xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

An ninh bệnh viện: Quá nhiều nỗi lo

Anh Thư - Ngọc Dung

Bất kỳ vụ lộn xộn nào ở bệnh viện, nhất là tại phòng cấp cứu, cũng tiềm ẩn nguy cơ thảm họa nên đòi hỏi các cơ sở y tế phải có phương án đề phòng, nhân viên y tế có thái độ ứng xử phù hợp

Đến sáng 24-9, không khí ở Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định, TP HCM - nơi xảy ra vụ tấn công của hơn 30 tên côn đồ vào rạng sáng 23-9, vẫn còn đầy lo âu. Cơ quan chức năng đã bố trí 2 chiến sĩ hình sự túc trực tại cổng vào Khoa Cấp cứu. Theo bác sĩ (BS) Nguyễn Đức Trí, Phó Giám đốc BV Nhân dân Gia Định, bệnh nhân Lê Hoàng Anh Tuấn đã hồi phục và được cơ quan công an chuyển đi nhưng nhiều BS vẫn lo ngại vì nhóm giang hồ dọa sẽ “xử” những người cứu chữa cho bệnh nhân này.

Bệnh nhân chịu thiệt

BS Trí cho biết trước đây, BV từng gặp những rắc rối do thân nhân bệnh nhân phản ứng tiêu cực nhưng chưa bao giờ phải đối mặt với tình huống nghiêm trọng như vụ việc vừa qua. Điều đáng nói là sự việc này làm gián đoạn hoạt động chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân.

Cùng lo ngại này, BS Lê Thanh Chiến, Giám đốc BV Cấp cứu Trưng Vương (TP HCM), cho rằng những vụ gây rối không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ điều trị, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của bệnh nhân mà còn tác động lên tâm lý của nhân viên y tế. “Là nghề cần sự vững vàng về mặt tâm lý, nếu gặp chuyện và vào ca mổ trong trạng thái lo âu thì làm sao phẫu thuật tốt được?” - BS Chiến băn khoăn.
img
Phòng cấp cứu luôn là điểm nóng của những vụ gây rối. Ảnh chụp ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP HCM Ảnh: ANH THƯ

Từng đối mặt với không ít vụ “hỗn chiến” ngay tại khu vực cấp cứu, điều dưỡng Nguyễn Xuân Vinh, BV Việt Đức (Hà Nội), cho biết chuyện người nhà bệnh nhân gây áp lực, chửi mắng nhân viên y tế không phải hiếm gặp. Tuy nhiên, xác định thầy thuốc là nghề “làm dâu trăm họ” nên các y, bác sĩ luôn phải cam chịu, thậm chí phải trải qua một vài lần va vấp thì mới có kinh nghiệm tự phòng vệ.

“Đáng buồn là những năm gần đây đã có nhiều trường hợp bác sĩ, nhân, viên y tế bị người nhà bệnh nhân ra tay hành hung, thậm chí tước đi mạng sống. Trong khi đó, lực lượng bảo vệ tại các BV rất mỏng, không được trang bị công cụ hỗ trợ nên việc can thiệp, trấn áp các đối tượng gây rối gặp nhiều khó khăn” - ông Vinh lo lắng.

Tự bảo vệ mình

Là nơi thường xuyên tiếp nhận người tâm thần và những đối tượng tội phạm cần được giám định nên vấn đề an ninh ở Trung tâm Giám định Pháp y tâm thần TP HCM rất nghiêm ngặt. Theo ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, giám đốc trung tâm, để đối phó với các hành vi gây rối, cơ sở y tế cần tự trang bị biện pháp bảo vệ mình.

img
Phòng cấp cứu luôn là điểm nóng của những vụ gây rối. Ảnh chụp ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP HCM. Ảnh: ANH THƯ


“Ngoài việc người thầy thuốc đánh giá đối tượng mình sẽ giám định để có ứng xử phù hợp, trung tâm còn bố trí bảo vệ quanh khu vực giám định, lắp camera, tránh trang bị những vật dụng có thể làm hung khí trong phòng giám định…” - BS Quang cho biết.

Không chỉ phòng tránh các cuộc ẩu đả mà còn phải bảo đảm những vấn đề an ninh khác nên một số BV đặc thù đã ra quy định rất chặt chẽ. BV Nhi Đồng 1, TP HCM chỉ có 1 cổng vào cho bệnh nhân. Tất cả thân nhân muốn di chuyển từ khu vực này sang khu vực có bệnh nhi nội trú, tùy theo giờ, vẫn phải xuất trình giấy tờ theo quy định.

“Dù có thể gây khó khăn cho người dân nhưng quy định này rất cần thiết để bảo đảm an toàn cho bệnh nhi, bệnh nhân đặc biệt” - TS-BS Nguyễn Thanh Hùng, Phó Giám đốc điều hành BV Nhi Đồng 1, lý giải.

Tại BV Từ Dũ, TP HCM, theo BS Trần Ngọc Hải, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, khi người lớn mang trẻ ra khỏi BV thì phải xuất trình một loạt giấy tờ, như: giấy chứng sinh, giấy ra viện, đơn thuốc và chứng minh mối quan hệ với em bé.

Phải hiểu tâm lý người bệnh

Ông Nguyễn Ngọc Hiền - Phó Giám đốc BV Bạch Mai, Hà Nội - cho rằng ngoài những biện pháp phòng ngừa thì điều quan trọng là nhân viên y tế phải hiểu được tâm lý người bệnh.

“Trong lúc người thân của họ đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết hoặc khi mất, nhiều người nhà bệnh nhân chỉ nghĩ rằng do bác sĩ tắc trách. Do đó, nhân viên y tế cũng cần đặt mình vào hoàn cảnh của những người đang có thân nhân cấp cứu để hiểu tâm lý của họ và có cách giải quyết phù hợp” - ông Hiền phân tích.

Theo ông Hiền, BV Bạch Mai đã tăng cường đội ngũ bảo vệ cho những điểm nóng như khoa cấp cứu. Tuy nhiên, việc sử dụng đến lực lượng này là giải pháp cuối cùng vì quan trọng vẫn là thái độ của nhân viên y tế.

BS Trần Thanh Mỹ, Giám đốc BV Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, cho biết BV thường xuyên tiếp nhận những ca bị tai nạn vì uống rượu, đánh nhau nên họ thường ở trong trạng thái kích động và người thân thì nóng ruột. “Điều đầu tiên chúng tôi làm vẫn là đem tấm áo blouse trắng ra mà “đỡ”, cố gắng nhường nhịn, giải thích… để họ hiểu rằng chúng tôi là BS, đang phải cứu người khác và cứu chính họ. Rất may, từ trước đến giờ, tấm blouse trắng vẫn bảo vệ được chúng tôi” - BS Mỹ tâm sự.

Ký kết thỏa ước về an ninh

Sáng 24-9, Công an quận 10, TP HCM đã mời lãnh đạo các BV trên địa bàn như Cấp cứu Trưng Vương, Nhi Đồng 1... đến ký kết thỏa ước liên quan đến cơ chế phối hợp giữa công an - BV.

BS Lê Thanh Chiến mong rằng việc ký kết này sẽ là cơ sở pháp lý cũng như thắt chặt hơn mối liên hệ về an ninh giữa công an với BV. “Các nội dung này sẽ được ban giám đốc truyền đạt lại với cán bộ, nhân viên và hình thành một quy chế rõ ràng hơn về cách phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý tình huống nguy cấp” - ông Chiến khẳng định.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo