Thời gian gần đây, mấy người cháu được ông Nguyễn Hoàng Kiếm ở chợ Cái Bát, xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân - Cà Mau nhờ canh giữ vuông tôm cứ nằm im thít trong nhà. Vuông tôm không được thăm nom vào ban đêm vì họ sợ cá sấu tấn công.
Hung hăng tìm mồi
Tháng trước, khi đổ lú bắt tôm, ông Kiếm tóm được một con cá sấu to bằng bắp tay, nặng khoảng 4 kg đang săn mồi. Nghi ngờ trong vuông tôm còn nhiều cá sấu nên ông luôn cảnh giác.
Vài hôm sau, đang ngồi lai rai với bạn bè, ông Kiếm nghe đàn vịt sau nhà kêu váng lên bèn ra kiểm tra. Vừa quét đèn pin xuống nước, ông phát hiện một con cá sấu to bằng bắp chân, dài gần 2 m đang đuổi theo đàn vịt. Sáng hôm sau, con cá sấu này hung hăng tiến đến mé vuông tôm tìm mồi. Ông Kiếm đã tìm cách bắt con cá sấu nặng hơn 11 kg này và nhốt vào một chiếc bồn nhựa.
Chuyện ông Kiếm liên tục bắt được 2 con cá sấu khiến người dân trong vùng hết sức hoang mang. Đến nhà ông Kiếm, chứng kiến cảnh con cá sấu lớn cứ láo liên hai mắt nhìn theo bóng người rồi chồm lên táp, ai cũng lo sợ.
Có lẽ do bị sổng chuồng đã lâu nên con cá sấu này rất hung dữ. Nó liên tục phóng lên thành bồn nhựa táp người đến xem. Thấy khó có thể quản thúc được, ông Kiếm đã mang con cá sâu này đến gửi một người nuôi chuyên nghiệp trong vùng. Còn con sấu nhỏ, ông Kiếm gửi ở một hộ nuôi tự phát.
Chuồng nuôi cá sấu chỉ xây vài hàng gạch ống và giăng lưới B40 rất sơ sài
Ở Phú Tân, ngoài ông Kiếm, nhiều người khác cũng đã bắt được cá sấu sổng chuồng. Có lần, một nông dân trong vùng đã bắt được một con sấu dưới dòng sông xuôi về Cái Bát.
Ông Bùi Văn Phớn, ở xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân, kể: “Mới đây, ông Mừng ở cùng xóm tôi đã bắt được 2 con cá sấu dưới vuông tôm, một con đem bán, con kia xẻ thịt”. Vài ngày gần đây, ông Phớn cũng nghi ngờ vuông tôm của mình có cá sấu nên đang rình bắt. “Con tôi không đứa nào dám ra thăm tôm vào ban đêm vì sợ cá sấu tấn công” - ông Phớn cho biết.
Nông dân Trần Văn Phẩm, ở xã Rạch Chèo, lo sợ: “Cá sấu đã sổng xuống vuông tôm thì cũng dễ dàng thoát ra sông rạch. Trẻ con vùng sông nước có thói quen tắm sông rạch nên nếu gặp cá sấu trên 10 kg, tụi nhỏ coi như khó thoát”.
Không sổng mới lạ !
Theo chỉ dẫn của ông Kiếm, chúng tôi đến nhà ông Gang - hộ nuôi cá sấu chuyên nghiệp mà ông Kiếm gửi con cá lớn và không khỏi bất ngờ khi thấy chuồng trại sơ sài ở đây. Chuồng nuôi cá sấu xây thấp lè tè bằng vài hàng gạch ống, chia thành hai ngăn, một bên nhốt 20 con sấu nhỏ bằng bắp tay, bên kia nhốt con cá sấu ông Kiếm gửi.
Thấy bóng người, con cá sấu của ông Kiếm nhào đến há to miệng chực táp. Vợ ông Gang cười bảo: “Thấy cá sấu ở hai bên cứ phóng qua phóng lại vèo vèo, chồng tôi xây thêm vài hàng gạch ống chứ trước không cao vậy đâu”.
Ở Phú Tân, chúng tôi đến hơn chục hộ nuôi sấu nhỏ lẻ tại các xã Rạch Chèo, Tân Hưng Tây, Nguyễn Việt Khái, Việt Thắng... và đều thấy người dân xây chuồng trại rất sơ sài.
Chuồng nuôi cá sấu thường xây cao khoảng 0,5 m, hộ nào kỹ mới giăng thêm lưới B40 nhưng cũng rất lỏng lẻo. Một người dân từng nuôi cá sấu ở Phú Tân khẳng định: “Thời gian nuôi cá sấu đủ lớn để xuất chuồng phải trên một năm nên phần lưới B40 tiếp xúc với lớp xi-măng bên dưới đã bị mục. Với sức mạnh của con cá sấu nặng khoảng 15 kg, nchúng dễ dàng vượt qua lớp lưới B40 này và sổng ra ngoài”.
Nuôi tự phát, đại trà
Theo ông Lê Minh Ngoan, Phó Chủ tịch UBND xã Rạch Chèo, thời gian qua có rất nhiều hộ dân trong vùng nuôi cá sấu tự phát, không đăng ký với ngành chức năng và xây chuồng trại rất đơn sơ nên mới xảy ra chuyện sấu sổng chuồng.
Hiện UBND xã Rạch Chèo và các xã lân cận đang vận động người dân tự giác đến gặp cán bộ phụ trách nông - lâm - thủy sản để được hướng dẫn các thủ tục đăng ký nuôi cá sấu cũng như nâng cấp chuồng trại cho an toàn.
Theo Chi cục Kiểm lâm Cà Mau, toàn tỉnh có khoảng 500 hộ dân nuôi cá sấu với số lượng khoảng 5.000-7.000 con.
Hiện người dân Cà Mau đã áp dụng thành công việc cho cá sấu đẻ trứng, sinh con nên nghề này đang phát triển đại trà ở vùng nuôi tôm vì giá cá sấu tăng cao. |
Bình luận (0)