Theo Cục Hàng không Việt Nam, sự cố nêu trên xảy ra vào 11 giờ 5 phút ngày 20-11. Trung tâm Kiểm soát không lưu đường dài, tiếp cận Hồ Chí Minh (ACC/HCM) bị mất điện khiến Công ty Quản lý bay Miền Nam phải áp dụng kế hoạch ứng phó không lưu và gấp rút khắc phục từng phần hệ thống kỹ thuật tại đây.
Hàng loạt chuyến bay bị ảnh hưởng
Đến 12 giờ 25 phút, về cơ bản đã khắc phục được sự cố. 12 giờ 40 phút, hệ thống kỹ thuật hoạt động ổn định, công tác điều hành bay trở lại bình thường.
Trong thời gian xảy ra sự cố, trên 50 chuyến bay đang hoạt động trong vùng thông báo bay Hồ Chí Minh. Ba chuyến bay quốc tế quá cảnh bị ảnh hưởng trực tiếp, 7 chuyến đi sân bay dự bị và một số chuyến phải bay chờ hoặc chậm khởi hành từ sân bay Tân Sơn Nhất khiến một số chuyến bay khác bị ảnh hưởng dây chuyền. VietJet có 11 chuyến bị ảnh hưởng trực tiếp, trong đó chuyến bay VJ157 từ Hà Nội đi TP HCM phải đáp xuống sân bay dự bị Buôn Ma Thuột, chuyến bay VJ461 Hà Nội đi Vinh phải quay lại sân bay xuất phát…
“Các chuyến bay này được theo dõi tại Trung tâm Ứng phó bay của Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) ở Hà Nội qua hệ thống tự động quản lý không lưu của Trung tâm Kiểm soát không lưu Hà Nội (ATCC/HAN). Các hoạt động bay được bảo đảm an toàn” - Cục Hàng không khẳng định.
Hàng loạt biện pháp ứng phó không lưu đã được triển khai khi sự cố xảy ra, như: thông báo cho các trung tâm kiểm soát đường dài lân cận gồm Singapore, Manila, Sanya, Kuala Lumpur, Vientiane, Phnom Penh triển khai ngay kế hoạch ứng phó; yêu cầu các cơ sở điều hành bay của Việt Nam tạm thời dừng cất cánh đối với các máy bay chuẩn bị khởi hành, các chuyến bay đang đến sân bay Tân Sơn Nhất quay lại sân bay khởi hành, bay chờ tại các khu vực chờ hoặc hạ cánh xuống sân bay dự bị…
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một lãnh đạo của VATM thừa nhận đây là sự cố nghiêm trọng nhất trong điều hành bay từ trước đến nay. Hiện lãnh đạo Cục Hàng không và VATM đã cử người trực tiếp vào TP HCM đánh giá vụ việc, tìm hiểu nguyên nhân. Về việc bồi thường cho các chuyến bay quốc tế, trong nước bị hoãn, hủy chuyến do sự cố nêu trên, vị lãnh đạo này cho rằng đây là chuyện bất khả kháng nên sẽ không phải bồi thường.
Nhiều sự cố nghiêm trọng do con người
Đây chỉ là một trong nhiều sự cố của hoạt động điều hành bay xảy ra gần đây. Hôm 29-10, một máy bay của Vietnam Airlines (VNA) từ TP HCM đi Huế khi cất cánh đến độ cao gần 500 feet, phi công đã bất ngờ nhìn thấy một máy bay quân sự cắt ngang trước mặt ở phía trên, chỉ cách nhau khoảng 200 feet. Chiếc máy bay dân sự phải giảm tốc độ bay lên, đổi góc bay để tránh xung đột. Tình huống này xảy ra với máy bay huấn luyện Mi172/423 và Airbus 321.
Nguyên nhân sự cố ban đầu được xác định do chỉ huy quân sự không quan sát kỹ, không phối hợp hiệp đồng tốt với hoạt động dân sự, trong khi sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là sân bay dùng chung cho quân sự và dân sự.
Theo báo cáo của Cục Hàng không, từ đầu năm 2014 đến nay, trong lĩnh vực điều hành bay đã xảy ra nhiều sự cố nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến an toàn bay. Ngày 27-6, kíp trực đài kiểm soát tại sân bay quốc tế Đà Nẵng (thuộc Công ty Quản lý bay Miền Trung) bố trí trực thiếu người, phân công một nữ nhân viên thực tập chưa có giấy phép và chưa qua kiểm tra trình độ tiếng Anh trực tiếp điều hành bay. Do không đủ trình độ, nữ nhân viên thực tập đã cấp huấn lệnh cho chuyến bay của Jetstar Pacific (JPA) cất cánh, trong khi một chuyến bay khác của VNA vừa đáp xuống vẫn chưa thoát ra khỏi đường băng.
Ngay cả đối với những kiểm soát viên không lưu kỳ cựu cũng để xảy ra sai sót nguy hiểm khi thao tác không đúng kỹ thuật (bấm micro) làm mất liên lạc một chiều với máy bay của JPA đang chuẩn bị hạ cánh trong gần 4 phút như sự cố đêm 23-7 ở sân bay Vinh. Người trực chỉ huy chính là nhân viên thạo việc vừa được tăng cường từ sân bay quốc tế Nội Bài vào để củng cố cho sân bay Vinh.
VATM là 1 trong 3 đơn vị phải xây dựng đề án nhằm cải thiện, nâng cấp chất lượng dịch vụ của toàn bộ dây chuyền hàng không theo yêu cầu của bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, cùng với các hãng hàng không và hệ thống sân bay. Đề án này vừa được hoàn tất trình Cục Hàng không phê duyệt. Trong đó, VATM thừa nhận khối điều hành không lưu hiện nay có đến 40% nhân viên tay nghề trung bình và yếu, 31% có trình độ tiếng Anh chưa đạt tiêu chuẩn mức 4 ICAO (Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế). Trong giờ cao điểm, một kiểm soát viên không lưu quốc tế có thể điều hành 50-55 chuyến bay nhưng kiểm soát viên không lưu của VATM chỉ điều hành được 30-35 chuyến.
“Gần 20 năm qua, ngành hàng không không có các vụ tai nạn thiệt hại về người. Tuy nhiên, việc duy trì, bảo đảm an toàn trong toàn ngành nói chung và trong lĩnh vực hoạt động bay nói riêng còn chưa vững chắc, các sự cố uy hiếp an toàn xảy ra ở tất cả các khâu, trong đó nguyên nhân chủ quan do yếu tố con người chiếm tỉ lệ lớn” - VATM nhận định.
Để khắc phục, bên cạnh các giải pháp về tổ chức khai thác như tối ưu hóa phương thức điều hành bay, phân bổ lại giờ bay…, một biện pháp quan trọng là nâng cao ý thức kỷ luật của cán bộ, nhân viên. VATM đặt mục tiêu đến năm 2016 sẽ không còn tình trạng kiểm soát viên không lưu không đạt chuẩn tiếng Anh, cãi nhau trên sóng hay bỏ chốt trực...
Lãnh đạo Airbus phải thay đổi lịch trình
Theo kế hoạch, trưa 20-11, lãnh đạo cấp cao của hãng chế tạo máy bay Airbus có mặt tại TP HCM để làm việc với một hãng hàng không trong nước. Song, do sự cố mất điện, vị lãnh đạo của Airbus nhận được thông báo tạm dừng cung cấp dịch vụ không lưu từ ACC/HCM, máy bay chở ông phải quay lại Hồng Kông.
Bình luận (0)