Ngày 2-12, UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức hội thảo về điện hạt nhân.
Bảo vệ theo chiều sâu
Tiến sĩ Alexander Kukshinov, chuyên gia của Công ty CP Atomstroyexport (Nga), cho biết công nghệ lò phản ứng VVER thế hệ 3 của Nga - dự kiến sẽ áp dụng tại Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 (thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam) - có nhiều tính năng an toàn tối ưu, kể cả khi động đất và sóng thần.
Một trong những đặc điểm quan trọng nhất của thế hệ 3 là khu vực bảo đảm an toàn trong trường hợp xảy ra sự cố nằm cách nhà máy 800 m. Nghĩa là khi xảy ra bất kỳ sự cố nào, chất phóng xạ và xả thải phóng xạ được cô lập trong phạm vi nhà máy, bảo đảm an toàn cho dân cư, môi trường ngoài khu vực.
Theo tiến sĩ Alexander Kukshinov, an toàn của lò VVER dựa trên nguyên tắc bảo vệ theo chiều sâu với 4 hàng rào vật lý để ngăn ngừa sản phẩm phân hạch thoát khỏi thanh nhiên liệu hoặc thâm nhập chất tái nhiệt của vòng tuần hoàn chính trong nhà máy.
Các chuyên gia Nhật Bản và EVN khảo sát tại thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải,
tỉnh Ninh Thuận - nơi sẽ xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2
Ông Hoshi (chuyên gia của Công ty Điện nguyên tử Nhật Bản - JAPC), cho biết lò phản ứng hạt nhân được sử dụng tại Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2 (thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) là loại phản ứng nước nhẹ LWR. “Đây là loại lò dựa trên sự hoàn thành mới nhất của các lò phản ứng ABWR và PWR” – ông Hoshi nói.
Theo Công ty Phát triển Năng lượng hạt nhân quốc tế Nhật Bản, khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân, các biện pháp an toàn được đặt lên hàng đầu. Cụ thể, nhà máy điện hạt nhân phải có khả năng chống chịu cao đối với các tai nạn nghiêm trọng, thảm họa thiên nhiên…
Cần khảo sát kỹ
Một trong những nội dung quan trọng được các chuyên gia về nguyên tử hạt nhân của Nhật Bản đề cập khá kỹ là bài học kinh nghiệm từ “sự cố Fukushima”, qua đó định hướng cho việc xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2.
Theo ông Yuji Takahashi, Giám đốc điều hành Công ty Phát triển Năng lượng hạt nhân quốc tế Nhật Bản, phía Nhật Bản có trách nhiệm chuẩn bị và trình bày công việc khảo sát, đánh giá địa điểm nhà máy điện hạt nhân, bảo đảm tính an toàn cao nhất cho phát triển điện hạt nhân tại Ninh Thuận.
Cùng ngày, Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Nhật Bản đã thông qua hiệp định hợp tác phát triển và sử dụng năng lượng hạt nhân vì hòa bình giữa Nhật Bản và Việt Nam. |
Để chuẩn bị xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2, Công ty Khảo sát Địa chất Kawasaki (Nhật Bản) đã đưa tàu vào vùng biển Việt Nam để khảo sát địa chất.
Trao đổi bên lề hội thảo với phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều đại biểu ở Ninh Thuận cho rằng các cơ quan hữu trách cần phải khảo sát kỹ địa chất biển, kể cả trên đất liền ở những khu vực sẽ xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Theo họ, một khảo sát mới đây của các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã phát hiện hệ đứt gãy theo phương Đông Bắc - Tây Nam (30 độ) ở xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải. Trên đất liền, đứt gãy này thể hiện không rõ ràng nhưng dưới biển thì rất rõ, ở dạng một lạch ngầm kiên định, theo phương khoảng 60 độ.
Các nhà khoa học cho rằng cần đo vẽ chi tiết các khe nứt và nghiên cứu các khoáng vật ở đây. Bên cạnh đó, tiến hành đo địa chấn khúc xạ, phản xạ trên đất liền và địa chấn nông phân giải cao dưới biển để làm sáng tỏ bản chất, mức độ hoạt động cũng như tuổi của các đứt gãy.
Thu hút đầu tư, lợi ích lớn về nguồn lực
Theo quy hoạch, tổng diện tích để thực hiện dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 là 502 ha. Trong đó, diện tích nhà máy là 90 ha, diện tích phân phối là 33 ha, vùng cách ly 1 km từ hàng rào nhà máy là 379 ha. Ngoài ra, còn sử dụng 310 ha mặt nước biển làm cảng và diện tích cách ly. Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2 có tổng diện tích 514 ha, trong đó diện tích nhà máy là 97 ha.
Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, khẳng định việc xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân sẽ giúp địa phương thu hút thêm các dự án đầu tư khác và mang lại lợi ích lớn về nguồn nhân lực cho địa phương. |
Bình luận (0)