỹ từ những năm 1980 giảng giải cho tôi ý nghĩa của Lễ Tạ ơn. Đại khái, lễ này gắn liền với câu chuyện những người được coi là tổ tiên của người Mỹ đã may mắn vượt qua mùa đông đầu tiên hết sức khắc nghiệt trên đất này một cách ngoạn mục, đầu tháng 9-1620. Một nhóm hơn 100 người cùng trẻ con mang theo một ít vật dụng bước lên con tàu Mayflower rời nước Anh vượt đại dương tìm đến miền đất mới (thường gọi là tân thế giới). Sau mấy mươi ngày lênh đênh trên biển, họ đặt chân lên dải đất sau này là Massachusetts. Mùa đông giá lạnh, thực phẩm thiếu thốn, từ tháng 12 năm ấy đến tháng 3 năm sau, lần lượt hơn phân nửa trong số họ ra đi vì không chịu nổi đói, rét. Lúc đầu, họ hết sức dè chừng, tránh giao du, đụng chạm với thổ dân mà không ngờ rằng sau đó chính thổ dân là những ân nhân tận tụy, nhiệt tình giúp họ vượt qua thách thức ngặt nghèo. Thổ dân chỉ cách cho họ trồng bắp, bí đỏ, săn bắt, nấu nướng các thứ thịt, củ, quả để giải quyết cái ăn; cùng họ dựng những mái nhà vững chãi để có chỗ quây quần, chống lại cái rét cắt da.
Cuối tháng 11-1621, sau khi có một mùa vụ bội thu, họ quyết định tổ chức Ngày Hội mùa (Harvest Festival), trân trọng mời các ân nhân thổ dân cùng dự, ăn uống, múa hát để tạ cái ơn cưu mang, cứu giúp. Sau này, Lễ Tạ ơn còn mang nhiều ý nghĩa khác như tạ ơn đất trời đã cho người Mỹ chiến thắng trong các cuộc chiến, tạ ơn bề trên ban cho dân chúng cuộc sống an lành, sung túc…
Lễ Tạ ơn toàn liên bang được thống nhất ấn định vào ngày thứ năm cuối cùng của tháng 11 hằng năm. Khi đó, viên chức, người lao động được nghỉ làm từ thứ năm đến chủ nhật. Họ thường tổ chức tụ họp họ hàng, anh em, bạn bè tại nhà để ăn mừng thay vì ở các nơi công cộng như vào dịp Giáng sinh và dịp mừng năm mới.
Bình luận (0)