* Phóng viên: Thưa ông, trong tuần này, Quốc hội (QH) sẽ bầu tân Thủ tướng và các thành viên Chính phủ. Ông đánh giá đâu là thách thức mà Chính phủ mới phải đối diện và xử lý?
- Ông Trần Hoàng Ngân: Đầu tiên, phải nói đến bối cảnh thế giới khó khăn, phức tạp, diễn biến khó lường. Trong nước thì kinh tế chậm phục hồi. Đặc biệt, diễn biến phức tạp trên biển Đông tác động không nhỏ đến kinh tế - xã hội nước ta. Biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt.
Vì vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% - 7% cho năm 2016, đồng thời ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân là một thách thức rất lớn cho Chính phủ nhiệm kỳ mới. Trong khi đó, còn hàng loạt thách thức như nợ công đang ở mức cao, nợ Chính phủ vượt trần, nguồn vốn vay ODA hạn chế khi lãi suất cao hơn và thời gian ngắn hơn, năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh yếu…
Trước các thách thức, Chính phủ cần hành động quyết liệt ngay từ bây giờ. Cần huy động sức mạnh đoàn kết và trí tuệ của cả hệ thống chính trị cho việc thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết QH về kinh tế - xã hội tại kỳ họp lần thứ 11, khóa XIII.
* Những vấn đề kinh tế nào là trọng tâm mà Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo, điều hành và giải pháp cụ thể, thưa ông?
- Quan điểm của tôi là phải đặt nền kinh tế của chúng ta trong 2 bối cảnh. Một là, kinh tế hiện đã hội nhập sâu rộng với việc ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, Cộng đồng kinh tế ASEAN... Hai là, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt. Các giải pháp phải đặt trên 2 nền tảng này.
Về giải pháp, thứ nhất, phải hoàn thiện thể chế, tức là tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế, quản lý nhà nước về xã hội, đô thị, xây dựng, quy hoạch kết cấu cơ sở hạ tầng… Chúng ta đang quá tập trung vào thể chế kinh tế thị trường nhưng thể chế để bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm an dân, an toàn cuộc sống người dân thì còn thiếu. Ví dụ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông… Do đó, cần quan tâm đến thể chế về mặt an dân.
Thứ 2, quan tâm hơn nữa đến kinh tế nông nghiệp, ứng dụng kỹ thuật cao, học tập các nước trên thế giới về bài học khi đối mặt biến đổi khí hậu… Về nguồn vốn vay ODA, tôi đồng tình với ý kiến của Bộ Tài chính là phải hạn chế việc cấp phát và gắn với đó là vay - trả, ưu tiên tính cấp thiết hơn là tính cần thiết để giảm gánh nặng nợ nước ngoài, nợ công.
Đặc biệt, cải cách hành chính cần tiếp tục làm mạnh hơn nữa để doanh nghiệp tin rằng cơ quan nhà nước là bạn đồng hành, để họ tăng được sản xuất - kinh doanh, đóng góp cho ngân sách nhiều hơn.
* một số vấn đề cụ thể của nền kinh tế như tình hình biến động giá dầu, tình trạng các doanh nghiệp “chết lâm sàng” hay khó khăn của kinh tế tư nhân, ông có ý kiến góp ý gì cho Chính phủ?
- Hãy ưu tiên mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trước đã.
Ngày 7-4, tân Thủ tướng tuyên thệ nhậm chức
Theo chương trình của kỳ họp thứ 11 QH khóa XIII, hôm nay (4-4), QH bỏ phiếu kín bầu một số phó chủ tịch QH, một số thành viên Ủy ban Thường vụ QH. Ngày 5-4, QH biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật Báo chí (sửa đổi); bỏ phiếu kín bầu chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm một số ủy ban, Tổng Kiểm toán nhà nước.
Sáng 6-4, Chủ tịch nước trình QH miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ, sau đó QH thảo luận tại đoàn về việc miễn nhiệm Thủ tướng. QH sẽ biểu quyết thông qua Luật Tiếp cận thông tin; Luật Dược (sửa đổi); Luật Sửa đổi, Bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế; Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu (sửa đổi). Chiều cùng ngày, QH bỏ phiếu kín miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ; thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết về việc miễn nhiệm Thủ tướng; Chủ tịch nước trình danh sách đề cử để QH bầu Thủ tướng; thảo luận ở đoàn về dự kiến nhân sự bầu Thủ tướng.
Ngày 7-4, QH bầu Thủ tướng Chính phủ; thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết bầu Thủ tướng và sau đó Thủ tướng tuyên thệ. Tiếp đó, Chủ tịch nước trình QH miễn nhiệm phó chủ tịch nước, chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao; bỏ phiếu kín miễn nhiệm phó chủ tịch nước, chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao. Chủ tịch nước trình danh sách đề cử để QH bầu phó chủ tịch nước, chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao.
V.Duẩn
Minh bạch thông tin để dân giám sát
Trong tuần này, dự kiến QH sẽ thông qua Luật Tiếp cận thông tin. Ông Trần Ngọc Vinh, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của QH, cho rằng dự thảo luật quy định chủ thể cung cấp thông tin là các cơ quan nhà nước là chưa đầy đủ. Theo ông, chủ thể cung cấp thông tin được mở rộng, công khai, minh bạch sẽ góp phần quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, oan sai.
“Luật Tiếp cận thông tin yêu cầu cơ quan nhà nước có trách nhiệm phải cung cấp thông tin không phải là mật để người dân được tiếp cận. Thực tế cho thấy việc thiếu thông tin là rất nguy hiểm. Do đó, phải mở rộng việc cung cấp thông tin cho người dân. Khi có nhiều thông tin, người dân sẽ xác định đúng hướng hơn và sẽ giảm được khiếu nại, tố cáo cũng như một số mặt về xã hội sẽ tốt hơn” – ông Vinh nhìn nhận.
V.Duẩn
Bình luận (0)