Thật ra, chuyện cán bộ nhà nước “xà xẻo” tiền bạc của dân nghèo, người hưởng chính sách, gia đình thương binh - liệt sĩ không phải là hiếm. Gần đây là vụ các cán bộ xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang “ém” hàng chục triệu đồng tiền trợ cấp cho nông dân bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn. Trước đó nữa là vụ 5 cán bộ xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân, tỉnh Hà Tĩnh bị khởi tố vì cắt xén hơn 100 triệu đồng hỗ trợ hộ nghèo xóa nhà tạm năm 2014...
Kiểu ăn bẩn của những công bộc của dân vẫn thường xuyên xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước. Bất lương đến độ họ “ăn chặn” từ gói mì, gạo cứu trợ đến gà, dê hỗ trợ gia đình nghèo. Bà Nguyễn Thị Doan, lúc còn đương chức Phó Chủ tịch nước, đã chua xót phát biểu trong một kỳ họp Quốc hội: “Tôi càng đi càng thấy buồn. Người ta ăn của dân không chừa thứ gì!”.
Tại sao một bộ phận cán bộ lại có thể hành xử vô tâm đến vậy? Câu trả lời không khó, đó chính là lòng tham của kẻ có chức, có quyền. Thực tế đã có nhiều quan tham phải hầu tòa, trả giá cho hành vi bất lương của mình. Nhưng xã hội thì nhức nhối khi lòng nhân ái giữa người với người trong một chế độ ưu việt đã ít nhiều bị hoen ố.
Nhiều năm qua, Đảng và nhà nước đã thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là dân nghèo, đối tượng chính sách. Nhưng tinh thần nhân đạo ấy không được phát huy khi tình trạng cán bộ, quan chức vụ lợi, xà xẻo dân ngày càng gia tăng. Ông Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương, từng thốt lên: “Ăn chặn của người nghèo là nỗi sỉ nhục, đánh mất đạo đức làm người của cán bộ. Họ chỉ biết dùng những đồng tiền “bẩn” để vun vén cho cuộc sống của bản thân, gia đình mà quên đi nỗi đau, sự mất mát, đói nghèo của dân”.
Một câu hỏi được đặt ra là vì sao chuyện ăn chặn, xà xẻo vẫn cứ liên tục lặp đi lặp lại? Nguyên nhân được chỉ ra là do xử lý không nghiêm, thậm chí là bao che của cấp trên với cấp dưới. Không mấy ai thấy đó là hành vi tham ô, với tình tiết tăng nặng là tham ô của người nghèo!
Danh nhân Nguyễn Trãi, trong “Bình Ngô đại cáo”, đã viết: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”. Rõ ràng, nhân tâm có hòa thì giang sơn mới thịnh. Vậy nên, trong một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh thì không thể có những cán bộ, lãnh đạo chính quyền tha hóa, bất lương như ông Thành hay một số quan xã Xuân Cẩm và nhiều trường hợp khác tương tự. Cần phải xử lý thật nghiêm minh, thậm chí loại khỏi bộ máy nhà nước những “con sâu mọt” như thế để củng cố lòng tin của người dân.
Bình luận (0)